Việt Nam – Cuba: Củng cố sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực
Nhận lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Raul Castro Ruz, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Cuba từ ngày 28 đến 30-3.
Chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Cuba lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ sau khi lãnh tụ Fidel Castro qua đời, diễn ra vào thời điểm lần đầu tiên chuyển giao thế hệ lãnh đạo lịch sử tại Cuba. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến khu vực Mỹ La-tinh sau Đại hội XII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Đồng chí Raul Castro Ruz |
Cuba đặc biệt coi trọng kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam
Theo TTXVN, những năm qua, hai bên tăng cường trao đổi đoàn giữa các cơ quan của Đảng, các bộ, ngành, doanh nghiệp... Đây là minh chứng cho quan hệ hợp tác hữu nghị, đoàn kết đặc biệt mà lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, đồng thời qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam – Cuba. Hai bên tiến hành thường xuyên, hiệu quả các cơ chế hợp tác Ủy ban liên Chính phủ, Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, đối thoại về an ninh-quốc phòng. Quan hệ giữa quân đội hai nước luôn là trụ cột và hình mẫu thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước. Mới đây nhất, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao nước Cộng hòa Cuba do Thượng tướng Leopoldo Cintra Frias, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba dẫn đầu, hai bên đã ký Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2017-2019, trong đó tập trung thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đào tạo cán bộ quân y, phòng không-không quân...
Cuba đặc biệt coi trọng kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam, nhất là về xây dựng hệ thống chính trị, quản lý kinh tế vĩ mô, các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, quản lý và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước... Với chủ trương tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Cuba trong các lĩnh vực hợp tác, trong đó có hợp tác tài chính, hai Bộ Tài chính hai nước đã thực hiện Biên bản Ghi nhớ về hợp tác giai đoạn 2016-2020, tập trung vào các lĩnh vực như quản lý và cải cách hệ thống thuế, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực nghiệp vụ kho bạc, triển khai các nội dung, dự án cụ thể trong khuôn khổ hợp tác Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Cuba.
Về ngoại giao đa phương, hai bên duy trì quan hệ hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc. Việt Nam nhất quán lập trường ủng hộ Cuba đòi Mỹ dỡ bỏ chính sách bao vây – cấm vận; cam kết ủng hộ Cuba ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021-2023. Trong bối cảnh Việt Nam phải gánh chịu hậu quả thiên tai nặng nề thời gian qua, Việt Nam vẫn quyết định tặng nhân dân Cuba 5.000 tấn gạo để góp phần khắc phục hậu quả do cơn bão I-rơ-ma gây ra hồi tháng 9-2017. Có thể nói, mối quan hệ giữa hai nước không chỉ được vun đắp từ sự gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai Đảng, Nhà nước, Chính phủ, mà ngay cả mỗi người dân Việt Nam, mỗi người dân Cuba đều góp phần xây đắp mối quan hệ đặc biệt này.
Tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực có thế mạnh
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước cũng được quan tâm thúc đẩy thông qua các chương trình, dự án hợp tác và đầu tư. Hiện Việt Nam là một trong 10 nước dẫn đầu và đứng thứ hai ở Châu Á về trao đổi thương mại với Cuba. Tuy nhiên, thương mại Việt Nam-Cuba chủ yếu phụ thuộc vào mặt hàng gạo. Ngoài gạo, Việt Nam xuất khẩu một số mặt hàng khác như than đá, hóa chất, dệt may, máy tính... Cuba xuất khẩu chủ yếu sang Việt Nam mặt hàng dược phẩm. Năm 2016, tổng kim ngạch hai chiều đạt 235 triệu USD, năm 2017 đạt 224,3 triệu USD, với cán cân nghiêng về phía Việt Nam. Hai bên phấn đấu thương mại hai chiều đạt mức 500 triệu USD vào năm 2020.
Những năm gần đây, Cuba chủ trương mở rộng hợp tác với nước ngoài, hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đã sang Cuba tìm cơ hội phát triển kinh doanh. Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác nhằm đưa quan hệ kinh tế, thương mại phát triển tương xứng với quan hệ chính trị ngoại giao, hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam như Viglacera, Hanel, Tín Thành, Thái Bình đã tích cực phối hợp với các đối tác Cuba trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, phát triển năng lượng tái tạo và một số lĩnh vực khác. Các dự án hợp tác sản xuất lúa gạo, phát triển cây ngô, đậu tương, cà-phê, nuôi trồng thủy sản tại Cuba được hai bên phối hợp triển khai hiệu quả, góp phần hỗ trợ Cuba nâng cao sản lượng sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực.
Phía Cuba cũng chủ động đề xuất doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như sản xuất lương thực, thăm dò, khai thác dầu khí, công nghiệp, du lịch, công nghệ sinh học và các lĩnh vực ưu tiên phát triển tại Đặc khu kinh tế Mariel. Việt Nam và Cuba thúc đẩy khả năng hợp tác giữa Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Công ty Viễn thông Nhà nước Cuba ETECSA trong lĩnh vực viễn thông. Hai bên tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực sản xuất vaccine, dược phẩm, trao đổi chuyên gia nghiên cứu kiểm nghiệm thuốc. Đã có nhóm 16 bác sĩ Cuba đầu tiên tới Hà Nội làm việc tại Bệnh viện tư nhân Thu Cúc trong tháng 9-2017.
Tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Việt Nam có thế mạnh trong các ngành nông nghiệp, viễn thông, điện tử, tin học, điện gia dụng, hàng tiêu dùng, xây dựng và vật liệu xây dựng. Ngược lại, Cuba có thế mạnh lớn trong giáo dục đào tạo, y tế, công nghệ sinh học, dược phẩm và du lịch. Vì thế, thời gian qua, hai bên luôn quan tâm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba, trong bối cảnh Cuba chuyển giao thế hệ lãnh đạo lịch sử và tiếp tục triển khai sâu rộng quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế, xã hội. Chuyến thăm nhằm củng cố sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư... giữa hai nước có bước phát triển thực chất, hiệu quả, tương xứng hơn với quan hệ chính trị tốt đẹp, đồng thời thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ đối với khu vực Mỹ La-tinh, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế Việt Nam.
B.T – T.T