Viện trợ và nợ nần

Thứ năm, 11/01/2018 10:19

Việc Washington đóng băng hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Pakistan sẽ tác động khá hạn chế nhờ vào mối quan hệ đang nồng ấm giữa Islamabad và nhiều cường quốc khác trên thế giới, từ đó giúp giảm dần tầm quan trọng của viện trợ Mỹ cho nền kinh tế. Nhưng Pakistan có thể gặp rắc rối lớn nếu Mỹ đòi lại các khoản nợ của mình.

Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt viện trợ 900 triệu USD cho Pakistan vì cho rằng, Islamabad không thực hiện đầy đủ cam kết giải quyết các căn cứ của lực lượng Taliban và Haqqani. Hiện có đến 2 tỷ USD tiền thiết bị và viện trợ từ Mỹ cho Pakistan cũng đang bị đe dọa. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự trợ giúp của Mỹ đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, nền kinh tế quốc gia Nam Á cũng đang cải thiện cùng với việc Bắc Kinh đang đổ tiền vào cho Pakistan, những ảnh hưởng tiêu cực trong vấn đề này sẽ chỉ trong ngắn hạn. Bởi sau cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan vào năm 2001, viện trợ cho Pakistan từ các quốc gia khác đã tăng lên đáng kể, đạt mức 3-4 tỷ USD mỗi năm.

Nhưng nếu Washington tính đến ván bài khác - chẳng hạn như đòi Islamabad trả nợ các khoản vay quan trọng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Pakistan sẽ thật sự khốn đốn. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nền kinh tế của Pakistan đang ổn định và phát triển. Nhưng nó cũng được tài trợ thông qua WB, IMF, và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - tất cả các tổ chức mà Washington là chủ nợ lớn nhất.

Dự trữ ngoại hối của Pakistan đang giảm mạnh, buộc nước này vay tiền nếu muốn tiếp tục phát triển. Vào tháng 12-2017, Islamabad đã phát hành 2,5 tỷ USD trái phiếu quốc tế, một giao dịch được WB mô tả là “thành công”. Nhưng quyền lực của Washington ở các thể chế tài chính thế giới chính là vũ khí lợi hại để họ “nắm cổ” Pakistan. Mỹ có thể sử dụng ảnh hưởng trong HĐBA LHQ, IMF, WB, ADB – những ván bài mà Tổng thống Donald Trump đang nhắm đến đối với những quốc gia “khó bảo”.

THANH VĂN