Vụ án “rúng động” tại Tây Nguyên (2)
* Kỳ cuối: Lời khai rúng động và chiếc thẻ nhớ “bí ẩn”
(Cadn.com.vn) - Bị khước từ đề nghị được cung cấp chiếc thẻ nhớ “bí ẩn” tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hằng (1961, trú xã Nam Dong, H. Cư Jút, tỉnh Đắc Nông) khẳng định dù có bị tuyên án chung thân hay tử hình thì cũng sẽ khai ra toàn bộ sự thật bị che đậy suốt thời gian qua.
Chuyện chưa từng thấy ở tòa
Sau nhiều lần hoãn xử, từ ngày 10 đến 13-10, TAND tỉnh Đắc Lắc đã đưa vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với bị cáo Nguyễn Thị Hằng ra xét xử sơ thẩm. Trước khi HĐXX tiến hành xét xử, bị cáo Hằng đã đề nghị được nhờ 3 LS của Đoàn Luật sư Đắc Lắc (có mặt tại tòa) bào chữa cho mình. Đồng thời, Hằng yêu cầu được đối chất công khai với những người được cho là có liên quan trong vụ án. Đặc biệt, bị cáo Hằng tha thiết đề nghị HĐXX cho cán bộ điều tra áp giải về trại giam để lấy một thẻ nhớ chứa đựng những chứng cứ quan trọng liên quan đến vụ án nhằm cung cấp tại phiên tòa.
Tuy nhiên, tất cả yêu cầu của bị cáo đều bị bác bỏ. HĐXX cho biết đã cho bị cáo thời gian 10 ngày nhưng bị cáo không cung cấp được những giấy tờ liên quan đến việc mời LS. Trong khi đó, bị cáo Hằng khẳng định vào ngày 29-9 đã tự tay viết 2 lá đơn gửi TAND, VKSND đề nghị mời LS bào chữa cho mình. Tuy vậy, HĐXX vẫn cương quyết bác yêu cầu mời LS bào chữa của bị cáo khi chưa làm rõ có hay không hai lá đơn (1 gửi TAND, 1 gửi VKSND) viết ngày 29-9. Về đề nghị áp giải đến trại giam lấy thẻ nhớ, đại diện VKSND tỉnh Đắc Lắc không đồng ý vì trong suốt quá trình điều tra, bị cáo không đưa ra được chứng cứ, bằng chứng nào.
Là một trong những LS tham gia bào chữa cho ông Triệu Đức Nhật, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS Hà Nội) khẳng định: “BLTTHS đã quy định bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ LS bào chữa cho mình trong bất kỳ giai đoạn tố tụng nào. Do đó, việc HĐXX không cho bị cáo nhờ người khác bào chữa là vi phạm luật tố tụng, tước quyền bào chữa của bị cáo. Chuyện này, tôi chưa từng thấy tại tòa”.
Bị cáo Hằng bật khóc tại tòa. |
Chiều cùng ngày, không chỉ HĐXX mà các LS tham gia bào chữa và những người có mặt ngỡ ngàng khi bị cáo Hằng phủ nhận tất cả vai trò của những người liên quan trong vụ án. Bị cáo khẳng định sau khi chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng của ông Nhật đã dùng cho việc tiêu xài cá nhân.
Sáng 11-10, sau một đêm về trại giam, bị cáo Hằng trở lại phiên tòa với hàng loạt lời khai chưa từng xuất hiện trước đó. Cả khán phòng vô cùng bất ngờ khi bị cáo Hằng cho biết, ông Lê Quang Loan - nguyên cán bộ VKSND tỉnh Đắc Nông chính là người hướng dẫn, dẫn dắt mình đến gặp 3 cán bộ tư pháp công tác tại H. Ea Kar để lo cho bà Phạm Thị Lán. Theo đó, bị cáo Hằng khai đưa cho ông Loan tổng cộng 109 triệu đồng để đưa cho 3 cán bộ tư pháp tại H. Ea Kar. Đồng thời, đưa cho ông Loan 30 triệu đồng để nhờ lo giảm thời hạn giáo dục cho 2 gái bán dâm. Cho đến khi nhận được thông tin vụ án của bà Lán chuẩn bị đưa ra xét xử lưu động, Hằng gọi điện thông báo cho ông Loan. Lúc này, ông Loan nói sẽ gọi điện cho người “có thẩm quyền” để hoãn phiên tòa và lo bệnh án cho bà Lán. Trước ngày xét xử lưu động, Hằng cùng ông Loan, một người bạn của Hằng là Phạm Thị Bình đưa bà Lán đến Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để khám bệnh tim. Việc này, Hằng phải chi 3,5 triệu đồng để làm giả bệnh án.
Phủ nhận lời khai của bị cáo Hằng, ông Loan khẳng định không cùng bị cáo đưa bà Lán đi cấp cứu bệnh tim. Thế nhưng, tại phiên tòa, bà Lán khẳng định lời khai của bị cáo Hằng là chính xác. Trước ngày xử lưu động, bà không hề bị bệnh tim nhưng vẫn được ông Loan, Hằng và người bạn của Hằng dẫn đi khám bệnh tim.
Bị cáo nhận tội thay cho nhiều người?
