Cái Tết 70 năm trước

Chủ nhật, 04/02/2024 21:39
Chưa đủ 300 ngày quy định của Hiệp định Genève, lính quần sáu túi hằm hằm nện giày sơn lên đá lên đất Quảng Nam, bọn phục thù giai cấp ngóc đầu dậy. Biết anh em ta phân tán đi các cánh, vào chiều 29 Tết Ất Mùi - nhằm ngày 21-1-1955, ông Trần Thận và Lê Bản Trịnh về Duy An, vào nhà Nguyễn Thời, con ông Hương Thời ở xóm Tân Mỹ Đông (nay là Phước Mỹ 1). Đến nơi trời chập choạng tối, nhà vừa cúng rước Ông Bà, mùi khói hương còn phảng phất thơm.
Tác giả Hồ Duy Lệ
Ông Trần Thận (trái) vui cùng đồng đội cũ trong ngày khánh thành Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà (2017).

Trong kháng chiến chống Pháp, dân Tân Mỹ Đông gồng gánh đi tản cư, bỏ lại vườn không, nhà trống. Sau hòa bình 1954, nhân dân lần lượt hồi cư, về dựng lại nhà cửa. Nguyễn Thời về làm nhà trên nền nhà cũ, mặt nhà trông ra đường làng hướng sông Bà Rén, từ Quốc lộ 1, phía Bắc cầu Bà Rén đi lên chừng 700m. Bấy giờ chưa có hầm bí mật, nhà ông chuẩn bị chỗ ở tạm gọi là bí mật cho cán bộ, là một phên tre hai lớp, hè lợp tranh, hai là cái chái của chuồng trâu.

Là Bí thư chi bộ Tân Mỹ Đông, vừa thấy Trần Thận, Nguyễn Thời mời hai anh em vào nhà, bố trí chỗ ngồi tạm, tránh người đi ngoài đường nhìn vào thấy người lạ. Nhà bưng lên cho hai anh em hai tô mì Quảng nhân tôm thịt.

Ở nhà quê cúng giỗ thường có tô mì Quảng. Cả ngày đi đói, sức trẻ, ăn một tô mì nghe như chưa ăn, thấy đói hơn! Dầu sao, hai vợ chồng cho hai anh em vào nhà, cho ăn mì cúng ông bà là quý lắm rồi... Hai anh em đang ngồi phía sau bếp cạnh chuồng heo, vạch tấm tranh, hé nhìn ra đường thì thấy vợ chồng anh Trứ và cô Loan, vừa xuống xe đang đi trên đường Cái. Anh Trứ là con ông Thủ Phán người Phụng Châu là cán bộ huyện. Cô Loan là cán bộ phụ nữ. Hai người lấy nhau trong kháng chiến Một. Sau Genève 1954, họ ra Đà Nẵng làm ăn. Tết, có lẽ hai vợ chồng về nhà cha mẹ rước Ông Bà. Biết người quen mà không dám ra chào.

Hỏi thăm nhau một lúc, ông Trần Thận và Lê Bản Trịnh chào gia đình, đi qua làng Văn Quật, xuống thẳng chợ Bàn Thạch, qua xóm Nam Thịnh vào nhà ông bà Trùm Đạt. Ông Trùm Đạt đã theo đoàn cán bộ vượt biển... hai mẹ con ở nhà. Anh Thú là con trai ông bà Trùm Đạt. Gặp lại hai cán bộ huyện, bà Trùm Đạt rất mừng, nhưng bà lo là nếu hai người ở lại, khó bảo đảm an toàn. Hôm ấy là chủ nhật, nhằm Ba mươi Tết, nhà cúng rước Ông Bà, bà mời hai người ăn mì Quảng. Gia đình đang không vui và lo không yên kể từ ngày ông Trùm Đạt chia tay hai mẹ con, nên không chuẩn bị ăn Tết. Ngồi nói chuyện với bà Trùm Đạt một lúc, hai anh em lội ra vườn, nhìn quanh xem địa hình, thấy trống trải quá, hai anh em dẫn qua xóm Nam Thịnh ở đầu làng Bàn Thạch. Từ nhà Trùm Đạt băng qua cái cồn thì đến nhà ông Hương Thời. Hồi kháng chiến 1, hai cha con ông Hương Thời đều là đảng viên. Đảng viên là đối tượng bị chính quyền mới tiếp quản theo dõi, lên danh sách nên ông Hương Thời rất sợ, nhất là tiếp xúc với cán bộ Huyện ủy... Vừa thấy ông Trần Thận bước vào nhà, ông Hương Thời tỏ vẻ mừng nhưng không giữ được bình tĩnh.

