Voi rừng liên tục "viếng" nhà dân

Thứ ba, 01/01/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân thuộc 2 xã Hương Điền, Hương Quang (H. Vũ Quang, Hà Tĩnh)  luôn phải sống trong cảnh sợ hãi khi bị đàn voi dữ từ 5-7 con “hạ sơn” oanh tạc. Người dân đã dùng nhiều biện pháp xua đuổi thì các “ông voi” này lại trút những cơn thịnh nộ lên hoa màu của dân.

SỐNG TRONG SỢ HÃI

2 xã Hương Điền, Hương Quang lâu nay như một địa chỉ quen thuộc của đàn voi dữ. Người dân không hiểu vì sao đàn voi xuất hiện. Còn  theo các cụ cao niên thì đàn voi này là của nghĩa quân Hương Khê do Phan Đình Phùng nuôi dưỡng để phục vụ nghĩa quân nay còn sót lại. Vì là voi của nghĩa quân nên chúng sống khá gần gũi, thân thuộc với nhân dân. Ban đầu cả đàn có khoảng 12 con nhưng mấy năm trở lại đây không hiểu sao chỉ còn từ 5-7 con và bỗng nhiên đàn voi giở chứng quậy phá. 10 năm trước, một voi con và voi mẹ xông xuống nhà dân, quật chết một người, tàn phá nhà cửa. 3 năm sau, một đàn voi hơn 10 con lại “hạ sơn” quậy nát khu nghĩa địa hàng chục mồ mả vừa xây xong. Tiếp đó nhiều lần voi kéo nhau về phá ngô, mía rồi đến rừng trồng của dân. Chỉ mới đây thôi, “không hẹn lại đến” trong vòng chưa đầy 1 tháng mà 5-6 lần đàn voi lại “hạ sơn” phá hơn 1ha đất trồng ngô, lạc... Mấy chục cột điện bị voi bẻ gãy vẫn nằm ngổn  ngang, hàng chục lán trại bị hất văng nằm vất vưởng ở các khe suối.

Những bãi phân voi còn mới là bằng chứng rõ ràng của một cuộc tàn phá. Dọc hai bên đường chi chít dấu chân voi với phân voi vương vãi. Chị Nguyễn Thị Phượng (một người dân ở xóm Kiều, xã Hương Điền) vẫn còn bàng hoàng kể lại: “Voi vào tận nhà, chồng đi vắng, tui chỉ kịp bế đứa con bỏ chạy còn đàn voi thì mặc nhiên tàn phá, bao nhiêu cây cối, hoa màu bị voi lấy hết. Không gì cản nổi chúng cả”. Hàng trăm hộ dân khác cũng đang sống trong tâm trạng hoang mang khi đêm đêm voi dữ “về” là giấc ngủ của  họ bị ngắt quãng, do phải ôm đồ chạy trốn. Người dân nơi khác nhiều khi lên đây cũng bị đàn voi “phục kích” giữa đường. Anh Nguyễn Văn Phong, một lái buôn quê Hương Sơn đã phải bỏ lại chiếc xe máy cùng mấy chục con gà cho voi đùa giỡn. Khi đó do mải mua gà về nhập ở thị trấn nên anh về hơi muộn, đến đoạn cua Hói Đôi thì gặp 3 chú voi xông ra. Quá hoảng hồn anh vứt xe bỏ chạy. Một lúc sau gọi người đốt đuốc quay lại thì chiếc xe Honda chỉ còn là đống sắt vụn, còn mấy chục con gà nhốt lồng sắt cũng bị dẫm nát bấy. Hai hôm sau, anh Nguyễn Văn Thạch (ở TT Vũ Quang) chở  trứng vịt lộn lên Hương Điền bán cũng phải “bỏ của chạy lấy người” vì bị đàn voi chặn đường.

Ngôi nhà và nương vườn của chị Phan Thị Loan bị voi tàn phá.

Nhiều nhà cửa của người dân mới đây bị các ông voi tàn phá nay vẫn nằm trơ trọi.

NỖI LO NGƯỜI VÀ VOI

Số lần voi ra bản ngày một nhiều hơn, song hành với việc tài sản, hoa màu bị tàn phá ngày một nhiều. Người dân bất lực, hoặc chống cự hết sức yếu ớt bằng các biện pháp thủ công như: đánh trống, đốt đuốc, dùng nồi niêu làm kẻng... nhưng các “ông voi” vẫn bình chân như vại. Voi thường về làng vào ban đêm nên việc đối phó hết sức khó khăn. Đàn voi dường như không sợ con người mà xem bản làng này như một “miền đất hứa” của mình để ra sức quậy phá. Có một điều chắc chắn là tình trạng này sẽ kéo dài không lâu, thời gian sống chung với voi rừng của người dân Hương Quang, Hương Điền cũng sắp hết bởi họ nằm trong diện quy hoạch lòng hồ của dự án thủy điện, thủy  lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang và chuẩn bị phải di dời. Tuy nhiên, còn ở đây ngày nào là người dân 2 xã nói trên còn phải lo đối phó với voi.

Hương Điền và Hương Quang là hai xã thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Vũ Quang nên việc sống chung với động vật rừng là điều không thể tránh khỏi. Vậy nguyên nhân vì sao những chú voi xưa nay được xem là loài động vật hiền và khá thân thiện với con người lại bỗng nhiên hung dữ như vậy? Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Nhiều người cho rằng do đàn voi thiếu muối ăn nên vào bản tìm muối; có người lại cho rằng do người dân địa phương đã xâm phạm quá nhiều vào môi trường sống của chúng nên đàn voi “nổi giận” đòi sự bình yên trong lãnh thổ của mình. Không biết đâu là nguyên nhân chính, chỉ biết rằng cả voi và người đang bị đe dọa. Voi cứ xuống tàn phá còn người dân luôn phải sống trong tư thế sẵn sàng đối phó với voi. Người dân vùng được voi “chiếu cố” đang rất mong các cấp, các ngành có giải pháp phòng chống để họ an tâm sinh hoạt, sản xuất.

Văn Tuân