Viết tiếp chuyện "hậu thủy điện" (4)

Thứ hai, 06/10/2014 08:31

Kỳ 4:  Chạy lũ ở vùng... rốn lũ

(Cadn.com.vn) - Thuật ngữ “chạy lũ” như đã ăn sâu vào nếp nghĩ, lối sống của người dân vùng hạ du của Quảng Nam trong nhiều năm nay. Đặc biệt, từ khi thủy điện góp thêm “tiết mục” xả lũ, người dân vùng hạ du ở Quảng Nam lại thêm những mùa lo...

Thói quen” chạy lũ bị đảo lộn

“Bị động hoàn toàn”, đó là khẳng định của ông Võ Đình Tài, Chánh văn phòng HĐND, UBND H. Đại Lộc khi được hỏi về chuyện “chạy lũ” của người dân vào mùa mưa bão những năm gần đây. Ông Tài cho biết, đáng lo nhất là tình trạng sạt lở, cát bồi ở các xã ven sông ngày càng nghiêm trọng. Điển hình như xã Đại Hưng, Đại Mỹ; thậm chí các xã như Đại Phong, Đại Minh, Đại An, Đại Hòa, Đại Cường, ngoài chuyện sạt lở, cát bồi làm giảm diện tích đất sản xuất thì còn nguy cơ sạt lở các khu dân cư. “Chuyện sạt lở trước đây vẫn thường xảy ra, tuy nhiên gần đây việc thủy điện xả lũ góp phần làm cho tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn”, ông Tài nói.

Để minh chứng cho cái gọi là nghiêm trọng ấy, ông Tài nêu ví dụ: Trước đây (khi chưa có thủy điện -PV), khi lũ về ngoài những mặt trái thì lũ còn mang theo phù sa bồi đắp, góp phần diệt trừ sâu bọ... cho mùa vụ sau; còn bây giờ, ngoài chuyện gây sạt lở thì lũ còn góp thêm chuyện... cát bồi, mất đất sản xuất. Hay như lúc trước, cho dù có mưa lớn liên tục 2-3 ngày nhưng chưa chắc đã có lũ, còn bây giờ thậm chí mưa 1 ngày thôi cũng xuất hiện lũ bất ngờ, bởi do mưa đầu nguồn lớn, lượng nước trong lòng hồ cao nên thủy điện xả lũ bất ngờ. Điều này làm cho người dân luôn ở thế bị động, không kịp dọn dẹp đồ đạc, tài sản...  Cũng vì thất thường, trái quy luật như thế nên người dân càng ngày càng khó khăn hơn trong sản xuất. “Khi chưa có thủy điện, người dân sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm dân gian, cũng phụ thuộc vào may rủi, tuy nhiên, may nhiều hơn rủi. Còn nay thì sản xuất theo kiểu đánh bạc, rủi nhiều hơn may”, ông Tài ví von.

Đi đâu ở Đại Lộc cũng dễ bắt gặp hình ảnh hệ thống loa cảnh báo lũ ở khắp nơi.

Điều đáng nói, theo ông Tài thì người dân ở vùng hạ du, trong đó có Đại Lộc không những không được hưởng lợi gì từ thủy điện mà ngược lại phải hứng chịu nhiều hậu quả. Tốn kém tiền bạc để nâng cao nhà cửa, tốn kém trong xây nhà tránh lũ, không dám canh tác trên đồng ruộng của mình chỉ vì sợ mất trắng vì lũ... “Bài toán đặt ra là trách nhiệm của thủy điện như thế nào với vùng hạ du, nếu cứ để dân chịu thiệt hoài xem ra không ổn”, ông Tài băn khoăn.

