Việt Nam làm gì trước nạn buôn bán mô, bộ phận cơ thể người?

Thứ tư, 24/03/2021 15:10

Một cuộc hội thảo quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hiến ghép tạng đã diễn ra tại TP.HCM mới đây, để cùng thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Hiện tại, vấn đề này tồn động nhiều bất cập, đặc biệt trong bối cảnh nạn mua bán mô, bộ phận cơ thể người đe dọa thành tựu có được trong ghép tạng của Việt Nam.

Ê-kíp y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim cho bệnh nhân. 

Những vấn đề nhức nhối trong ghép tạng

Giáo sư Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam, cho biết sau 29 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, Việt Nam đã có đủ năng lực ghép các nội tạng và bộ phận cơ thể người như thế giới đang làm. Nhất là đã có hàng trăm trường hợp hiến thận nhân đạo từ người hiến chết não và đang nghiên cứu nguồn hiến từ người hiến nhân đạo chết tim.

Số trung tâm ghép thận trên cả nước hiện nay là 20. Tuy nhiên, theo Giáo sư Sinh, số trung tâm tôn trọng quy tắc không trao đổi tài chính giữa người cho và nhận hoặc các hình thức trá hình rất ít. “Nước ta có nhiều đơn vị hiến tạng nhưng ghép mà không buôn bán thì hiếm lắm, chỉ 1, 2 hoặc 3 đơn vị thôi. Còn có trung tâm lãnh đạo giương cao ngọn cờ nhân tạo trong ghép tạng, chống buôn bán, nhưng nhân viên còn ấm ức, sao phải làm như vậy, luôn tìm cách này, cách khác và có sự mâu thuẫn này nọ”, ông nói. Giáo sư Sinh cũng nhấn mạnh có rất nhiều nghịch lý trong ghép tạng, gồm cả nghịch lý từ mong muốn của bệnh viện, cò buôn tạng, của bệnh nhân, của người cho.

“Từng có người quỳ dưới chân bác sĩ nói không bán được thận thì bị giết chết liền vì không có tiền trả nợ. Chúng tôi rất khó xử vì không biết giải quyết thế nào. Nếu sa vào chuyện này thì vô cùng rắc rối”, ông nói. Ở các nước phát triển, quỹ bảo hiểm y tế chi mạnh cho ghép thận nhằm giải phóng bệnh nhân lọc máu, nên ghép nhiều thì nhân viên y tế có thu nhập nhiều từ thù lao. Tuy nhiên, tại các nước nghèo, ghép thận để tìm thu nhập chỉ còn cách buôn bán công khai hoặc trá hình. Từ nhiều năm qua, Việt Nam được giới chuyên môn quốc tế quan tâm và dành nhiều công sức giúp đỡ, điển hình là Hội Ghép tạng Thế giới (TTS) và Thận học Quốc tế (INS). Năm 2020, Giáo sư Allen (Đại học Sydney), thành viên quan trọng của TTS dự định có bài báo cáo tại Hội Ghép tạng Thế giới ở Seoul (Hàn Quốc) nhưng phải tạm hoãn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, VSOT lúng túng vì không thể xác nhận tình trạng buôn bán tạng tại Việt Nam và cũng không thể cho ra giải pháp ngăn chặn nào, vì ngay trong thường vụ VSOT cũng tỏ ra né tránh sự công nhận.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú, Phó giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết kể từ ca ghép tạng đầu tiên tại đơn vị năm 2018, số người hiến tạng còn sống có độ tuổi dưới 30 gần như chiếm trên 50% tổng số ca ghép mỗi năm. Dù pháp luật quy định người đủ 18 tuổi trở lên có quyền hiến tạng, song các trường hợp nhỏ tuổi, với nhận thức chưa toàn diện và đầy đủ về hiến tạng, dễ nảy sinh tiêu cực. Sau 2 năm, bệnh viện tự gửi xác minh thì vẫn còn tình trạng làm giả giấy tờ, chữ ký, con dấu của cơ quan có thẩm quyền. Đến cuối năm 2019, bệnh viện phải nhờ sự hỗ trợ từ công an tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Giải pháp nào để chống buôn bán tạng?

