Vinh danh “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Thứ năm, 21/02/2019 10:46

Ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc sở VH&TT TP Đà Nẵng trao bằng vinh danh “Lễ hội Cầu ngư tại TP Đà Nẵng” là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Sáng 20-2 (16 tháng Giêng), Lễ hội Cầu ngư Q. Thanh Khê (TP Đà Nẵng) diễn ra với các nghi lễ truyền thống và phần hội mang đậm bản sắc văn hóa cổ truyền của cư dân vùng biển. Lễ hội Cầu ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông–vị thần biển hộ mệnh của ngư dân. Lễ hội được tổ chức theo hình thức đăng cai luân phiên hằng năm giữa 3 phường Thanh Khê Đông; Thanh Khê Tây; Xuân Hà. Năm nay, phường Xuân Hà vinh dự là nơi đăng cai tổ chức lễ…

Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân, du khách, con cháu các tộc họ với trang phục áo dài truyền thống đến dự nghi lễ Tế cá Ông. Theo những bậc cao niên, lễ Tế cá Ông (lễ nghinh Ông) là một lễ cúng quan trọng thể hiện tấm lòng tôn kính thần linh, cầu xin các thần bảo hộ, che chở cho cả làng cá trong những lần đánh bắt xa khơi. Lễ Tế cá Ông thường được cúng ngoài bờ biển, sau đó mới rước vào bàn thờ lễ trung tâm. Đoàn người rước lễ với trang phục Tế lễ truyền thống bước đi chậm đều, hàng trước là đoàn cờ lễ kính cẩn rước hương linh Ông, nối  sau là đoàn chèo bả trạo và đoàn người rước lễ nghiêng bước nghinh Ông về với bàn thờ lễ. Kế đến là nghi thức dâng hương, thường được 3 bậc cao niên, đức cao vọng trọng đứng ra tế chính, trong đó người ở giữa là chánh bái (năm nay do ông Hồ Ngọc Tham chủ trì) và 2 cao niên ở hướng tả, hữu là bồi bái.  Bài văn tế được xướng lên thể hiện lòng thành tâm biết ơn của dân làng đối với công đức của cá Ông cũng như tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân.

Đoàn rước lễ nghinh Ông về với bàn thờ lễ trung tâm.

Sự kiện đặc biệt trong Lễ hội lần này là việc vinh danh “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ông Huỳnh Văn Hùng- Giám đốc sở VH-TT TP Đà Nẵng cho biết: “Việc Bộ VH-TT&DL đưa “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của Lễ hội, đồng thời thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu…đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa”.

Bên cạnh các nghi thức trang nghiêm của phần lễ, phần hội cũng được tổ chức trong không khí vui tươi, sôi nổi với các phần thi truyền thống thể hiện tài năng, sự dẻo dai, sức khỏe của bà con cư dân vùng biển như thi đan lưới, kéo co. Trước đó, từ ngày 16 đến 19 đã diễn ra các môn thi đấu Kabaddi, bóng đá bãi biển, thi vẽ tranh, thi ẩm thực, vật tay, đẩy gậy, hát bài chòi. Đặc biệt năm nay, Ban tổ chức tiếp tục tổ chức gian trưng bày mô hình, hình ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, gian hàng trưng bày các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản của cư dân địa phương, cùng với Đồn Biên phòng Phú Lộc trưng bày truyền thống của BĐBP Phú Lộc thời gian qua.

NGỌC QUỐC