Trận lũ lịch sử năm 2009, cộng thêm các thủy điện đồng loạt xả lũ, khiến các vùng hạ du bị ngập nặng, hàng vạn nhà dân chìm trong lũ, thiệt hại tài sản, hoa màu cả ngàn tỷ đồng, có người chết trong lũ. Và cứ đến mùa mưa, hàng chục nghìn hộ dân ở vùng hạ du lại nơm nớp lo cho sinh mạng và tài sản của mình trước tình trạng các nhà máy thủy điện “rủ nhau” xả lũ với lưu lượng rất lớn. Sau trận lũ này, người dân trở nên cảnh giác hơn, không còn “chủ quan” như trước. “Họ bắt đầu thích ứng dần với việc “chạy lũ””, ông Tài cho hay.

Ông Tài nói, trong nhiều cuộc họp, huyện cũng đề nghị với cấp trên cần có cơ chế để thủy điện trích từ nguồn thu sử dụng nguồn nước để chia sẻ cho vùng hạ du, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có câu trả lời. “Doanh nghiệp làm lợi từ sử dụng nguồn nước để phát điện thì anh cũng phải biết chia sẻ lợi nhuận cho vùng chịu thiệt như hạ du chứ. Có thể bằng cách này hay cách khác, cụ thể hơn thì đầu tư xây dựng hạ tầng, kè sạt lở ở các dòng sông chẳng hạn. Đừng vì bài toán kinh tế của mình mà quên đi quyền và lợi ích của người dân vùng hạ du”, ông Tài nêu vấn đề.

Nước lên sợ trôi hết củi, ngập hết nhà nên người dân phải làm gác,
nâng nền nhà lên cao để tránh lũ.

Phải tự thích nghi…

Về Đại Lộc, chúng tôi không khỏi bất ngờ và có cảm giác “lạ lùng” là đi đâu cũng thấy cột, loa cảnh báo lũ, bản đồ lưu vực hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, thậm chí có nhiều nơi còn gắn biển hiệu với nội dung “Báo động xả tràn hồ chứa thủy điện” nhằm cảnh báo cho người dân biết để chủ động mà... chạy. Đi trong các thôn, hầu như nhà nào cũng cho lúa gạo vào bao, đồ đạc đóng gói cẩn thận, chỉ cần lũ về là có thể nhanh chóng chuyển hết lên gác. Cũng không hiếm cảnh những chiếc thuyền được sơn sửa cẩn thận để chuẩn bị chạy lũ. “Vào mùa mưa, cuộc sống người dân giống như thời chiến, luôn luôn phải cảnh giác trước họa thủy tặc”, một người dân thôn Quảng Đại 1, xã Đại Cường nói như đùa.

“Mấy năm gần đây, người dân phải thay đổi phương thức sản xuất để thích ứng với lũ lụt”, bà Võ Thị Thúy Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Đại Cường nói. Theo bà Nguyệt, hồi trước mùa lũ đến từ từ, kéo theo một lượng lớn đất phù sa bồi đắp, cứ đến cỡ tháng 8, tháng 10 là mong chờ đón lũ đánh bắt cá tôm, mùa vụ sau đất đai tươi tốt. Còn bây giờ, do phía thượng nguồn các hồ thủy điện chặn dòng, lượng phù sa đọng lại trong lòng hồ nên mùa mưa, khi thủy điện xả lũ, dòng nước chảy mạnh cuốn theo cát sỏi phủ khắp cánh đồng. “Chỉ tính riêng năm 2013, có 3ha đất nông nghiệp xã Đại Cường bị cát che phủ, khi vào vụ mới, dân phải tìm cây trồng cho phù hợp với đất pha cát. Xã có 9 thôn thì hết 7 thôn bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó thôn Quảng Đại 1 ảnh hưởng trực tiếp đến 43 hộ dân”, bà Nguyệt lo lắng.

