Viết Sử lưu lại cho muôn đời sau

Thứ năm, 01/12/2022 15:44
H.Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã, đang tiến hành công trình viết sử các chiến công, chiến tích, di tích cách mạng trên địa bàn. Công trình uống nước nhớ nguồn này được thực hiện trong nhiều năm nhằm góp phần giáo dục truyền thống và xây dựng Hòa Vang trở thành đô thị có bản sắc riêng. 
Các nhân chứng lịch sử tham gia Đoàn dân công xã Điện Sơn đêm ngày 13-7-1972, nay là xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Lễ Tri ân các liệt sĩ và vinh danh đồng bào trực tiếp tham gia trận chiến đêm 13-7-1972 tại thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến.

Trên quê hương vành đai diệt Mỹ, các cán bộ tiền bối, cựu chiến binh (CCB), người dân bám trụ kháng chiến (gọi chung là nhân chứng lịch sử - NCLS) lần lượt qua đời theo quy luật tự nhiên. Từ thực tế này, Huyện ủy Hòa Vang đề ra chủ trương viết sử về các chiến công, chiến tích, di tích cách mạng để lưu lại cho đời sau. “Nếu chậm trễ, các NCLS qua đời hết, không còn ai biết các chiến công, chiến tích trong thời kỳ kháng chiến thì thế hệ trẻ sẽ bị nhạt mờ về truyền thống”- nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn nhấn mạnh.

Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất giao cho Hội CCB huyện đảm nhiệm vai trò chủ công, phối hợp Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Văn hóa Thông tin huyện, Đảng ủy 11 xã tiến hành công trình viết sử các chiến công, chiến tích, di tích cách mạng trên địa bàn huyện. Công trình được tiến hành từ năm 2021 với sự đồng tâm nhất trí của các đơn vị liên quan. Ngay trong năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do COVID-19 nhưng vẫn hoàn thành được 3 công trình: Chiến thắng đèo Đại La (xã Hòa Sơn), trận chiến ở thôn Nam Sơn (xã Hòa Tiến) và Di tích Khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú).

Về Chiến thắng đèo Đại La, Hội CCB H.Hòa Vang đã gặp cụ Lê Đình Kiến (97 tuổi), nguyên chiến sĩ Trung đoàn 96 thời chống Pháp, hiện ở P.An Khê (Q.Thanh Khê), được nghe NCLS kể lại chi tiết những trận đánh khốc liệt tại đèo Đại La và các khu vực phụ cận vào đầu tháng 1-1947. Theo đó, Trung đoàn 96 do đồng chí Nguyễn Bá Phát làm Trung đoàn trưởng, tổ chức phòng thủ, ngăn chặn bước chân quân xâm lược Pháp, bảo vệ vùng tự do Liên khu 5. Lực lượng ta bố trí dọc theo đèo Đại La vòng qua Yên Khê, Trung Ngãi, Hòa Mỹ, Hòa An, Phú Hòa, Túy Loan… Những trận đánh máu lửa đã diễn ra liên tục nhiều ngày. Dù vũ khí thô sơ, nhưng CBCS ta cực kỳ mưu trí, dũng cảm, quyết tử chiến đấu cản bước quân thù. Các đơn vị kiên cường chống giữ, bẻ gãy hàng trăm đợt tấn công của địch, khôn khéo tác chiến tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện cho nhân dân tản cư đến vùng tự do, bảo đảm cho công cuộc kháng chiến lâu dài.