- Ông làm sao đi về đây được? giọng ông Hương Thời run run - Mấy ông giỏi quá!

- Tôi mà giỏi chi! Trần Thận mỉm cười nói nhỏ - Dân mới giỏi.

Không có dân che chở, bảo vệ cho thì làm sao tôi còn sống đến thăm chú được...

Thấy ông Hương Thời im lặng, ông Trần Thận hỏi:

- Cho hai anh em tôi ở lại đây được không?

- Chu cha, nhà tui anh thấy đó, trống quá. Từ ngoài cồn nhìn vào, ai đi ngoài đó trong nhà cũng thấy, nhà lại gần đường, họ đi qua đi lại thì thấy liền...

- Thì anh để anh em tôi ở sau bếp hoặc trong chuồng trâu cũng được. Lấy cái nong hoặc tấm phên che tạm để người ngoài nhìn vào không thấy... ông Trần Thận gợi ý.

- Hay là, mấy anh qua nhà anh Bông, phía bên kia đường coi vậy mà khuất hơn!

Ông Trần Thận thăm vợ chồng ông Phạm Phùng.

Họ sợ, từ chối, mình không thể năn nỉ, hai anh em theo Hai Thời - con trai ông Hương Thời, qua nhà anh Bông. Đi mà lo, không biết anh Bông có sợ như ông Hương Thời không?

Anh Bông cũng là đảng viên thuộc tầng lớp bần cố nông nên đã từng được Cách mạng chia đất để sản xuất. Những ngày sắp chia đôi đất nước, ta chủ trương xuất hết các kho lương thực, cả lúa thuế Nông nghiệp dự trữ chia cho dân nghèo, anh Bông cũng được một suất. Nhưng khi bọn chúng đến thì truy thu, buộc bà con nộp lại cho chính quyền mới. Nhiều gia đình điêu đứng vì tìm đâu ra đủ số thóc để nộp lại cho họ. Anh Bông cười chào đón khách, mời hai anh em vào nhà, dọn lên cho mỗi người một tô mì tôm thịt. Lại mì Quảng! Dù vừa ăn một tô mì ở nhà Nguyễn Thời trên Tân Mỹ Đông, hai người vẫn ăn hết tô mì đầy, thật ngon, thấy no cái bụng.

-Bây giờ, các anh đi đâu nữa, ở lại nhà tôi - anh Bông nói - Hai anh vào ở tạm trong buồng.

Biết anh Bông mời thiệt lòng làm hai anh em xúc động, nhìn nhau không biết nói gì. Ông Trần Thận nói với anh Bông: Ngoài chuồng trâu, trên giàn lão chất thứ gì mà nhiều rứa? Lúc bước chân vào nhà, ông Trần Thận kịp nhìn quanh, chú ý cái chuồng trâu, thấy có thể ở được nên hỏi.

- Nhà thì chật, tôi chất mấy cái nò hỏng, mấy tấm mành mành, gốc tre khô tháo từ giàn xe đạp nước bị hỏng, dây đậu... Mà, anh định ở... Thì hai anh cứ ở trong buồng cũng được, vợ chồng tôi ngủ ngoài này... anh ta chỉ cái giường tre chỗ góc nhà.

Ông Trần Thận để Lê Bản Trịnh ở trong nhà, ra sau leo lên giàn chuồng trâu dọn một chỗ vừa người nằm. Ở ngoài chuồng trâu, ông Trần Thận cảm thấy yên tâm hơn ở trong buồng. Cái đêm cuối cùng của năm 1954, không đón giao thừa song ông Trần Thận cứ trằn trọc không ngủ được. Muỗi nhiều, con thì bu cắn, con bay vo ve bên tai, mùi phân trâu nồng dễ chịu. Nằm thao thức, nghĩ bao nhiêu điều, tình hình đang trở nên xấu quá, tính sao đây? Bí thư Huyện ủy Phạm Quang bị bắt, chắc chúng tra khảo đến chết. Những đảng viên nòng cốt ở lại để lãnh đạo quần chúng đấu tranh với địch đòi thi hành Hiệp định Genève đang nao núng sau mấy vụ bắt cóc, thủ tiêu, người trốn trong nhà là nỗi lo khôn cùng của vợ con, người lánh đi chỗ khác tránh mặt bọn ngóc đầu dậy - bọn này trở mặt nhanh, hung hăng, hách dịch. Đảng viên không yên tâm làm cho người dân càng lo âu, nao núng. Ngày mai, ngày kia không ở nhà cặp vợ chồng trẻ này thì đi đâu, làm sao nối anh em lại?

