Việt Nam- Trung Quốc: Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm tiền giả

Thứ bảy, 03/06/2017 10:15

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-6 tại Đà Nẵng, Bộ Công an (CA) hai nước Việt Nam (VN) và Trung Quốc (TQ) tổ chức Hội nghị phát động đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm tiền giả năm 2017. Đồng chủ trì hội nghị, Bộ CATQ có Phó Cục trưởng Cục điều tra tội phạm kinh tế Trương Cảnh Lợi;  Bộ CA Việt Nam có Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh- Cục trưởng Cục An ninh Tài chính, tiền tệ, đầu tư.  Đại tá Lê Văn Tam- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Đà Nẵng dự và phát biểu chào mừng hội nghị.

Ký kết biên bản ghi nhớ Đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm tiền giả năm 2017
giữa Bộ Công an hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Tội phạm tiền giả diễn biến phức tạp

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Trưởng Đoàn VN cho rằng, những năm qua, cùng với sự phát triển toàn diện, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, nhất là sự phát triển về kinh tế giữa VN và TQ, cùng với đó là sự gia tăng các loại tội phạm, trong đó tội phạm tiền giả trở thành mối lo ngại chung của hai bên.

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh phát biểu tại hội nghị.

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm tiền giả hiện nay tập trung nâng cao chất lượng tờ tiền ngày càng giống với các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Tiền giả được in thêm các ký tự bằng mực trong suốt, có độ nổi trên bề mặt, khi vuốt có cảm giác gợn nhẹ để gây nhầm lẫn với nét in nổi trên tờ tiền thật. Về phương thức vận chuyển, các đối tượng tội phạm thường qua biên giới mua tiền giả rồi tìm cách cất giấu trong hàng hóa, phương tiện đi lại… sau đó vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ.

Qua thực tế đấu tranh, Đại tá Nguyễn Đình Hải- Phó Giám đốc CA tỉnh Lạng Sơn (VN) nêu ra một số phương thức, thủ đoạn mua bán, vận chuyển tiền giả:  đối tượng người TQ hoặc phụ nữ VN lấy chồng cư trú bất hợp pháp tại khu vực Lũng Vài, Lũng Nghịu, Pò Chài (TQ) đã hình thành các tụ điểm tàng trữ tiền giả. Thông qua các đối tượng môi giới hành nghề xe ôm, bốc vác, họ gạ gẫm người VN sang thăm thân, lao động thuê... mua tiền giả mang về VN tiêu thụ. Ngoài ra, các đối tượng còn cho nhau số điện thoại để khi có nhu cầu mua tiền giả thì liên lạc. Thời gian gần đây, các đối tượng còn sử dụng cả zalo, viber... để giao dịch, mua bán tiền giả. "Từ tình hình trên, chứng tỏ các tụ điểm, đối tượng có hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển tiền giả khu vực biên giới Việt - Trung vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn", Đại tá Hải nói.

"Thực tiễn công tác đấu tranh, CA Việt Nam có thể khẳng định nơi sản xuất tiền giả nằm ngoài lãnh thổ VN. Vì vậy, khoảng cách về địa lý là một trở ngại lớn nếu muốn triệt phá tận gốc nơi sản xuất tiền giả. Ngoài ra, công tác phòng ngừa và phát hiện tiền giả vẫn là thách thức lớn. Thực tế, vẫn có trường hợp khi phát hiện mình bị đối tượng tội phạm lừa nhận tiền giả, các nạn nhân có tâm lý muốn tiêu thụ số tiền giả trên để giảm thiệt hại. Hành động đó rất khó phòng ngừa, thậm chí còn vô tình tiếp tay cho hoạt động lưu hành tiền giả, mặc dù đã được tuyên truyền, giáo dục", Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh nhìn nhận.

Phó Cục trưởng Trương Cảnh Lợi cho biết, từ năm 2009, Bộ CATQ đã tăng cường công tác đấu tranh quyết liệt với tội phạm tiền giả. Tình hình khống chế, ngăn chặn tội phạm tiền giả thu được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên, tội phạm tiền giả vẫn còn diễn biến phức tạp. Xu hướng loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, được tổ chức theo đường dây, mạng lưới chặt chẽ, thường là thành viên trong gia đình, họ tộc...

Phó Cục trưởng Cục điều tra tội phạm kinh tế (Bộ CA Trung Quốc) Trương Cảnh Lợi phát biểu
tại hội nghị.

Cần tăng cường hơn nữa phối hợp, trao đổi thông tin

 Theo Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, nhận thức được mối nguy hại của tội phạm tiền giả và tầm quan trọng của Hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại tội phạm này, lãnh đạo Bộ CA hai nước đã quan tâm, chỉ đạo các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh có hiệu quả. Quán triệt tinh thần Bản ghi nhớ và Kế hoạch thực hiện Biên bản Hợp tác phòng chống tội phạm lần thứ tư giữa Bộ CA hai nước, trong hai năm 2015-2016, Cục An ninh Tài chính, tiền tệ, đầu tư (Bộ CA Việt Nam) và Cục Điều tra tội phạm kinh tế (Bộ CATQ) đã phối hợp tổ chức Cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm tiền giả khu vực biên giới Trung - Việt và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các lực lượng chức năng hai nước đã phá 12 vụ, bắt 12 đối tượng, thu giữ gần 20 tỷ đồng VN giả và 5.300 Nhân dân tệ giả. Đặc biệt, từ thông tin, tài liệu có được của các vụ án trên, CA tỉnh Quảng Đông (TQ) đã tìm ra nơi làm tiền giả tại TP Sán Đầu (Quảng Đông) bắt giữ 6 đối tượng người TQ có hành vi làm tiền giả, thu giữ hơn 11 tỷ tiền VN giả cùng máy in tiền giả...

Để phát huy hơn nữa kết quả đạt được, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh cho rằng, hai bên cần đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin tội phạm, kịp thời đấu tranh với loại tội phạm này. "Do các đường dây tội phạm tiền giả có hoạt động xuyên quốc gia, phạm vi hoạt động trên nhiều tỉnh, thành phố nên CA hai nước cần trao đổi thông tin, tài liệu thu được từ các vụ án tiền giả, phương hướng phối hợp đấu tranh với từng đường dây, ổ nhóm, đối tượng phạm tội cụ thể để cùng bàn bạc, tổng hợp tình hình và nắm rõ về tổ chức tội phạm. Từ đó hai bên có thể xây dựng kế hoạch phối hợp đấu tranh có hiệu quả. Ngoài ra, hai bên cần cung cấp các mẫu tiền giả mới nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và đấu tranh", Thiếu tướng Lĩnh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Thiếu tướng Lĩnh cũng đề nghị cần hỗ trợ lực lượng chức năng mỗi bên khi cần triển khai công tác đấu tranh tại địa bàn ngoài lãnh thổ nước mình; đồng thời phát huy hiệu quả các "Đường dây nóng" đã có...

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP, CATP Hà Nội, CA tỉnh Lạng Sơn (VN) và như đại diện biên phòng và CA các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông (TQ) đã cung cấp nhiều thông tin, đề xuất nhiều giải pháp để triển khai thực hiện công tác phối hợp phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm tiền giả giữa hai bên trong thời gian tới. Phó cục trưởng Trương Cảnh Lợi đồng tình với các giải pháp mà phía VN nêu ra, Phó Cục trưởng Trương Cảnh Lợi khẳng định sẽ phối hợp với Bộ CA Việt Nam tăng cường hơn nữa việc trao đổi giữa hai bên để triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tiền giả lần này đạt kết quả tốt nhất.

D. Hùng