Việc chia tách đã tạo cơ hội để sự nghiệp giáo dục 2 tỉnh thành cùng phát triển

Thứ sáu, 09/12/2016 11:11

(Cadn.com.vn) - Cách đây 20 năm, trên mảnh đất mệnh danh "Ngũ phụng tề phi" đã diễn ra một cuộc chia tay lịch sử: Quảng Nam - Đà Nẵng được chia thành 2 đơn vị hành chính, tạo tiền đề để Đà Nẵng và Quảng Nam cùng bứt phá đi lên. Đi cùng với sự phát triển của TP Đà Nẵng, 20 năm qua, ngành GD-ĐT TP đã tạo được nhiều dấu ấn đáng tự hào. Tiến tới kỷ niệm 20 năm ngày diễn ra sự kiện trọng đại này, ông Nguyễn Minh Hùng- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã dành cho Báo Công an TP Đà Nẵng cuộc trò chuyện về quá trình phát triển đi lên của sự nghiệp GD-ĐT TP.

Ông Nguyễn Minh Hùng 

P.V: Là người gắn bó với ngành GD-ĐT trước, sau khi chia tách, theo ông, sự kiện lịch sử này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành GD-ĐT của Đà Nẵng và cả Quảng Nam?

Ông Nguyễn Minh Hùng: Cuộc "ra riêng" này chắc chắn có ý nghĩa lớn đối với ngành GD-ĐT của Đà Nẵng và Quảng Nam. Ngày đó, những người làm công tác giáo dục khá băn khoăn, nhất là khi nghĩ về tỉnh Quảng Nam mới với bao nhiêu khó khăn. Bây giờ nhìn lại, sau 20 năm, việc chia tách đó đã quyết định cho sự chủ động, phát huy thế mạnh của mỗi vùng đất, mở ra cơ hội được đầu tư mạnh mẽ cho GD-ĐT từ Trung ương cũng như các tổ chức trong và ngoài nước. Ý nghĩa sâu sắc nhất chính là tạo ra cơ hội để phát triển. Thực tiễn đã chứng minh được điều đó.

P.V: Ông có thể khái quát một số thành tựu mang tính bứt phá của ngành GD-ĐT Đà Nẵng kể từ sau khi chia tách đến nay?

Ông Nuyễn Minh Hùng: Thật khó để khái quát hết ra đây những thành tựu ngành GD-ĐT đã đạt được 20 năm qua. Tuy nhiên, có thể nói, thành tựu mang tính bứt phá của ngành kể từ sau khi chia tách đến nay luôn gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của TP Đà Nẵng. Các chủ trương, quyết sách, sự đầu tư tập trung trên nhiều lĩnh vực đã mang lại cho GD-ĐT một diện mạo mới.

Nét nổi bật là các đề án được UBND TP ban hành, đã và đang được thực hiện, điều chỉnh hợp lý cả về mục tiêu, giải pháp. Đó là các đề án: Quy hoạch mạng lưới trường lớp; Phổ cập giáo dục; Xây dựng phòng bộ môn đạt chuẩn, trường chuẩn quốc gia; Dạy học ngoại ngữ; Sữa học đường; Chương trình và kế hoạch về "Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" của TP...

Sau chia tách, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tiếp tục được TP quan tâm đầu tư, có những cơ chế đãi ngộ riêng. Đáp lại sự quan tâm và kỳ vọng đó, thầy trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu giáo dục chất lượng cao. Hằng năm, TP dành 20 chỉ tiêu vào trường này cho con em học sinh Quảng Nam. Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo TP, các cấp quận, huyện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trường học, thư viện, phòng bộ môn, hạ tầng công nghệ thông tin của toàn ngành được đầu tư, phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đến nay, toàn ngành có 173 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 47,6%); 159 thư viện đạt chuẩn (đạt 86,9%) và 55 trường có phòng học bộ môn đạt chuẩn (đạt 50,9%).

