Viết theo xu thế, đọc theo phong trào

Thứ tư, 04/06/2014 09:47

(Cadn.com.vn) - Tại buổi tọa đàm "Tuổi 20, nghĩ và viết" vừa được NXB Trẻ tổ chức tại TPHCM, trước câu hỏi: "Tại sao bạn mua và đọc cuốn sách này?", nhiều độc giả trẻ bày tỏ: "Vì thấy nhiều người đọc". Những ngày diễn ra hội sách, mặc dù trời nắng nóng, nhưng hàng nghìn độc giả trẻ không ngần ngại chen lấn chờ từ trưa cho đến tối mịt để xin chữ ký của các hotboy, hotgirl viết văn. Kết quả trên chỉ đáng ngạc nhiên chứ chưa thể vội mừng. Bởi sự thu hút của các tác giả trẻ phần nhiều nhờ vào chiêu PR rầm rộ từ phía NXB, đơn vị phát hành cũng như chính bản thân tác giả đã là "thần tượng" của giới trẻ từ trước ở những lĩnh vực không liên quan gì đến văn chương.

Còn bản thân tác phẩm với những câu chuyện tản mạn yêu đương có giá trị nghệ thuật hay không lại là vấn đề khác... Đánh vào hiệu ứng đám đông, nhiều tác giả trẻ năm nay đã biết tận dụng truyền thông, mạng xã hội để tạo độ "hot" cho tác phẩm của mình. Việc chọn đọc tác phẩm theo phong trào dù giá trị của nó chưa được thẩm định khiến cho những giá trị văn học đích thực bị khuất lấp. Do đó, nhiều độc giả theo dõi mảng văn học trẻ mong muốn các nhà phê bình cần có ý kiến đánh giá ngay khi tác phẩm vừa ra đời để định hướng công chúng, bởi hiện nay có rất nhiều tiểu thuyết ngôn tình, tản mạn yêu đương không hay ho gì về mặt nghệ thuật, nội dung nông cạn lại khiến một bộ phận giới trẻ lên "cơn sốt".

 Một độc giả lý giải: "Tôi thấy nhiều nhà văn trẻ Việt Nam bây giờ viết theo lối tự nhiên chủ nghĩa. Mọi ngóc ngách cuộc sống bị họ phơi bày một cách trần trụi quá mức khiến người đọc cảm thấy khó chịu. Có người lại viết quá cầu kỳ, lắt léo như kiểu đánh đố người đọc. Một số cuốn sách bán chạy của các tác giả trẻ chỉ gây hiện tượng bề mặt nhất thời chứ cái họ viết chưa thuyết phục. Tôi chỉ thích những tác phẩm giản dị, bình thường mà mang lại xúc cảm và gợi mở nhiều điều".

Người trẻ nghĩ và đọc như thế, còn các tác giả trẻ đang nghĩ và viết ra sao? Họ vẫn nghĩ và viết theo những gì đang thôi thúc mình. Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn cho rằng tác giả trẻ hiện nay họ na ná nhau và chưa có tác giả nào thực sự nổi trội. Trong tác phẩm, "Chộn rộn xứ người" của tác giả Mai Thanh Nga cũng đã thừa nhận rằng "thế hệ chúng tôi suy nghĩ nhiều quá, hành động ít quá". Câu đó rất đúng với các nhà văn trẻ. Họ thường nói mình sẽ viết về thân phận con người. Thế nhưng thân phận đó không ai khác lại là bản thân họ. Họ vẫn quẩn quanh trong cái tôi của mình mà không chịu nhìn ra và bước vào thân phận của người khác. Điều đó khiến tác phẩm của họ nhiều khi rất nông cạn, hạn hẹp, không có sự bứt phá và tầm vóc riêng".

Đồng tình với ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, một độc giả bức xúc:  "Nhiều câu chuyện đọc xong mà không hiểu tác giả định gửi gắm điều gì. Cho dù các nhà văn dùng câu chữ bóng bẩy, cách viết độc đáo thế nào đi nữa nhưng nếu tác phẩm không có cốt truyện thì đó chỉ là một cách viết hời hợt, xem thường độc giả. Tôi mong muốn các nhà văn hãy bước ra bên ngoài. Bởi thực tế đời sống ngồn ngộn nhiều hơn là chính cuộc đời và bản thân họ. Hãy đồng cảm với người khác, hãy gửi đi những thông điệp, đừng kể quá nhiều về mình để chúng tôi đọc xong là thấy "sao giống mình quá" rồi quên ngay sau đó". Dòng sách của các tác giả trẻ đang lên ngôi, nhưng vẫn đang rất thiếu, rất cần những tác phẩm "vàng ròng". Làm được điều ấy phụ thuộc rất nhiều vào sự thay đổi, bứt phá từ chính bản lĩnh, tài năng và trái tim đa cảm của họ.

T.S