Trước lời khai bất ngờ của bị cáo trong ngày xét xử thứ 2 và tại một số biên bản lời khai trước đó, HĐXX đã đặt ra không ít câu hỏi về nguyên nhân. Không một chút đắn đo, bị cáo Hằng phân trần: “Bị cáo đang chấp hành 2 bản án tổng hình phạt 29 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, bị cáo nghĩ có nhận tội thì tổng hình phạt tối đa chỉ 30 năm tù cho 3 bản án. Không chỉ thế, có lần ông Loan vào trại giam khóc và nói với bị cáo: Cơ quan điều tra, VKSND Tối cao đã làm việc với anh rồi và sẽ làm việc với em. Tất cả, em đừng khai anh mà khai Trường, Đảm thôi. Em cứ nhận hết tội đi, đừng cãi lại với tòa. Tài sản, con cái của em bên ngoài, anh lo hết rồi. Anh đã lo giấy tờ để trả nợ cho em rồi. Anh sẽ lo cho vợ chồng em ở trong tù. Do vậy, bị cáo tặc lưỡi nhận hết tội lỗi thay cho mọi người và chịu tiếng oan lừa đảo bao nhiêu năm nay”.
“Hội đồng 5” tranh luận về những khuất tất đằng sau tội danh của bị cáo. |
Nói đến đây, bị cáo Hằng bật khóc: “Cho đến hôm nay, họ không chỉ không thực hiện lời hứa mà còn phũ phàng đổ hết tội lỗi cho bị cáo. Bị cáo phạm tội là có sự giúp sức của ông Loan. Vậy mà tất cả lời khai của bị cáo tại phiên tòa không được lưu tâm, coi trọng. Bị cáo có bằng chứng để chứng minh cho những điều mình nói nhưng trước đây không cung cấp cho CQĐT vì trong thẻ nhớ này có những cuộc làm tình của bị cáo và ông Loan. Xuất phát từ điều nói trên, bị cáo cảm thấy mình không còn gì để mất, không thể im lặng được nữa và việc gì phải chịu tội một mình. Vụ án rất bé, chỉ với số tiền 200 triệu đồng nhưng bị cáo cho rằng tính chất nghiêm trọng là rất lớn. Vì thế, hôm nay dù có chết, bị cáo cũng muốn khai ra toàn bộ sự thật. Cho dù có bị chung thân hay tử hình thì bị cáo vẫn cho đây là vụ chạy án chứ không phải lừa đảo như bản cáo trạng của VKSND. Bị cáo đề nghị HĐXX hủy bỏ và chuyển hồ sơ vụ án lên VKSND, TAND Tối cao với tội danh “Môi giới, đưa và nhận hối lộ”.
Cũng tại tòa, bị cáo Hằng hé lộ, từ năm 1990 đến trước khi bị bắt, bị cáo đã cùng ông Loan chạy án cho nhiều người. Bị cáo khẳng định đang giữ một thẻ nhớ ghi lại quá trình làm ăn với ông Loan từ năm 2009 đến đầu năm 2012 về việc chạy án, xin việc. Lúc này, ông Loan vẫn tiếp tục phủ nhận lời khai của bị cáo và khẳng định mình hoàn toàn trong sạch. Đại diện VKSND cũng khẳng định, lời khai của bị cáo không có cơ sở nên Bản cáo trạng 36/KSĐT-HS của VKSND tỉnh Đắc Lắc truy tố bị cáo Hằng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ.
Điều khiến những người có mặt tại phiên tòa ngạc nhiên hơn nữa là 5 LS đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam tham gia bào chữa cho ông Nhật nhưng tất cả phân tích, phản biện đều tranh luận gay gắt về những khuất tất đằng sau tội danh của bị cáo. LS Quynh cho hay: “Bị cáo kêu oan là có cơ sở. Bởi một mình bị cáo không thể lừa đảo được. Đáng buồn hơn, tại phiên tòa, bị cáo đã nhiều lần đề nghị cung cấp thêm chứng cứ nhưng không được HĐXX chấp nhận. Vai trò của ông Loan trong vụ án - môi giới đưa hối lộ trong vụ án đã quá rõ nhưng cũng không được VKSND nhắc đến. Tôi cho rằng vụ án này có dấu hiệu làm sai lệch vụ án. Câu hỏi đặt ra là có hay không việc “che đậy” làm cho bị cáo đã oan lại càng oan thêm? Với tâm thế là LS có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ lẽ phải, chúng tôi không thể đành lòng khi sự thật, “tảng băng chìm” của vụ án chưa được làm rõ”.
LS Phạm Công Út - Đoàn LS TPHCM khẳng định: “Bị cáo đã nhiều lần xin được đối chất lời khai với những người bị cáo đã gặp gỡ, nhờ cậy, đưa tiền nhưng trong suốt quá trình điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng không hề cho bị cáo đối chất với bất kỳ ai. Đại diện VKSND cũng không căn cứ vào toàn bộ các hồ sơ tài liệu là chứng cứ mà chỉ sử dụng phần hồ sơ tài liệu của giai đoạn sau - giai đoạn điều tra của CA tỉnh Đắc Lắc, không sử dụng các chứng cứ tài liệu của CQĐT VKSND Tối cao là không khách quan, toàn diện và đầy đủ”.
Sau 4 ngày xét xử vô cùng gay cấn và căng thẳng, sáng 13-10, những người có mặt tại phiên tòa đã thở phào nhẹ nhõm khi HĐXX xét trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT CA tỉnh điều tra bổ sung. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng tiếp tục theo dõi và chuyển đến bạn đọc những thông tin mới nhất về vụ án này trong thời gian tới.
Thơ Trịnh