Một điều không thể không đề cập đến đó là Đà Nẵng đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 6/6 quận, huyện duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập THCS và công tác xóa mù chữ. Chất lượng chăm sóc, giáo dục ở các cấp bậc học tiếp tục phát triển; từng bước rút ngắn khoảng cách chất lượng học tập và rèn luyện giữa các trường ở trung tâm TP với các trường vùng ven, miền núi, khu vực giải tỏa. Kết quả xếp loại học lực - hạnh kiểm, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp, đỗ vào các trường ĐH ngày càng được nâng cao; số lượng HS đoạt giải học sinh giỏi, HS năng khiếu cấp quốc gia, khu vực và quốc tế được duy trì và phát triển. Từ năm 1997 đến nay, HS TP đã đoạt được 793 giải quốc gia, 23 giải quốc tế và khu vực Châu Á...

Đặc biệt, nhằm góp phần cung cấp cho các em những kiến thức về lịch sử địa phương, hình thành ý thức đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, Sở đã tổ chức biên soạn và đưa vào giảng dạy bộ Sách Lịch sử Đà Nẵng dành cho HS THCS, THPT năm học 2015 - 2016. Thực hiện Chỉ thị 24 của Thành ủy, ngành đã chủ động phối hợp với địa phương vận động HS bỏ học ra lớp học phổ cập, học bổ túc, học nghề. Theo đó, số HS bỏ học giảm đáng kể qua từng năm, trong đó không có HS TH bỏ học và HS bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Xác định xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt trong các giải pháp phát triển GD-ĐT TP, ngành đã khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ này tham gia các lớp đào tạo nâng chuẩn về trình độ chuyên môn, tham gia các lớp đào tạo sau ĐH, tạo nguồn giáo viên cốt cán cho ngành. Đến nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên từ bậc mẫu giáo đến THPT đạt 88,9% trở lên, trong đó bậc tiểu học và THPT đạt 100%. Toàn ngành có 10 tiến sĩ, 650 thạc sĩ, có hơn 70 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đang tham gia học cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, góp phần quan trọng điều chỉnh mối quan hệ giữa quy mô và các điều kiện bảo đảm chất lượng. Ngành đã thực hiện tốt các quan điểm, định hướng và nhiệm vụ về giáo dục khuyết tật, giáo dục dân tộc; tạo điều kiện để HS con em gia đình chính sách, HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, HS dân tộc thiểu số có cơ hội học tập, được thụ hưởng các điều kiện học tập như những trẻ em bình thường khác.

Nguyễn Kiều Hiếu (thứ 3 từ phải sang) và Phạm Việt Cường (thứ 5 từ phải sang) - HS trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đoạt HCB Olympic Toán quốc tế lần thứ 51 năm 2010 tổ chức tại Kazakhstan, cùng thầy cô trong ngày vinh danh trở về.

P.V: Trong thời điểm toàn ngành GD-ĐT đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện, để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, có nhân cách, hội tụ đầy đủ những yêu cầu của nền kinh tế tri thức trong xu thế hội nhập, theo ông, thách thức lớn nhất ngành GD-ĐT TP  đang phải đối mặt là gì? Và điều gì mà ngành GD-ĐT TP cần phải làm quyết liệt trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Minh Hùng: Thách thức lớn nhất của GD-ĐT cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng chính là sự tụt hậu của giáo dục trên cả 3 phương diện: quan điểm, cơ chế chính sách và đầu tư các điều kiện; trong đó, đội ngũ quản lý và nhà giáo có ý nghĩa tiên quyết. Để thực sự "đổi mới căn bản và toàn diện", phải thay đổi tư duy khoa học giáo dục một cách mạnh dạn, biết chọn những giải pháp căn cốt để xoay chuyển chất lượng cả hệ thống và cả hệ thống phải chuyển động.

Đối với ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng, nếu chọn một "điều cần phải làm quyết liệt" trong thời gian tới (cũng như mọi thời điểm) thì đó là tập trung xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ đạo và đặc biệt là nhà giáo thực sự có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự là "thầy", là "giáo viên" theo đúng tên gọi. Trong phương pháp dạy học, lấy HS là trung tâm thì trong xoay chuyển chất lượng giáo dục, giáo viên và giảng viên phải giữ vai trò người quyết định. Họ mà "có vấn đề" thì nền giáo dục bất kỳ nơi nào, bất luận được hô hào ra sao cũng sẽ chậm tiến.  

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

P.Thủy
(thực hiện)