Vĩnh Mẫn – người kết nối chiến sĩ tàu không số
(Cadn.com.vn) - 23-10 là ngày Kỷ niệm 54 năm ra đời Đoàn tàu không số, một kỳ tích vĩ đại trong vận tải chiến tranh của người Việt Nam. Theo tư liệu, từ tháng 10-1962 đến 4-1975, đoàn tàu không số đã vận chuyển chi viện cho miền Nam 55 ngàn tấn vũ khí, 50 xe tăng, xe bọc thép và pháo lớn, nhiều loại hàng hóa quân sự, đưa 18.741 cán bộ chiến sĩ vào chiến trường. Số vũ khí đó đã góp phần quan trọng tạo nên những trận thắng lớn như Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Ấp Bắc, Tổng tiến Công Mậu Thân... Trong lúc đó, 13 năm chinh chiến trên biển, chỉ có 117 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hơn 40 chiến sĩ bị địch bắt, sau đó được trao trả, 9 chuyến tàu và hàng ta tự nổ mìn phá hủy để xóa dấu vết, chỉ 2 tàu bị địch bắt, 100 lượt chuyến đi phải quay trở lại miền Bắc nhưng sau đó lại xuất phát... Qua những con số trên ta thấy thiệt hại của Đoàn tàu không số là rất nhỏ so với những hiệu quả đã làm được. Nhưng những con tàu không số là bí mật tuyệt đối không những trong chiến tranh mà cả trong hòa bình. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, giới truyền thông vẫn không biết rõ về thành tích những con tàu bí ẩn này, về những chiến sĩ gan góc, can trường trên những con tàu, các bến bãi không số. Cho đến hôm nay, sau 41 năm, việc giải quyết chế độ “đi B” cho những thủy thủ tàu không số vẫn còn đang tiếp diễn. Khi các cán bộ, chiến sĩ tàu không số ngày càng già đi, ước mong của họ là bao giờ mới được gặp lại đồng đội để cùng nhau ôn lại những chiến công âm thầm, những nguy nan một thời trên biển?
Đầu năm 1990, một số anh em Nam Bộ đã tự lập ra Ban liên lạc đoàn tàu không số do đại tá Nguyễn Hoàng Phát (nguyên Phó Chính ủy Lữ đoàn 125 nghỉ hưu ở Cần Thơ) làm trưởng ban. Nhưng tổ chức ấy không chính danh, mang tính địa phương, chỉ là để anh em thăm hỏi nhau. Rõ ràng phải có một tổ chức hậu chiến của tất cả những người hoạt động âm thầm dọc đường Hồ Chí Minh trên biển, từ Bắc chí Nam. Tuy nhiên cũng sau khi có tổ chức này, đội ngũ các CBCS tàu không số đã đề xuất lên Quân chủng, Bộ Quốc phòng và Trung ương. Và lần đầu tiên, ngày 23-1-2011, lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển được Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể. Nhưng ai là người đã mở chìa khóa việc này? Sau Ban liên lạc nội bộ đó, trong nhiều năm trời, anh em đã liên lạc với nhau qua thư từ và những chuyến đi gặp gỡ để cho Hội truyền thống đường Hồ Chí minh trên biển được thành lập. Quá trình tìm hiểu thực tế để viết cuốn ký sự “Cổ tích tàu không số” (NXB Hội Nhà văn, 2011), tôi nhận thấy, trong hội những người chí cốt như các anh Nguyễn Hoàng Phát, Hồ Đắc Thắng, Nguyễn Minh Quang, Huỳnh Húa, Hoàng Đình Kim... có một người đặc biệt làm công việc kết nối các chiến sĩ tàu không số, là ông Phan Thắng (tức Vĩnh Mẫn), nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 125 Hải quân, tức đơn vị đoàn tàu không số năm xưa, hiện đang sống ở Huế.
