Vĩnh biệt người Anh hùng!

Thứ sáu, 16/10/2015 10:20

(Cadn.com.vn) - Hôm trước tôi tình cờ gặp Anh hùng LLVTND Trần Công Dũng, anh bảo: "Cụ Rã yếu lắm rồi, không biết có qua khỏi mùa mưa năm ni không?". Thế nhưng chỉ mấy ngày sau ông đã vội vã bước vào chốn thiên thu. Dẫu vẫn biết sự ra đi của ông đều được dự báo, bởi đó là quy luật sinh, tử, chia ly hết sức nghiệt ngã, nhưng khi hay tin ông từ biệt dương gian, tôi vẫn cay xè thương tiếc.

Đại tá Nguyễn Rã trong ngày vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND.

Còn nhớ, vào những năm cuối của thập niên 80, lúc đó ông là Phó giám đốc CA tỉnh QN-ĐN, kiêm Trưởng CATP Đà Nẵng (cũ) còn tôi là cậu trinh sát hình sự (TS) nên hằng ngày thường gặp ông. Mỗi buổi sáng, ông đạp xe từ nhà ở đường Lê Lai lên cơ quan 16-Phan Đình Phùng rất đúng giờ, gặp lính TS chúng tôi, ông đều dừng xe đạp hỏi vội: "Đêm qua có xảy ra vụ việc gì không?". Nếu có việc, gương mặt ông hiện rõ nét không vui, lo lắng. Trong nhiều vụ án, khi lãnh đạo Đội CSHS lên phòng làm việc báo cáo với ông về một số kết quả điều tra ban đầu, ông thường hỏi có những TS nào tham gia, rồi ông cho gọi tất cả anh em lên báo cáo bởi ông biết công tác điều tra TS rất đa dạng, có khi một chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt, vô nghĩa nhưng nó lại là hướng mở đường sáng tỏ cho vụ án.

Những vụ án nghiêm trọng, ngoài việc TS phải có kế hoạch nhận định, điều tra và sau mỗi ngày làm việc, chỉ huy đội phải báo kết quả cho ông. Có nhiều người nói ông chỉ đạo điều tra án hình sự dễ thành công hơn, điều này đúng, bởi hơn ai hết, chúng tôi là lính TS được ông trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc nên rất "sợ" nợ án và phải làm hết sức mình bằng mọi giá. Điều tra đạt kết quả nhanh, ông động viên khen thưởng còn những vụ khó khăn, câu dầm, kéo dài thời gian là bị ông "chê" ngay. Hồi đó khen thưởng về vật chất có gì to tát lắm đâu, chỉ vài gói kẹo, mấy bao thuốc lá "Bông Sen" của cá nhân ông cho, anh em xúm lại chia nhau, thấy ông vui vẻ, ai nấy cũng đều sung sướng lắm. Có lúc, chúng tôi đi làm đêm tới 2-3 giờ khuya mới về, ông trực lãnh đạo ngủ lại phòng làm việc nghe tiếng xe Xit-dơ-ca do Liên Xô sản xuất chạy vào cổng cơ quan, ông thức giấc, mặc nguyên bộ quần áo ngủ xuống ngồi giữa sân hỏi han công việc, chuyện trò cho đến sáng...       

Trở về những tháng ngày của quá khứ, cuộc đời ông đều gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1948 ông tham gia cách mạng, sau Hiệp định Genève tập kết ra Bắc, đầu năm 1962, ông được điều động vào chiến trường miền Nam giữ chức vụ Trung đội trưởng An ninh vũ trang Khu 5 (ANVTK5), có trọng trách bảo vệ an toàn lãnh đạo Khu ủy Khu 5. Trong thời gian này, chiến trường Khu 5 diễn ra vô cùng khốc liệt, địch liên tục mở nhiều đợt tấn công, càn quét nhằm tiêu diệt các căn cứ cách mạng.  Để đối phó với các cuộc bình định, càn quét, ông đã chỉ huy đơn vị  đánh địch, ngăn cản cuộc tấn công bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của Khu ủy.

