Việt Nam lần đầu ghép ruột thành công từ người cho sống

Thứ hai, 02/11/2020 13:26

Sau thành công lớn này, Học viện Quân y đã báo cáo Bộ Y tế xin phép tổ chức thực hiện ghép ruột chính thức tại Bệnh viện Quân y 103.

Bệnh nhân được phẫu thuật ghép ruột đang hồi phục tốt.

Học viện Quân y ngày 31-10 tổ chức gặp mặt báo chí để thông tin về những ca ghép ruột thành công từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam.Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103; đại diện của Đại học Tohoku (Nhật Bản).

Theo Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, sau những thành công về ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép đồng thời tụy - thận, ghép phôi, lãnh đạo Học viện xác định rằng việc ghép ruột từ người cho sống là một nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ trên, Học viện Quân y đã tích cực chuẩn bị, cử cán bộ đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ghép ruột tại BV Đại học Tohoku từ năm 2018.Tháng 12-2019, Học viện Quân y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống” do Trung tướng Đỗ Quyết làm chủ nhiệm đề tài. Sau khi nhận nhiệm vụ, Học viện đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất... và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm ghép ruột trên người với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Tohoku; phối hợp với các bệnh viện trong nước tuyển chọn và chăm sóc bệnh nhân có chỉ định ghép ruột.

Kết quả, hai bệnh nhân đã được ghép ruột thành công. Bệnh nhân đầu tiên là ông Nguyễn Văn D., 42 tuổi, có tiền sử phẫu thuật ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều bệnh viện. Bệnh nhân D. đã phải phẫu thuật cắt ruột khối lượng lớn (chiều dài ruột non còn lại khoảng 80 cm) vào năm 2007. Ngày 2-5, bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) với chẩn đoán suy ruột không hồi phục dạ hội chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng. Bệnh nhân đã được điều trị nuôi dưỡng tích cực qua đường tĩnh mạch và điều chỉnh các rối loạn do suy chức năng ruột gây ra.

Bệnh nhân thứ hai là Lò Văn T., 26 tuổi. Đầu tháng 9, bệnh nhân bị viêm phúc mạc do hoại tử gần toàn bộ ruột non, được Bệnh viện huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) phẫu thuật cấp cứu cắt gần hoàn toàn ruột non (chiều dài ruột non còn lại gần 20 cm). Ngày 29-9, bệnh nhân được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 với chẩn đoán suy mòn suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, sau đó xuất hiện bệnh gan chuyển hóa liên quan hội chứng suy chức năng ruột.

Sau khi tiếp nhận hai bệnh nhân, Học viện Quân y đã khám, xét nghiệm, mời chuyên gia trong nước khám và hội chẩn, xác định cả 2 đều có chỉ định tuyệt đối về ghép ruột. Ngày 27-10, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. Người hiến ruột là mẹ đẻ của bệnh nhân (47 tuổi). Sau đó một ngày, ê kíp trên đã thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Nguyễn Văn D. với người hiến ruột là em trai. Sau ca mổ 2 người hiến ruột đều ổn định; 2 bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định và đang được điều trị tích cực.

Theo Trung tướng Đỗ Quyết, việc Việt Nam trở thành quốc gia thứ 20 thực hiện thành công phẫu thuật ghép ruột trên thế giới đã mở ra cơ hội, tương lai mới cho những bệnh nhân cần ghép ruột tại Việt Nam. Như vậy, đến nay Việt Nam đã thực hiện thành công 6 loại hình ghép tạng không có biện pháp thay thế, trong đó mới nhất là ghép ruột.

Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, biểu dương kết quả vừa đạt được của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Học viện Quân y. Thứ trưởng Phạm Hoài Nam yêu cầu Học viện Quân y nỗ lực hơn nữa để đạt thêm những thành tích, góp phần vào sự phát triển của ngành quân y và nền y học Việt Nam; mở rộng hợp tác với các quốc gia có nền y học phát triển để tiếp cận, cập nhật những công nghệ y học hiện đại trong chăm sóc và điều trị...

P.V