Các nhân chứng lịch sử tham gia Đoàn dân công xã Điện Sơn đêm ngày 13-7-1972, nay là xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Nhiều người dân trên vành đai diệt Mỹ năm xưa khẳng định, máu xương của các đồng chí hy sinh tại thôn Nam Sơn (xã Hòa Tiến) thời đánh Mỹ góp phần “làm cho Hòa Vang trở thành một chấm son trên bản đồ Tổ quốc” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Trần Thị Thủy - Cán bộ hưu trí, nguyên Quyền Bí thư Đoàn Khu II Hòa Vang, trực tiếp tham gia Đoàn dân công trong trận chiến ở thôn Nam Sơn, hiện trú P.An Hải Bắc (Q.Sơn Trà), kể lại: Trong Chiến dịch Hè 1972, hàng trăm dân công xã Điện Sơn, nay là xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) xung phong đi tải đạn phục vụ cho bộ đội pháo kích các mục tiêu trong nội thành Đà Nẵng. Tối 13-7-1972, bà Thủy cùng 57 người, hầu hết là phụ nữ xã Điện Sơn, một số ít ở các địa phương phụ cận và bộ đội từ miền Bắc vào, vận chuyển đạn pháo DKB và tên lửa A12, phục vụ Đoàn Pháo binh 575 bắn vào các mục tiêu trong TP Đà Nẵng. Khoảng 20 giờ 30 phút, đoàn đi đến địa phận thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến thì bị máy bay địch phát hiện. Chúng bắn xối xả vào đội hình, đồng thời điều động nhiều máy bay, xe tăng, bộ binh, dồn dập tấn công vào đoàn dân công. “Trong đêm ấy, 23 đồng chí đã hy sinh, tôi và 4 đồng chí bị thương và bị bắt, số còn lại vượt qua vòng vây địch, chạy thoát” - bà Trần Thị Thủy bùi ngùi nhớ lại…

Trình tự viết sử về các chiến công, chiến tích, di tích cách mạng được tiến hành 3 bước: Tìm hiểu, thu thập nội dung sự kiện từ các nhân chứng lịch sử; tổ chức hội thảo với đông đảo các đơn vị, cá nhân có liên quan; tổng hợp, chọn lọc, chắp bút với sự thống nhất của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Hội CCB huyện và các đơn vị chức năng. Chủ tịch Hội CCB huyện Trương Văn Hòa cho biết: “Trong tổ biên soạn, ngoài đại diện các ban ngành, đoàn thể chức năng của huyện, còn có các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhân chứng lịch sử”.

Năm 2022, các đơn vị tiến hành viết sử 6 chiến công, chiến tích, di tích cách mạng, trong đó có chiến công diệt Mỹ tại Xóm Đình, thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong. CCB Trần Thanh Bình, ở xã Hòa Phong, thời đánh Mỹ từng làm Trưởng ban Trinh sát Mặt trận Hòa Vang, cung cấp đầy đủ thông tin về chiến công này. Theo đó, ngày 23-2-1969, Đại đội 2 Khu II Hòa Vang phối hợp cùng các đơn vị bạn tổ chức đánh 1 trung đội Mỹ và 2 trung đội ngụy đi càn quét tại địa phận Xóm Đình từ 5 giờ đến gần 18 giờ, diệt 1 xe tăng và hàng trăm tên địch. Sang ngày 24 – 2- 1969, ta tổ chức đội hình tác chiến hình chữ V, chờ cho địch đến thật gần mới nổ súng, bẻ gãy hàng chục đợt tấn công của địch. Ngày 25-2, ta chuyển sang phòng ngự theo hình vòng cung lõm, bố trí mìn định hướng trước tiền duyên, giữ xác Mỹ làm rào chắn nhằm hạn chế phi pháo của chúng. Bộ đội kiên cường đánh trả suốt ngày, diệt hơn 100 tên Mỹ, ngụy và chỉ hy sinh 1 đồng chí…

Công tác viết sử về các chiến công, chiến tích, di tích cách mạng ở H.Hòa Vang thực hiện theo nguyên tắc: chính xác, đầy đủ, chân thực. Việc làm uống nước nhớ nguồn này được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hết sức chú trọng, nhận sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo nhân dân. “Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện có tổng số gần 70 bia chiến công, chiến tích, di tích cách mạng. Tất cả sẽ được viết thành sử để lưu lại lâu dài nhằm góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng Hòa Vang thành đô thị có bản sắc riêng như chủ trương của Thành ủy Đà Nẵng” - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lê Văn Hùng Vương cho biết.

Lê Văn Thơm