Tiếng gà gáy canh ba, rồi gà gáy sáng như thôi thúc mọi người thức dậy... đón Tết. Khi đêm hai vợ chồng anh Bông ra sông làm nò bắt tôm về khuya lơ mà sáng sớm đã nghe tiếng rù rì, lục cục dưới bếp. Dậy sớm, hai vợ chồng dọn cơm mời ăn. Mồng một Tết mà vẫn ăn cơm ghế khoai môn, có đĩa tôm kho. Có lẽ là món để tiếp khách “không mời mà đến”.

- Bữa nay, hai anh cứ ở nhà, ở im trong nhà, tôi khép cửa lại, vợ chồng tôi về ngoại. Tết mà! Anh Bông trìu mến nhìn ông Trần Thận nói vậy rồi lặng lẽ bước ra sau nhà.

Thành ủy Đà Nẵng tổ chức lễ trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho ông Trần Thận (tháng 3-2021)

Quê vợ anh Bông ở Triều Châu - Xuyên Thái. Hai vợ chồng đóng cửa bồng đứa con đầu lòng chưa đầy tuổi về ngoại, ra khỏi nhà một lúc, trời mờ sáng, ông Trần Thận bỗng nghe tiếng lục sạo trong bếp. Ai vậy? Lẽ nào bọn người xấu phát hiện ra hai người đang trốn trong nhà này?

Thấy chỗ nằm của mình như trống trải hơn, ông Trần Thận liền sè sẹ đẩy cái nò rách ra, chui vào bên trong nằm, đưa mắt qua các kẽ hở quan sát. Một lúc, qua khe hở từ trên giàn chuồng trâu, ông Trần Thận thấy một người đi ra, vẻ lấm lét như người ăn trộm... Có lẽ, không phải người xấu. Vậy là ai?

Xế chiều, hai vợ chồng anh Bông về nói với nhau thì hai anh em ông Trần Thận hiểu người lẻn vào nhà đó là em của vợ chồng anh Bông, nhà ở cạnh, biết hai vợ chồng đêm qua làm nò bắt được tôm, sáng dậy về ngoại sớm, không ra chợ nên đã qua lấy một ít tôm về ăn... Tối đó, hai anh em ông Thận rời nhà anh Bông, theo đường kiệt xuống Cồn Phấn ở Vĩnh Trung vào nhà bà Trùm Xáng. Từ đây đi một đoạn nữa thì đến nhà mẹ của ông Trần Thận...

Tác giả Hồ Duy Lệ

Mẹ ông Trần Thận mất từ ngày ông mới vào Đảng - 1942. Ông sinh năm Bính Dần - 1926. Những ngày ông Trần Thận vượt qua tuổi chín mươi lăm, ông nằm bệnh viện nhiều hơn nằm ở nhà. Đến thăm, nhắc lại ngày cũ chưa xa, nhắc đến cái Tết để lại nhiều kỷ niệm, hình ảnh của buổi sáng đất nước bị chia cắt, người thân ly tán lại hiện về, ông xúc động nhắc đến những gia đình cơ sở hy sinh, hết lòng vì Cách mạng, nhắc đến những đồng chí cán bộ trung kiên…

Xuân Giáp Thìn - 2024, ông Trần Thận đã đi xa. Tôi viết đôi dòng kỷ niệm như một lời tri ân nhớ những ngày chia đôi đất nước sau năm 1954, của 70 năm về trước, nhớ về những cán bộ cách mạng trụ lại sau năm 1954. Và cũng là để nhớ về ông - một cán bộ dành cả cuộc đời cho Tổ quốc, quê hương thân yêu!

HỒ DUY LỆ