Viết cho Khát vọng Hòa bình

Thứ tư, 07/02/2024 07:00

“Ở đây, những người chết còn sống hơn những người đang sống, bởi chúng ta mãi không quên về họ và có lý do, có động lực, có niềm tin để tiếp tục duy trì...”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã thốt lên như vậy về đất và người Bình Dương, hy vọng chất liệu từ vùng “cát cháy” anh hùng này sẽ là nguồn cảm xúc để Hội Nhà văn hoàn thành dự án văn học đầy tham vọng: “Khát vọng Hòa Bình”

Nhà văn Trung Trung Đỉnh tặng sách cho fan hâm mộ.

"Khát vọng Hòa bình” được khởi xướng bởi Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, sau khi được mời dự buổi ra mắt 2 cuốn sách “Bình Dương - vùng đất anh hùng” và “Vườn Mẹ” tại Hà Nội cuối năm 2022. “Bình Dương, có lẽ đó là mảnh đất có một không hai trên thế gian này. Chúng tôi sẽ tổ chức những người viết tiêu biểu nhất để về mảnh đất Bình Dương”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định và thôi thúc.

Cuối tháng 11-2023, 27 cây bút tiêu biểu do chính Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam dẫn đầu từ Hà Nội vào. Cũng bằng chừng ấy nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử của Quảng Nam và Đà Nẵng đồng hành. Lực lượng hùng hậu của “Khát vọng Hòa bình” còn đặc biệt hơn khi xuất hiện những cái tên từng gắn bó với chiến trường Khu 5, Quảng - Đà và trực tiếp về Thăng Bình, về Bình Dương “sống, chiến đấu và viết” Cao Duy Thảo, Trung Trung Đỉnh, Thuận Hữu, Thái Bá Lợi, Hồ Duy Lệ...

Ngay buổi đầu đặt chân đến Đà Nẵng, giao lưu với các nhân chứng “Người Bình Dương kể chuyện Bình Dương”, nhà thơ Trần Đăng Khoa khiêm tốn nói rằng, khi manh nha thực hiện dự án “Khát vọng Hòa bình”, Hội Nhà văn Việt Nam xác định đặt mình vào tình thế phải “mạo hiểm”. Nguyên do, Bình Dương đã “thật hơn cả sự thật” khi bao thế hệ cầm bút từng chiến đấu, đồng cam cộng khổ, thậm chí đã ngã xuống vì vùng Đông Thăng Bình này đã lấy máu, thịt xương viết nên những “Quê hương”, “Nhật ký chiến tranh, “Mặt biển mặt trận”, “Gương mặt thách thức”... gắn liền với những Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyên Ngọc, Thanh Thảo... Nhưng, nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều, thời gian không chờ đợi, cát trắng vẫn chưa phai màu máu xương, nhưng tuổi người thì có hạn. Những nhân chứng lịch sử theo quy luật tự nhiên rồi sẽ “về” với đồng bào đồng chí, như 4.700 người đã ngã xuống, như 1.347 tên liệt sĩ khắc trên bia ở nghĩa trang và nhất là tuổi tác đang đè nặng những người mẹ còn lại trong số gần 400 Mẹ Việt Nam anh hùng của Bình Dương này. Và cũng theo nhà văn, cát bỏng Bình Dương thẳm sâu còn ẩn chứa nhiều chất liệu mà những người cầm bút chưa chạm tới.

Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Cúc giữa sự quan tâm của các nữ văn nghệ sĩ .

