Vốn sống chi phối nhiều đến văn hóa đọc
Trong những năm gần đây thuật ngữ "văn hóa đọc" đã trở nên phổ biến chứ không còn bó hẹp trong một thư viện, một nhà xuất bản hay chuyện bàn tròn của các nhà văn. Trên một phương diện nào đó, những cuộc giao lưu giữa nhà văn, tác giả những cuốn sách và độc giả trẻ tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường là đối tượng tiếp cận các lý thuyết và tác phẩm văn chương sẽ là một minh chứng để giúp chúng ta cảm nhận được phần nào văn hóa đọc của những người trẻ tuổi hôm nay. Đọc vốn là hoạt động tiếp nhận thông tin, tri thức từ nguồn tư liệu. Nhưng ở mức độ cao hơn đọc còn là sự rung động, hồ nghi, bức xúc, đồng cảm... trước những thực tế cuộc sống, quy luật tâm lý, các phạm trù thẩm mỹ, đạo đức.
Duy trì thói quen đọc sách cho học sinh tại thư viện nhà trường là việc làm cần thiết của các thầy cô giáo. |
Trong nhà trường phổ thông, bên cạnh việc cung cấp kiến thức chuẩn bằng các tài liệu sách giáo khoa, bài giảng, các thầy cô giáo còn khuyến khích các em đọc tham khảo các tài liệu bổ trợ và tổ chức ngoại khóa ngoài giờ giảng. Không ít nhà trường đã tổ chức cho học sinh được giao lưu với các nhà văn có tên tuổi, tiếp cận với văn học địa phương, hay tác giả của một cuốn sách đang được quan tâm. Tuy nhiên, khi bước vào các cuộc giao lưu ở rất nhiều trường cho thấy sự xuất hiện của các giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ có mục đích là giám sát về sĩ số. Đó có thể là một yêu cầu tất yếu của ngành giáo dục vì ngoài kiến thức còn cần sự uốn nắn, chấn chỉnh thường xuyên để các em có được tính kỷ luật. Tuy nhiên, điều đó còn xuất phát từ việc luôn có sự lệch pha, "vênh" giữa khách mời và độc giả. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Khách mời có độ tuổi khá chênh lệch với độc giả do vậy nên khó nắm bắt tâm lý và đưa ra cách thuyết trình chưa thực sự hợp lý. Do những bạn đọc trẻ ngồi trên ghế nhà trường còn quá ít trải nghiệm, vốn sống để cảm nhận, thấu hiểu trước những thực tế được các vị khách mời đề cập đến...
Có thể nói, từ những nguyên nhân khách quan như chương trình giáo dục còn mang nặng lý thuyết, đa phần các em được tiếp xúc các bài văn mẫu, các luận điểm mà khả năng đọc, cảm thụ, hay đơn giản hơn là thời gian đọc tác phẩm chưa được nhiều. Văn hóa đọc nhìn từ phía các độc giả trẻ tuổi cho chúng ta thấy những bất cập như thế. Cho dù, ở đâu đó vẫn xuất hiện những cây bút trẻ có sự am hiểu văn hóa, lịch sử, viết thành thạo ngôn ngữ tiếng Việt và trở thành nhà văn trẻ. Tuy nhiên, đó không hẳn là sự phản ánh đầy đủ nhất cho số đông các em học sinh đang gặp phải những khó khăn trong cách tiếp cận với sách, với tri thức và nhận thức về cuộc sống. Có lẽ, ở phương diện nào đó, văn hóa đọc sẽ chỉ có những biến chuyển từ những điều nhỏ nhất.
L.V