Ông Vĩnh Mẫn. |
Phan Thắng (Nguyễn Phước Vĩnh Mẫn) là người Hoàng tộc Nguyễn. Ông sinh năm 1931, là chắt nội của vua Hiệp Hòa, vị vua thứ 6 của Triều Nguyễn. Lý lịch ông vẫn ghi 2 tên Phan Thắng, do cách mạng đặt và Vĩnh Mẫn, tên khai sinh. Năm 1960, ông là trợ lý giáo dục của Sư đoàn 338 Nam Bộ do tướng Tô Ký làm tư lệnh kiêm Chính ủy. Ông từng giảng dạy ở Trường Lục quân, từng bồi dưỡng cho 40.000 cán bộ miền Nam những kiến thức chính trị, tư tưởng, dân vận... trước khi họ đi B. Ông còn dạy lớp chính trị viên tàu ngắn hạn ở Trường Sỹ quan Hải quân. Phan Thắng (Vĩnh Mẫn) được anh em ngưỡng mộ, tin tưởng. Ông thuộc lòng từng thuyền trưởng, từng con tàu không số. Ông hiểu tính nết của từng anh em Nam Bộ vì có thời ông là chính trị viên đại đội ở miền Đông Nam Bộ. Ông đã từng đi trên chiếc tàu không số do chính trị viên Đỗ Văn Sạn chỉ huy trong chuyến bí mật chở vũ khí vào Nam. Tàu 176 ấy đã đi đến ngoài khơi Trà Vinh và Bạc Liêu, bị địch phát hiện, cho tàu chiến và máy bay bám rất sát, nên Sở chỉ huy đã ra lệnh cho quay trở lại miền Bắc. Ông là người dẫn truyện cho tôi viết cuốn ký sự Cổ tích tàu không số (NXB Hội Nhà văn, 2011). Bằng hiểu biết chi tiết và sức phân tích lý giải thuyết phục của mình, ông đã cung cấp tư liệu cho rất nhiều nhà văn, nhà báo viết nên những tác phẩm văn chương báo chí, phim ảnh trong nhiều năm liền. Một lần, một đạo diễn phim của Đức muốn phỏng vấn lãnh đạo Lữ 125 về Đoàn tàu Không Số, lãnh đạo 125 đã điện vào nhờ ông Vĩnh Mẫn chuẩn bị nội dung... Nhờ đó đã làm sống dậy những chiến tích vĩ đại của đoàn tàu Không Số trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Ông Vĩnh Mẫn là người bôn ba kết nối để có được tổ chức Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển. Năm 2000, khi đã tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn lặn lội tàu xe ra Hải Phòng, vào Sài Gòn, xuống miền Tây Nam Bộ để bàn bạc thống nhất giữa các nhóm vận tải biển ở đồng bằng sông Cửu Long, giữa các cụm bến của D962, D371... gặp gỡ đại tá Ba Quang, đại tá Bảy Nhỏ, đại tá Nguyễn Đức Thắng, đại tá Ba Đẳng... để bàn về cách thức tổ chức Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển... Con cháu can ngăn vì lo sức khỏe cho ông nhưng vì tình yêu đồng đội, ông vẫn bươn bả lên đường. Năm 2006, ông lúc cúc khăn gói ra Hà Nội, Hải Phòng gặp gỡ anh em thuyền trưởng và thủy thủ gạo cội như Trần Văn Hữu, Nguyễn Hoàng Phát, Nguyễn Văn Lắm, một thời là Chính ủy Đoàn 125, tìm gặp anh hùng Hồ Đắc Thạnh, thuyền trưởng tàu không số từng ba lần đưa tàu vào bến Vũng Rô an toàn, ở Phú Yên, thư từ tâm huyết với anh. Mãi đến 8 năm sau, năm 2008, mới thành lập được Hội truyền thống... Ông Vĩnh Mẫn tâm sự: “Phải lập ra Hội để gắn kết anh em cựu chiến binh tàu không số cả nước, đưa anh em ra công khai, chứ từ năm 1975 đến giờ, chẳng mấy ai tỏ tường trong cuộc chiến tranh chống Mỹ có một đoàn tàu không số gan góc anh hùng đến vậy. Nếu không thành lập Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển anh em còn bơ vơ, thiệt thòi nhiều hơn nữa. Cho nên phải nói rằng có Hội, duy trì được hoạt động Hội, trợ giúp được lẫn nhau khiến chúng tôi thấy ấm áp hơn nhiều”. Ông luôn ủng hộ anh em “trẻ” là cựu chiến binh tàu không số như anh Đào Hồng Tuyển vào Ban chấp hành Hội, được anh em nể phục.
Năm nay, người kết nối Vĩnh Mẫn đã 85 tuổi vẫn hàng ngày dõi theo những hoạt động của Hội truyền thống Đoàn tàu Không Số. Ông đọc báo và cắt những tin tức, bài vở về đồng chí, đồng nghiệp, của Hội làm thành những cuốn album dày, rồi mỗi ngày lại giở ra đọc lại, ngắm và mỉm cười trong căn nhà bên Sông Hương thơ mộng...
Ngô Minh