Khi được hỏi, tại sao hệ thống loa cảnh báo lũ được bố trí nhiều nơi nhưng người dân vẫn bị động khi lũ về, bà Nguyệt thở dài: “Bị động là phải, bởi có loa mà cũng như không”. Lý giải nguyên nhân, bà Nguyệt cho biết: “Họ làm theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” thì ai mà xoay cho kịp. Mùa mưa, ở hạ du đã no nước rồi, chỉ cần thủy điện xả thêm ít nữa thì nước cứ thế mà dâng thôi. Về xả lũ, nói là thông báo trước khi xả nhưng thực tế, họ âm thầm xả, đến khi nước lên báo động 2 rồi thì hệ thống loa mới cảnh báo. Mà loa thì đặt ở một điểm trung tâm xã nên không thể bao quát hết, người dân ở xa không thể nghe được”. Lại nói về chuyện loa, năm 2009 khi thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ, nước lên rất nhanh, địa phương muốn cảnh báo cho người dân nhưng cũng đành bó tay vì “bất khả xâm phạm” bởi loa là do thủy điện A Vương lắp đặt. Và để tránh việc bị động, chính quyền địa phương chỉ còn cách là thường xuyên tuyên truyền cho người dân phải dự trữ lương thực, xây dựng phương án sơ tán dân... khi có tình huống xảy ra. 

Chuẩn bị sẵn thuyền để bước vào mùa lũ.

“Về 43 hộ dân nằm trong vùng trọng điểm sạt lở ở thôn Quảng Đại 1, địa phương đã đề xuất di dời, nhưng tỉnh lại có chủ trương xây kè, tuy nhiên chưa biết khi nào triển khai nên hiện các hộ dân vẫn phải sống chung với sạt lở”, bà Nguyệt cho biết.

Trong khi chính quyền địa phương chưa thể đánh giá tác động và chỉ ghi nhận một số hiện tượng như nước lũ lên nhanh, dòng nước chảy xiết, xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới và lũ lụt không theo quy luật hàng trăm năm nay, gây ngập lụt cục bộ..., thì thủy điện lại cho rằng họ xả lũ đúng quy trình. Nhiều cuộc họp ở H. Đại Lộc cũng như của tỉnh cũng “lên án” xoay quanh vấn đề này. Đa số nhiều ý kiến cho rằng: Hồ chứa thủy điện xả lũ đúng quy trình, nhưng chỉ là đúng quy trình với chính chủ hồ thủy điện. Còn thực tế lũ dữ lên nhanh bất thường và trái với qui luật tự nhiên hàng trăm năm nay ở vùng rốn lũ này thì phải nghiêm túc xem lại cái “quy trình” kia.

Ông Huỳnh Niên (thôn Quảng Đại 1, xã Đại Cường) có mấy chục năm trời mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên sông, chứng kiến không biết bao nhiêu trận lũ lụt đi qua nên ông cũng có nhiều kinh nghiệm. Ông bảo, hồi chưa có thủy điện, mỗi khi trên nguồn mưa lớn là lũ về. Nhưng lũ không tàn khốc và gây thiệt hại lớn như bây giờ. Chỉ vào bờ tre thưa thớt còn sót lại bên sông, ông nói: “Hàng chục năm trước, bờ tre này kéo ra tận giữa sông, dân chúng tôi yên tâm mỗi khi nước lũ về. Nay bờ tre đã không còn, tất cả đã trôi theo dòng nước. Những gì còn sót lại chắc cũng không giữ qua mùa mưa lũ này”, ông Niên thở dài nói. Theo ông Niên, trước khi có thủy điện, mỗi khi có mưa là nước lũ đổ về gây ngập, nhưng không có chuyện lũ quét. Còn bây giờ, “thủy điện ngăn sông xây đập tích nước. Đến khi hồ chứa đầy, các hồ thi nhau xả, thử hỏi với độ dốc như vậy, ai dám khẳng định không có chuyện lũ quét xảy ra. Đó là chưa kể rủi ro khi có sự cố vỡ đập”..., ông Niên bỏ lửng câu nói.

Phóng sự: Doãn Hùng
(còn nữa)