Ngưỡng vọng tột vùng trước Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, nghe người Bình Dương kể chuyện Bình Dương tại Đà Nẵng, nghe người Bình Dương kể chuyện Bình Dương và tham gia lễ giỗ tập thể ngay tại Trảng Trầm, nơi xảy ra vụ thảm sát 73 người dân tay không tấc sắt mùa đông 1969, nhiều cây bút chiến sĩ trong Làng Văn không kìm được xúc cảm. Ở tuổi 80, nhà văn Cao Duy Thảo, người lính cầm bút lăn lộn trên chiến trường Khu 5 ngày nào, liên tục tháo kính để dụi mắt và không quên cặm cụi ghi chép. Nhà văn Trung Trung Đỉnh, người con đất Hải Phòng từng xung phong vào chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng kết nghĩa, ở tuổi 73 vốn vui vẻ như “Lão Ngoan Đồng” trước đó, chợt lặng im như tượng. Những nhà văn, nhà thơ, nhà báo xuất thân từ lực lượng vũ trang hay viết về đề tài chiến tranh như Thuận Hữu, Hữu Ước, Nguyễn Việt Chiến, Yên Ba thẫn thờ. Những cây bút nữ Y Ban, Anh Thư, Trang Thanh, Bùi Hương Lan... không thôi úp mặt vào lưng đồng nghiệp. Ấy là, những văn nhân miền Bắc không không quen với giọng Quảng được các nhân chứng kể trong tiếng nấc, trong đứt quãng!

Chuyện kể, một “cậu bé du kích” ngày nào, Trung tướng Nguyễn Trung Thu - nguyên Tư lệnh Quân khu 5, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam kể về cuộc chiến đấu “chơi với lính Mỹ, cứu lính Mỹ để đánh Mỹ”, “một đêm đánh 7 trận để cho Mỹ... nghèo”! Chuyện kể, ông Phan Đấu, nguyên trợ lý và là thư ký của Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu 5 Võ Chí Công kể lại quá trình lĩnh nhiệm vụ giải thoát cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị địch quản thúc ở Sơn Hòa, Phú Yên... Một du kích biệt danh Bốn Hê (Phan Thanh Bốn) được địch gọi là “ác ôn”, tuyên bố rằng mình và đồng đội đã “làm ngược lại chủ trương đi không dấu nấu không khói nói không tiếng” bằng cách “đi phải có dấu, nấu phải thật nhiều khói ngược, nói phải cho địch nghe thấy” để cho địch “thấy” cái uy của cách mạng.

Lễ hội văn hóa thể thao miền biển Thăng Bình 2023, trên vùng “cát cháy” ngày xưa.

Chiến công là niềm tự hào, nhưng đỉnh điểm của chiến công đó là sự hy sinh, cống hiến. Một cậu bé 11 tuổi (Phan Tám) đã che giấu 3 chú bộ đội ở 2 hầm bí mật. Khi địch càn, một hầm bị lộ. Địch bắt cậu chui xuống chính cái hầm ấy, dọa ném lựu đạn, rạch bụng, xẻo chân, tay hàng chục lần, vẫn cương quyết không khai hầm còn lại. Một nữ du kích (Phan Thị Thưởng), đã phải mấy lần vượt qua nỗi e thẹn thôn nữ để giải cứu thành công đồng chí đồng đội cùng làng bị nhóm 5 lính Mỹ bắt sau đó còn “trộm súng Mỹ để đánh Mỹ”. Một Phó ban đấu tranh chính trị tỉnh (Võ Thị Thanh) kể về quá trình cùng các mẹ các chị Lạc Câu, Bàu Bính chặn xe tăng, máy ủi Mỹ một cách rất đơn giản rằng “làm được mà”. Một nữ xã đội trưởng anh hùng (Phan Thị Cúc) kể về trận đánh liên hoàn của một vài tiểu đội du kích đã đẩy lui cả ngàn quân Mỹ - ngụy với hàng chục xe tăng, thiết giáp bằng một câu cực kỳ đơn giản nhưng thấm thía “đánh cho chúng biết đất này ta là chủ”...

Nhà văn Cao Duy Thảo vẫn giữ thói quen ghi chép.

