Viết tiếp câu chuyện trái tim
(Cadn.com.vn) - Trong những ngày cả thế giới đang có nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Tim mạch Thế giới (29-9), thì tại miền Trung, dù không quá sôi nổi nhưng vẫn có những câu chuyện ấm lòng bao trái tim và góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc chung tay bảo vệ trái tim khỏe.
Vì những trái tim nhỏ
Ngày 2-7-2014, nhân chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng-bệnh viện tư nhân đầu tiên và duy nhất hiện nay triển khai phẫu thuật tim hở và can thiệp tim mạch. Điều đặc biệt trong chuyến thăm lần này, Phó Chủ tịch nước đã trực tiếp chứng kiến ca mổ tim cho bé Đặng Nguyễn Quỳnh Quyên (4 tuổi), một công dân của huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Bé Quyên được chẩn đoán bị thông liên thất phần màng/tồn tại lỗ bầu dục, kinh phí phẫu thuật trọn gói cho bé ước tính khoảng 50 triệu đồng. Ngày xuất viện, mẹ bé Quyên chia sẻ: "Tôi đã từng vô cùng tuyệt vọng khi nghĩ với điều kiện kinh tế khó khăn của gia đình, con tôi không có tiền phẫu thuật để có được trái tim bình thường. Thật may mắn, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ngãi và Quỹ Vina Capital đã tạo điều kiện thuận lợi cho con gái bé nhỏ của tôi một cuộc sống khỏe mạnh".
Một hoàn cảnh cảm động khác, cháu Lâm Nhất Vương là con duy nhất trong một gia đình đơn chiếc. Ba mất khi cháu chỉ hơn 7 tháng tuổi, ngày cháu nhập viện chờ phẫu thuật cũng là ngày mẹ cháu làm lễ 49 ngày cho chồng. Bị thông liên thất tăng áp phổi nặng cần được phẫu thuật ngay, Đơn vị tim mạch Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã chủ động liên lạc với một số Mạnh Thường Quân và quỹ từ thiện. Và may mắn đã mỉm cười với cháu. Bằng chuyên môn và trái tim người thầy thuốc, bằng tấm lòng chia sẻ của các Mạnh Thường Quân, thêm một câu chuyện trái tim nữa được viết trọn vẹn…
Bác sỹ Nguyễn Thanh Hiền- Trưởng khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực và bệnh nhân Đặng Nguyễn Quỳnh Quyên cùng ba của bé sau khi phẫu thuật thành công. Ảnh:P.V |
Nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ tử vong do bệnh tim bẩm sinh
Dị tật tim bẩm sinh (TBS)- một loại bệnh lý của bệnh tim mạch, có tỷ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh là 0,1%. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các phương tiện chẩn đoán và điều trị đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, tỷ lệ trẻ tử vong vì bệnh TBS đã giảm rất đáng kể, từ 20-30% trong khoảng 15-20 năm trước đây đã giảm còn 1-2% hiện nay. Bệnh TBS (phổ biến với các bệnh như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch,…) ban đầu thường không có dấu hiệu gì, hơn nữa, có thể sau một thời gian, phần khuyết tật là lỗ thông có thể tự đóng lại.
Do đó, một số bệnh nhân khi phát hiện mắc bệnh TBS thường chủ quan vì nghĩ sẽ "lướt" được bệnh, các trường hợp đau lòng hơn là chấp nhận sống với bệnh vì không đủ chi phí điều trị, phẫu thuật. Các bệnh viện chuyên sâu về tim mạch như Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện khi đã tím đen (tình trạng máu đỏ- máu giàu oxy và máu đen trộn lẫn do các lỗ thông) hoặc bị tăng áp phổi nặng. Những trường hợp này, nếu phát hiện, điều trị không kịp thời, mạch máu phổi sẽ bị tổn thương không hồi phục, luồng máu đảo chiều và không thể phẫu thuật được nữa.
Cần thấy rằng, trẻ mắc bệnh TBS không thể chạy nhảy tự do như các trẻ em khác vì tim của bé không thể đáp ứng nhu cầu máu trong các vận động mạnh. Do đó, tâm lý trẻ cũng bị ảnh hưởng rất lớn, nhiều bé chỉ thích chơi một mình hoặc thậm chí có dấu hiệu tự kỷ. Bệnh nhân Trần Văn Thận (21 tuổi), tại Bình Định, bị tứ chứng Fallot, nhập viện khi người đã tím đen, điều đặc biệt là em rất ngại tiếp xúc với người xung quanh vì mặc cảm sức khỏe, ngoại hình của mình. Ba em quyết định bán con bê ở quê để trang trải chi phí phẫu thuật cho con. Sau ca phẫu thuật thành công, da dẻ em trở nên hồng hào, ăn uống tốt hơn, tính tình em cũng hoạt bát rất nhiều, em đã lấy lại được niềm tin vào cuộc sống và đang chuẩn bị viết một tương lai mới nhiều màu sắc cho mình.
Hy vọng mới cho nhiều trẻ em mắc bệnh TBS hiện nay khi những nỗ lực để có lại được trái tim khỏe không chỉ từ phía gia đình mà còn ở cả người làm y tế đến các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Dường như cả xã hội đã tìm được tiếng nói chung. Quỹ bảo trợ trẻ em các tỉnh, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, tổ chức từ thiện, Mạnh Thường Quân,… đã không ngừng nỗ lực huy động chi phí tổ chức các chương trình khám sàng lọc ngay tại địa phương và tài trợ chi phí điều trị cho các em.
Dù vậy, vẫn còn số lượng rất lớn trẻ em mắc bệnh TBS đang cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, bởi theo thống kê của Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, đến hết năm 2013, cả nước vẫn còn 6.571 trẻ mắc bệnh TBS, trong đó miền Trung chiếm nhiều nhất với 2.913 trẻ. Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân trong hành trình sẻ chia, giúp đỡ nhằm trả lại những trái tim khỏe mạnh cho trẻ không may mắn bị TBS, tiếp tục viết tiếp câu chuyện trái tim- câu chuyện của lòng người, để những trái tim đến với trái tim, vì trái tim…
Hồng Nhật