Vĩnh Huế - một đời đắm say với nghệ thuật dân tộc

Thứ ba, 05/04/2016 09:11

(Cadn.com.vn) - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Vĩnh Huế-đạo diễn hát bộ, kịch hát bài chòi, quê xã Hương Phú, H.Hương Trà, tỉnh TT-Huế đã qua đời ở tuổi 86 vào lúc 1 giờ ngày 2-4-2016.  

 

NSƯT Vĩnh Huế sinh ra, lớn lên trong gia đình làm sân khấu hát bộ. Cha là nghệ sĩ Nguyễn Vĩnh Trung, mẹ là NSND Ngô Thị Liễu, anh là NSƯT Vĩnh Phô. Ở tuổi thiếu nhi, Vĩnh Huế là diễn viên trong đội hát bộ đồng ấu bên cạnh đoàn Tân Thành của NSND Nguyên Lai; được công chúng yêu quý trong các nhân vật Đổng Kim Lân, Đơn Hung Tín, Châu Du, Lã Bố... Giữa những năm 50, ông chuyển ra miền Bắc, ở trong đội ca múa nhạc, Vĩnh Huế, bắt đầu sáng tác múa, khai thác chất liệu từ múa dân tộc Việt và múa hát bộ. Cùng trong ban nghệ thuật của đoàn, Vĩnh Huế và Lâm Tô Lộc nghiên cứu, sáng tác múa, Trương Đình Quang, Văn Cận, Võ Bài, Trần Hồng lo phần âm nhạc, ca hát.

Tổ diễn viên múa với Đặng Hùng, Tạ Minh Đức, Kim Anh, Quỳnh Hoa, Hoàng Vân, Lê Văn Phớc, Phan Thị Dành. Từng bước nhờ sự chỉ bảo của các nghệ sĩ NSND Nguyễn Nho Túy, NSND Ngô Thị Liễu, NSND Nguyễn Lai, NSND Phạm Chương, NSƯT Văn Phước Khôi, Vĩnh Huế bắt đầu viết lý luận, làm hệ thống động tác hình thể và múa hát bộ. Năm 1957, vì sự phát triển từ kịch bài chòi lên kịch hát, những người làm nghệ thuật của ngành này thấy cần phải xây dựng phần động tác hình thể và múa cho kịch hát bài chòi. Vĩnh Huế nhận trách nhiệm khai thác, sử dụng và kết hợp hài hòa múa hát bộ và múa dân gian vào thể loại sân khấu trẻ tuổi này. Đầu năm 1968, ông tốt nghiệp đại học đạo diễn sân khấu, về đoàn ca kịch, là đạo diễn chính. Vẫn còn duyên nợ với hát bộ, Vĩnh Huế tiếp tục đeo đuổi phần múa động tác hình thể và gần 50 năm dành cả trí tuệ, tâm hồn và thể lực cho việc khai thác và phát triển môn nghệ thuật này.

Vừa dàn dựng, nghiên cứu, vừa thực nghiệm các điệu múa, diễn xuất sân khấu, ở các vở diễn về đề tài lịch sử, theo truyện cổ dân gian, sự đóng góp về nghệ thuật của Vĩnh Huế thật đáng trân trọng. Vĩnh Huế còn biên soạn giáo trình, giáo án, dạy hệ thống động tác và múa hình thể này cho học sinh và diễn viên, ứng dụng cho phần động tác hình thể của diễn viên kịch hát bài chòi. Từ hệ thống động tác hình thể và múa cổ điển này, giảng viên khoa múa dân tộc Việt Trường múa Việt Nam khai thác, thực nghiệm giảng dạy và ứng dụng vào sáng tác.

Đầu năm 1962, chuyên gia múa Triều Tiên Kim Tế Hoàn nghiên cứu và dạy hệ thống múa này cho lớp biên đạo múa của Cục tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Từ đây, với các đoàn ca múa nhạc nhân dân và quân đội, múa cổ điển trong nghệ thuật hát bộ được phát huy trên miền Bắc. Nhiều nhà biên đạo múa sử dụng chất liệu ngôn ngữ múa này vào tác phẩm của mình, đặc biệt thích hợp với tính chất bi tráng, hào hùng. Diễn viên- học sinh hát bộ của các đoàn ở Nam Bộ ra học thầy  Vĩnh Huế, nhận thức cái đẹp cái riêng của hệ thống múa này.

Sau tháng 5-1975, trên đất miền Trung có 4 đoàn kịch hát bài chòi. Nhưng, nhiều chỉ đạo nghệ thuật và đạo diễn (số đông là được mời từ nơi khác đến), đã lãng quên hoặc vì không có khả năng xử lý động tác hình thể và múa trong vở diễn (do đó, biến kịch hát bài chòi thành thể loại kịch nói pha ca bài chòi). Nhận biết tình hình này, Vĩnh Huế lo gìn giữ, chắt chiu cái vốn liếng nghệ thuật của người xưa.

Ông đã dàn dựng các vở diễn Nỗi đau hạnh phúc (đoàn kịch nói), Đôi mắt biên cương (đoàn ca kịch) Trưng Vương, Võ Ngụy Vương, Lộ Địch dâng gươm (đoàn hát bộ), Thái hậu Dương Vân Nga, Thủ Thiệm ở Chợ Được (Sân khấu nhỏ), vào miền Nam Trung Bộ, làm các vở diễn Dương Vân Nga (đoàn ca kịch Phú Khánh), Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga (đoàn ca kịch Thuận Hải); ra Huế, dạy và dựng cho đoàn hát múa truyền thống hai vở tuồng hát bộ: Cha con người hát rong, Tiếng hát trong phủ chúa. Tiếp nhận di sản về lối hóa trang, kẻ mặt hát bộ, của NSND Nguyễn Lai, Vĩnh Huế tiếp tục hoàn chỉnh công trình này, tích trữ trong kho tàng tài sản nghệ thuật của mình. Thật may mắn cho tác giả, tác phẩm Mặt tuồng nhân vật hát Bô được Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành năm 2008...  Công trình về động tác hình thể và múa hát bộ của Vĩnh Huế đã được xuất bản, làm tài liệu giảng dạy cho các trường múa và VHNT trong cả nước, giới thiệu ra nước ngoài...; để tham khảo ở các trại sáng tác múa, ứng dụng trong tác phẩm múa của các đoàn nghệ thuật...

Khi tuổi cao, bệnh huyết áp cao thường quấy rầy ông trong việc nghiên cứu, đạo diễn và dạy nghề hát bộ. Nhưng những khi sức khỏe cho phép, Vĩnh Huế lại  làm việc say mê, hết mình, tích cực tham gia giảng dạy đào tạo các lớp diễn viên Tuồng, dựng lại các vở Tuồng, Trích đoạn Tuồng mẫu mực cho Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. Vĩnh Huế hiền lành, giản dị, chân thật và thẳng thắn. Những người làm sân khấu hát bộ, kịch hát bài chòi và nghệ thuật múa nhớ tiếc NSƯT Vĩnh Huế, cầu mong ông yên nghỉ trên đỉnh bình yên!

Trương Đình Quang