Việt Nam kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế
Ngày 28-9 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận cấp cao Khóa họp thứ 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở thành phố New York (Mỹ), hướng tới chủ đề năm nay mà Đại hội đồng đã chọn là “Thúc đẩy các nỗ lực đa phương để xóa nghèo, thúc đẩy giáo dục chất lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng đoàn Việt Nam, có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa 74 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc - Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
* Khóa họp 74 ĐHĐ LHQ khai mạc ngày 17-9-2019 tại Trụ sở LHQ ở New York, Mỹ; trong đó, Phiên Thảo luận chung Cấp cao được tổ chức từ 24 đến 29-9, với sự tham dự của hơn 150 Nguyên thủ, Thủ tướng hoặc Bộ trưởng. Phiên thảo luận chung Cấp cao có chủ đề chủ đề "Tăng cường nỗ lực đa phương nhằm xóa nghèo, thúc đẩy giáo dục chất lượng, hành động ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm" (Galvanizing multilateral efforts for poverty eradication, quality education, climate action and inclusion). Bên cạnh Phiên thảo luận chung Cấp cao, một số sự kiện cấp cao cũng được tổ chức như "Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu", "Cuộc họp Cấp cao của LHQ về Phổ cập chăm sóc sức khỏe toàn dân", "Diễn đàn Chính trị Cấp cao về Phát triển bền vững", "Sự kiện Cấp cao kỷ niệm Ngày Quốc tế về Xóa bỏ Hoàn toàn Vũ khí hạt nhân". |
Khẳng định vai trò của hợp tác đa phương
Phát biểu trước lãnh đạo và đại diện 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng nhắc lại, trải qua chiến tranh thế giới lần thứ II, các quốc gia đã nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của một hệ thống an ninh tập thể dựa trên hợp tác đa phương và luật pháp quốc tế, lấy đó làm nền tảng cho trật tự thế giới mới hậu chiến tranh. Và thực tế đã chứng minh đây là lựa chọn đúng đắn. Trong suốt 3/4 thế kỷ qua, các cơ chế hợp tác đa phương, với trung tâm là Liên Hợp Quốc, đã thực sự khẳng định vai trò tất yếu và không thể thiếu của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chủ nghĩa đa phương đang đứng trước những thách thức gay gắt hơn bao giờ hết. Các tiến trình đa phương ngày càng vấp phải nhiều khó khăn do xu hướng theo đuổi những lợi ích vị kỷ, lựa chọn sự áp đặt thay cho hợp tác, cạnh tranh, đối đầu thay vì đối thoại và phối hợp hành động, chính trị cường quyền thay vì theo đuổi những giá trị chung, tôn trọng luật pháp quốc tế. Cam kết chính trị và nguồn lực giảm sút đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của các nỗ lực đa phương toàn cầu. Trong khi đó, thế giới ngày nay phải đối mặt với nhiều thách thức ở mức độ và tính chất khác hoàn toàn so với cách đây chỉ một vài thập kỷ.
Phó Thủ tướng nêu rõ, hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam tham gia chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp xây dựng, trách nhiệm trong các tiến trình đa phương. Trước những thách thức to lớn hiện nay, chúng ta cần cùng nhau tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy hoạt động của Liên Hợp Quốc. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng chia sẻ một số đề xuất về những giải pháp lớn nhằm đạt mục tiêu đó.
Trước hết, cần tái khẳng định vai trò và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia và tăng cường hợp tác đa phương. Luật pháp quốc tế là nền tảng của quan hệ bình đẳng, công bằng giữa các quốc gia; bởi vậy, các nỗ lực đa phương cần dựa trên và hướng tới đảm bảo sự tôn trọng đối với nền tảng này.