Mười mấy năm chiến đấu, Bình Dương có trăm ngàn câu chuyện. Người mẹ (Vương Thị Cận) lần lượt tiễn con cầm súng ra trận, trở về sản xuất, đánh giặc và hy sinh; một đảng viên hai mươi tuổi (Phan Thị Nga), một người vợ lãnh đạo Cộng sản cấp tỉnh (Hai Nhiên) trước họng súng kẻ thù, trước sự chứng kiến của đứa con thơ 5 tuổi đã mỉm cười, từ chối bịt mắt và hô vang “đả đảo đế quốc Mỹ”, “Hồ Chí Minh muôn năm” trong tiếng đạn nổ. Mười năm sau ngày thống nhất, Bình Dương đón nhận danh hiệu Anh hùng lần thứ 3 (1985), trên mặt trận xây dựng. Bình Dương, “đó là một ký ức vừa nặng trĩu, vừa dữ dội lại vừa chói sáng” như Thanh Thảo từng viết. Bình Dương, đó là “đất nghèo nuôi những anh hùng”, “là súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” trong “Việt Nam quê hương ta” của Nguyễn Đình Thi. Là hình ảnh người lính Nguyễn Trung Thu trở về quê hương sau ngày thống nhất, trên người còn khét mùi bom đạn viết những lời gan ruột “Trở về bên mẹ ta thôi/ đấm lưng cho mẹ trở trời lúc đau”...

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và nhà báo Phạm Đương trao đổi trong hành trình thực tế ở Bình Dương.

Người Bình Dương là thế. Kiên cường và bao dung. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, như cây Dương thần ở đất Bình Dương không chỉ là huyền thoại. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, vốn được làng văn chương tôn là “kỷ lục gia” về trí nhớ, khi nghe cụ ông Phan Ca, được xem là người trong cuộc của vụ thảm sát Trảng Trầm, ở tuổi 92 vẫn “đọc vo” bài “ai điếu” dài hàng trăm câu do chính mình cảm tác gần 55 năm trước, đã chắp tay thán phục và chỉ có thể giải thích rằng, chắc chắn đó là “bộ lưu ám tượng” đã ăn sâu vào xương tủy. “Bộ lưu” ấy không kết thúc ngay cả khi chủ thể muốn kết thúc.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh tặng sách cho fan hâm mộ.

4 ngày 3 đêm thực tế, có ai đó trong đoàn chợt nhận ra rằng nếu muốn tìm một Việt Nam thu nhỏ, thì đến Quảng Nam và về Bình Dương. Ở đây có cả, một “mảnh đất thành đồng” và “đội quân tóc dài”; có những điển hình của thời “giữ lửa”, “đồng khởi”, “nở hoa trong lòng địch”, “người mẹ đào hầm”, “ngọn đèn đứng gác”; những hình ảnh, thanh âm của “Lượm chú bé loắt choắt”, “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám”, “tiếng hô Nguyễn Văn Trỗi”, “biểu tượng Trần Thị Lý điện giật dùi đâm da cắt lửa nung”;... Và, có cả những nỗi đau khôn nguôi của Vĩnh Trinh, chợ Được, Mỹ Lai...

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã kịp đáp nghĩa đất và người Bình Dương bằng phần đầu của một trường ca, đọc ngay tại vùng cát anh hùng này. Ông nói, sáng tác ấy của mình chỉ góp phần nhỏ trong dự án “Khát vọng Hòa bình”. Tác giả “Tổ quốc nhìn từ biển” còn tin rằng, “Khát vọng Hòa bình” không chỉ dừng lại ở 3 hạng mục thơ - truyện ngắn - bút ký, mà còn “tiến xa” hơn nữa, sau chuyến đi thực tế này. “Khát vọng Hòa bình” không chỉ có máu và nước mắt, sự tận hiến và nụ cười người chiến thắng, mà là cả một hành trình dằng dặc cho khát vọng muôn thuở của loài người chân chính: HÒA BÌNH.

THẾ SINH