Vinh danh những người gieo chữ vùng cao

Thứ năm, 21/04/2016 10:53

(Cadn.com.vn) - Hy sinh tuổi trẻ, những thầy cô giáo đã miệt mài “gùi chữ” lên non để trẻ em vùng cao có tương lai tươi sáng. Bên cạnh đó, nhiều trong số họ kết duyên với người đồng bào, giúp bà con miền ngược tiếp cận với những văn minh, xóa dần hủ tục... Hai trong số những giáo viên này vừa được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD-ĐT vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.

Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Huyên (giữa, hàng đầu) được vinh danh giáo viên cắm bản tiêu biểu
toàn quốc vừa qua tại Hà Nội.

Trong tổng số 64 giáo viên đang công tác tại các huyện nghèo trên cả nước được tuyên dương giáo viên cắm bản  tiêu biểu toàn quốc năm 2015 thì Quảng Nam có đến 3 người. 18 năm gieo chữ ở huyện nghèo Phước Sơn (Quảng Nam), thầy Lê Đình Thường (1977), công tác tại Trường Tiểu học - THCS Phước Thành, là một điển hình.

Sinh ra tại xã Bình Quý (H. Thăng Bình, Quảng Nam), nhưng ngay từ khi rời ghế nhà trường, thầy giáo Lê Đình Thường đã cống hiến toàn bộ tuổi trẻ cho vùng núi cao này. Thầy Thường chia sẻ: “Khi tốt nghiệp ngành sư phạm, có người quen giới thiệu mình lên đây dạy. Khi đó cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, đường đi chưa có, trường học là những mái nhà tranh dựng tạm. Trong đó khó khăn nhất là việc vận động các em đến lớp. Nhiều lúc mình từng có ý nghĩ rũ bỏ nơi này, nhưng rồi bấm bụng, dặn lòng khi nhìn những ánh mắt ngây thơ, trong sáng của những em nhỏ cắp sách đến trường với đôi chân trần, bộ áo quần mỏng manh giữa những ngày đông giá buốt... Thế là mình lấy lại tinh thần, tự nhủ sẽ góp phần nào đó giúp các em có được ngày mai tươi sáng hơn”.

Trong sự nghiệp trồng người nơi vùng cao này, thầy Thường sánh duyên nên nghĩa vợ chồng với một cô gái người Giẻ Triêng. Cả hai vượt qua nhiều rào cản, sức ép để đến với nhau và đã có được 2 mặt con. Vì vợ là người đồng bào nên trong công tác tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, thầy nói nhiều người nghe theo. Nếu như trước đây, khi đến hội làng hay trong gia đình có người đau ốm, người dân thường tổ chức đâm trâu, rất tốn kém. Nhận thấy điều đó, thầy Thường cùng vợ đã khuyên bà con xóa dần hủ tục. Đến nay, nơi thầy ở hầu như không xảy ra tiệc tùng đâm trâu hoặc học sinh bỏ học vì lễ hội.

Với những cống hiến cho sự nghiệp “gieo chữ” gần 20 năm, vừa qua thầy Thường được điều chuyển rời điểm trường thôn 3 (điểm xa nhất xã) để đảm nhận vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Phước Thành. “Cũng như những thầy cô công tác tại các trường điểm lẻ ở miền núi cao, điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng vì công việc, vì học sinh nên tạm gác lại ước muốn của bản thân để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục… Và nếu không có tình yêu thương học sinh, tận tâm với nghề thì tôi cũng như những thầy cô giáo khó có thể vượt qua khó khăn trong sự nghiệp trồng người”, thầy Thường chia sẻ.

Thầy giáo Lê Đình Thường ân cần chỉ dạy cho học sinh.

Cũng như thầy Thường, cô Nguyễn Thị Xuân Huyên (1974, quê Bình Tú, H. Thăng Bình, Quảng Nam), giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Tr’Hy, H. Tây Giang, có thâm niên 18 năm cắm bản gieo chữ, trong đó hơn 10 năm gần đây công tác tại xã Tr’Hy. “Khi tôi mới lên, vùng cao khu 7 này chưa có giáo viên nữ. Trong số 3 cô giáo “mở đường” lên dạy học ngày ấy chỉ còn mỗi tôi bám trụ. Để bám trụ và cống hiến cho giáo dục, ngay từ đầu tôi đã xác định dạy học ở núi thì lòng quyết tâm phải cao hơn núi”, cô Huyên quả quyết.

Với quyết tâm đó, để việc giảng dạy không nhàm chán, ngoài giờ đến lớp, cô Huyên còn sáng tác thơ thay cho những lời muốn nói. “…Tôi thầm mong ước/ Có sự đổi thay/ Cho các cô gái/ Cho chị cho bà/ Bớt đi trĩu nặng/ Đè trên đôi vai”. Bài thơ trên có tựa “Mong ước đổi thay” ra đời cách đây chừng 10 năm, dài nguyên một trang giấy. Cô Huyên kể, mục đích cô sáng tác bài thơ trên cốt “đánh” vào nhận thức của người chồng. Vì nơi vùng cao này, người phụ nữ phải gánh vác công việc gia đình gấp bội cánh mày râu. “Trong những cuộc họp thôn, bài thơ được tôi sao chép ra nhiều bản rồi đưa cho già làng đọc. Thông qua tiếng nói của già làng, đồng bào nghe theo nên hiệu ứng thấy rõ. Từ đấy, người ta thấy nhiều ông chồng mang gùi giúp vợ mỗi lần lên rẫy...”, cô Huyên chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô Huyên còn có những mô hình kinh tế đưa từ dưới xuôi lên áp dụng góp phần thay đổi đời sống đồng bào, như mô hình nuôi vịt xiêm, mô hình trồng gừng, nuôi heo nhốt chuồng, tuyên truyền bình đẳng giới… Qua những việc làm thiết thực trên, cô Huyên luôn được người dân địa phương tin yêu, kính mến.

B.B