Việt Nam có thể lựa chọn con đường phát triển bao trùm và bền vững

Thứ ba, 25/03/2014 09:05

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-3, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế: “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, nhằm trao đổi và đối thoại các nội dung liên quan đến phát triển KT-XH theo hướng bền vững.

Theo Báo cáo phát triển con người (HDR) năm 2013 của UNDP trình bày tại hội thảo, Việt Nam nằm trong số 40 nước đang phát triển đạt tiến bộ vượt dự kiến về phát triển con người với chỉ số phát triển con người tăng 41% trong hai thập kỷ qua. Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), số người dùng Internet tại Việt Nam đạt gần 31 triệu người, chiếm khoảng 34% dân số, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á và thứ 8 ở Châu Á.

Điều này phản ánh sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với quyết tâm và nỗ lực phát triển con người của Việt Nam trong thời gian qua. Gần đây, khi kinh tế chịu tác động tiêu cực của khó khăn kinh tế toàn cầu, Việt Nam không những không cắt giảm, mà còn đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội. Đây là những minh chứng rõ ràng cho sự nhất quán và quyết tâm cao của Việt Nam trong việc gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.

Nhận định về những lợi thế của Việt Nam, bà Helen Clark, Tổng Giám đốc UNDP nhấn mạnh: Việt Nam có nhiều điểm mạnh, trong đó có lực lượng lao động tương đối trẻ và cạnh tranh, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và ở vị trí trung tâm một khu vực phát triển năng động. Trong khi xem xét các biện pháp cải cách thuộc thế hệ mới, Việt Nam có thể lựa chọn con đường phát triển bao trùm và bền vững. UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam trên hành trình cải cách.

Gợi ý một số lĩnh vực quan trọng để Việt Nam có thể cân nhắc trong quá trình cải cách để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững, bà Helen Clark cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp để cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản xuất trong ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản như là một phần hữu cơ trong chiến lược tăng trưởng của đất nước.

Bên cạnh đó Việt Nam tiếp tục nâng cấp mạnh mẽ nền kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn để giúp Việt Nam có thể xác lập được lợi thế so sánh mới trong nền kinh tế khu vực và thế giới, tạo ra được nhiều việc làm tốt; mở mang nhiều cơ hội thông qua khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng và phù hợp có vai trò then chốt; cải cách các hệ thống bảo trợ xã hội; đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ và quản lý nguồn lực công một cách minh bạch.

Hồng Điệp