Chúng ta đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới “Nhân loại sắp bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI. Chúng ta vui mừng trước những thành quả của các nỗ lực hòa bình ở các khu vực, từ Mali, Liberia đến Nam Sudan, Bờ Biển Nga. Việt Nam hoan nghênh tất cả các nỗ lực đối thoại, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình ở các khu vực, trong đó có đối thoại giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ. Những nỗ lực toàn cầu cũng đã mang lại những thành quả to lớn về phát triển. Hàng trăm triệu người đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, giáo dục tiểu học đã được phổ cập ở nhiều quốc gia, tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em giảm đáng kể. Chúng ta đã cùng nhau xây dựng được các chiến lược quan trọng, tạo khuôn khổ cho các nỗ lực phát triển toàn cầu, như Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Chương trình hành động Addis Ababa về Tài chính cho phát triển, Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu… Nhưng chủ nghĩa đa phương đang đứng trước những thách thức gay gắt hơn bao giờ hết. Các tiến trình đa phương ngày càng vấp phải nhiều khó khăn do xu hướng theo đuổi những lợi ích vị kỷ, lựa chọn sự áp đặt thay cho hợp tác, cạnh tranh, đối đầu thay vì đối thoại và phối hợp hành động, chính trị cường quyền thay vì theo đuổi những giá trị chung, tôn trọng luật pháp quốc tế. Cam kết chính trị và nguồn lực giảm sút đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của các nỗ lực đa phương toàn cầu. Trong khi đó, thế giới ngày nay phải đối mặt với nhiều thách thức ở mức độ và tính chất khác hoàn toàn so với cách đây chỉ một vài thập kỷ. Những tác động trực tiếp và lâu dài của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh ảnh hưởng sâu sắc tới tất cả các quốc gia. Xung đột kéo dài ở nhiều khu vực nhất là ở Trung Đông, Châu Phi, cùng nhiều điểm nóng tiềm ẩn có thể bùng phát ở các nơi khác trên thế giới. Chiến trường không còn giới hạn trong những vùng chiến sự mà đã lan ra các thành phố, làng mạc, những khu vực tập trung đông dân cư. Nguy cơ phổ biến và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt có nhiều diễn biến phức tạp, cơ chế quốc tế kiểm soát vũ khí, chống phổ biến bị rạn nứt rõ rệt. Sự phát triển của khoa học và công nghệ đang tạo ra những phương thức và công cụ chiến tranh mới. Chi tiêu quốc phòng trên toàn cầu đang ở mức cao nhất, và như nhận định của Ngài Tổng Thư ký thì “chúng ta đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới”. Trong bối cảnh đó, chúng tôi hoan nghênh chủ đề được Ngài Chủ tịch đề ra cho Khóa họp năm nay là “Thúc đẩy các nỗ lực đa phương để xóa nghèo, thúc đẩy giáo dục chất lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm”. (Lược trích bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh) |
Lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Việt Nam cho rằng tôn trọng luật pháp quốc tế là cách thức hữu hiệu nhằm ngăn ngừa xung đột cũng như tìm kiếm những giải pháp lâu bền cho tranh chấp, xung đột. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực thực hiện các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, từ thương lượng, hòa giải tới việc sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế.
“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – “Hiến chương của Biển và Đại dương”, Phó Thủ tướng nêu rõ và khẳng định, kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới. Nhận thức rõ điều đó, các quốc gia liên quan đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực về giải quyết bất đồng, tranh chấp.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Thứ hai, cần tăng cường kết nối giữa chủ nghĩa đa phương ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Việt Nam hoan nghênh hợp tác, phối hợp giữa Liên Hợp Quốc, nhất là Hội đồng Bảo an, với Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu và Liên đoàn Ả-rập trong nỗ lực ứng phó với các thách thức an ninh ở châu Phi, Trung Đông. Là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam mong muốn cùng các quốc gia thành viên tăng cường sự phối hợp, bổ trợ lẫn nhau giữa Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực để cùng đóng góp vào nỗ lực chung ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình bền vững.
Thứ ba, các nỗ lực đa phương cần coi con người là trung tâm. Hòa bình bền vững là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững và chỉ có thể đạt được khi người dân được đảm bảo cơ bản về điều kiện sống, về an toàn, an ninh.
Thứ tư, các thể chế đa phương cần tiếp tục được cải tổ mạnh mẽ để đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra, phục vụ tốt hơn lợi ích và tăng cường tiếng nói và đóng góp của các quốc gia thành viên, nhất là các nước đang phát triển ở châu Á, Châu Phi, châu Mỹ Latinh.
Cuối cùng, theo Phó Thủ tướng, cam kết chính trị mạnh mẽ của mỗi chính phủ, mỗi nhà lãnh đạo có ý nghĩa then chốt đối với mọi nỗ lực tăng cường chủ nghĩa đa phương. Theo Phó Thủ tướng, Liên Hợp Quốc hay các thể chế đa phương chỉ có thể mạnh và hiệu quả, giúp xử lý các thách thức toàn cầu, nếu từng quốc gia thành viên vượt qua những lợi ích riêng, hướng tới các lợi ích chung rộng lớn hơn của cộng đồng quốc tế, cam kết và thực sự đầu tư ý chí và nguồn lực cho những nỗ lực chung đó.
BT - VGP - TTXVN