Đầu năm 1965, với cương vị Đại đội trưởng C32, ông đã chỉ huy nhiều trận chiến đấu ác liệt, tiêu diệt và làm tan rã nhiều  đại đội biệt lập, dân vệ, diệt và bắt sống hàng trăm tên lính ngụy, phá hủy các  ấp chiến lược, đưa hàng ngàn người dân bị địch lùa xúc tập trung vào làm bia đỡ đạn cho chúng về lại làng xưa, vườn cũ làm ăn. Năm 1967, lực lượng ANVTK5 lớn mạnh lên cấp tiểu đoàn và trong thời gian này, ông được giao chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10, chỉ huy đơn vị chiến đấu 130 trận, tiêu diệt gần 500 tên, trong đó có 140 lính Mỹ, bắn rơi 5 máy bay trực thăng, triển khai 35 lượt truy lùng biệt kích đổ bộ tìm diệt căn cứ Khu ủy 5. Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 1968-1972, ông đã chỉ đạo nhiều trận chiến đấu chống Mỹ càn quét, mai phục liên tục ở các bìa rừng heo hút  để bảo vệ an toàn căn cứ Khu ủy 5 tại Nước Oa, Trà My,  đánh xóa sổ Lữ đoàn dù 196 của Mỹ, thu giữ hàng trăm loại vũ khí và phương tiện chiến tranh, đập tan 2 đợt tấn công của Mỹ đổ bộ bằng trực thăng để cướp 250 tù binh ngụy đang bị Tiểu đoàn 10 cải tạo, giam giữ. Để phục vụ chiến dịch Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn cho lãnh đạo Khu ủy đi thị sát, chỉ huy các chiến dịch và giành được nhiều thắng lợi rực rỡ, trong đó có cố Bí thư Khu ủy Khu 5 Võ Chí Công.

Sau năm 1975, ông được Bộ CA điều động về công tác tại CA tỉnh QN-ĐN và lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng phòng Cảnh sát Bảo vệ, Phó giám đốc CA tỉnh QN-ĐN kiêm Trưởng CATP Đà Nẵng  rồi Giám đốc CA tỉnh. Trong thời gian này, tình hình chính trị thành phố có nhiều diễn biến đáng lo ngại. Một số đối tượng móc nối với bên ngoài nhen nhóm các tổ chức chính trị đối lập, các hội đoàn trái phép, cướp phương tiện trốn ra nước ngoài. Mặt khác, các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt... không kém phần phức tạp. Trước tình hình đó, ông đã chỉ huy CATP Đà Nẵng triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, xã hội, từng bước làm ổn định tình hình.

Khi làm Giám đốc CA tỉnh, ông đã cùng với lãnh đạo CA tỉnh làm tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung xây dựng thế trận an ninh vững chắc, chỉ đạo lực lượng CA tỉnh tăng cường các biện pháp nắm tình hình, đề ra đối sách phù hợp để đấu tranh, ngăn chặn sự phá hoại của các thế lực thù địch, bọn phản động trong nước câu kết với nước ngoài, qua đó đã đấu tranh, triệt phá hàng chục tổ chức phản động liên quan tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, vì vậy CA tỉnh được Chính phủ tặng Cờ thi đua luân lưu 5 năm liền.

Chiến công của ông đều gắn liền với Tiểu đoàn 10 ANVTK5  anh hùng và mãi mãi đi vào những trang sử vẻ vang của lực lượng CAND. Để làm tròn sứ mệnh lịch sử giao phó trong những tháng ngày đầy đau thương của chiến tranh khốc liệt, bản thân ông  cũng như bao người đồng đội đã chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ, vượt qua mưa bom, bão đạn của giặc thù. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng nằm lại nơi rừng sâu, núi thẳm, máu xương của các liệt sĩ đã hòa vào lòng đất thân yêu của Tổ quốc. Trong suốt quá trình tham gia cách mạng và phục vụ trong ngành CA, ông luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, mẫu mực trong lối sống, chăm lo, xây dựng khối đoàn kết nội bộ, luôn gần gũi, hòa mình với nhân dân, sống thanh cao, cần kiệm.

Suốt chặng đường trường chinh vệ quốc, ông hết lòng cống hiến công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và cuộc sống yên bình của nhân dân. Khi về hưu, sức đã yếu nhưng ông vẫn đau đáu nỗi lòng khi nghĩ về những đồng đội thân thương đang còn nằm lại nơi rừng sâu, dốc vắng nên đề xuất và tổ chức hàng chục đợt đi tìm kiếm, đưa hàng chục hài cốt liệt sĩ quy tập vào nghĩa trang yên nghỉ. Năm 2010, Giám đốc CATP giao nhiệm vụ cho tôi viết báo cáo thành tích đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông nên phải gặp ông nhiều lần để nắm tư liệu. Lúc nào ông cũng rót rượu vang "Đà Lạt" mời, ăm ắp sự chân thành. Còn nhớ hôm gia đình làm bữa tiệc để chia sẻ niềm vui khi vừa đón nhận danh hiệu cao quý, ông điện thoại gọi nhưng tôi không đến được, ông trách thiệt tình nhưng đầy sự thân thương! Thế mà...

Giờ đây, người con anh hùng xứ sở Sông Trà, có hơn 40 năm gắn bó máu thịt với mảnh đất quê hương đất Quảng Nam-Đà Nẵng đã cưỡi hạc đi xa. Xin cầu mong vong linh ông nơi suối vàng luôn được yên bình, thanh thoát!

Thái Mỹ