Giáo sư Trần Ngọc Sinh nhấn mạnh để chấm dứt tình trạng mua bán tạng, Việt Nam cần có hệ thống pháp luật chặt chẽ và chế tài kèm theo thật nặng mới đủ tính răn đe.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đề xuất Việt Nam cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. “Xác định rõ tạng hiến là Quà tặng sự sống, là tài sản Quốc gia, không thuộc sở hữu riêng của cơ sở y tế nào”, ông Phúc nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Phúc đề xuất cần thiết xây dựng gói chi phí điều phối, bao gồm chẩn đoán chết não, hồi sức bệnh nhân chết não, lấy, bảo quản, vận chuyển mô, tạng; phục hồi thi thể người chết não; truyền thông, vận động, làm cơ sở thanh toán và áp dụng chung trong cả nước. Đặc biệt, chỉ tiến hành ghép tạng khi người ghép có tên trong “Danh sách chờ ghép Quốc gia” và danh sách này là cơ sở pháp lý cho việc điều phối lấy, ghép tạng trong toàn quốc.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú, Phó giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết các nước trên giới quy định độ tuổi hiến tạng khá cởi mở nên nguồn tạng hiến dồi dào. Trong khi đó, quy định độ tuổi hiến tạng ở Việt Nam có phần cứng nhắc và không phù hợp với một số quy định khác. Các chuyên gia đề xuất không giới hạn độ tuổi đối với người đăng ký hiến tạng chết não. Thực tế, có nhiều người dưới 18 tuổi muốn hiến mô, tạng. Qua đó cũng giúp tăng thêm nguồn mô tạng nhưng pháp luật hiện hành của nước ta chưa cho phép. Ngoài ra, đại diện Bệnh viện Trung ương Huế kiến nghị người đủ 18 tuổi trở lên mới được hiến tạng cùng huyết thống. Trường hợp không cùng huyết thống, người hiến phải từ 30 tuổi trở lên, đã có gia đình và con cái (đủ độ trưởng thành nhất trong suy nghĩ và nhận thức) nhằm đảm bảo sự nhân văn. Giáo sư Trần Ngọc Sinh trần tình: “Trước đây, khi Việt Nam chưa ghép được, tôi có dự các hội nghị khoa học quốc tế. Nhiều diễn giả quốc tế đăng đàn chỉ trích các quốc gia có hiện tượng vi phạm đạo đức ghép, buôn bán, buôn lậu. Tôi thấy nhục nhã thay cho họ. Chúng ta nay có nguy cơ thành sự thật.

Bạn bè của thế giới văn minh đang lo cho ta, hỏi ý kiến, nhưng chẳng lẽ ta làm con đà điểu chui đầu xuống cát. Ở nước ta lại không có đà điểu và không có nhiều cát thì chui đầu vào đâu bên cạnh các niềm tự tin vĩ đại khác. Tôi hy vọng việc làm trước tiên là sẽ gia nhập Tuyên ngôn Istanbul khi có sự đồng thuận của VSOT và Bộ Y tế”.

T.H

Việt Nam thực hiện ca ghép thận đầu tiên năm 1992. Đến nay số ca ghép tạng đã thực hiện là 5.587, trong đó, thận là bộ phận được hiến ghép nhiều nhất với 5.255 ca.

Tổng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết/ chết não toàn quốc tính đến ngày 31-12-2020 là 40.257. Tổng số người đăng ký hiến tạng khi còn sống (tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia) là 100 (52 nam, 48 nữ). Tổng số người đã thực hiện hiến tạng khi còn sống (sau khi đăng ký tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia là 7. Dự kiến, năm 2022, Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội về Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, sửa đổi.