Vụ bơm tạp chất lạ vào tôm sú ở TT-Huế: Người tiêu dùng lo lắng

Thứ ba, 28/07/2015 13:14

* Thị trường tiêu thụ gồm: TT-Huế, Nghệ An và Thanh Hóa

* Cả 2 cơ sở đều chưa có giấy chứng nhận ATVSTP

(Cadn.com.vn) - Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã đưa tin, ngày 25-7, lực lượng phòng chống tội phạm môi trường thuộc Phòng CSPCTP về Môi trường (CSPCTPVMT) CA tỉnh TT-Huế liên tiếp đột kích 2 cơ sở kinh doanh thủy sản (KDTS), bắt quả tang một số người đang dùng kim tiêm bơm tạp chất lạ vào tôm sú trước khi bán cho khách hàng. Tại hiện trường, lực lượng CA đã thu giữ 150kg tôm sú đã chết, 202kg tạp chất và 80 kim tiêm. Điều đáng nói, số tôm sú bơm tạp chất này không chỉ được tiêu thụ ở TT-Huế mà còn được đem bán tại TP Vinh (Nghệ An) và Thanh Hóa.

Tạp chất lạ là bột Agar

2 cơ sở KDTS bơm tạp chất vào tôm sú vừa bị lực lượng CA phát hiện là cơ sở Thân Huệ (địa chỉ 268-Kinh Dương Vương) do ông Lê Văn Thân (47 tuổi) làm chủ và cơ sở Hồng Dung (địa chỉ 169 Kinh Dương Vương, đều thuộc TT Thuận An, H. Phú Vang, TT-Huế) do ông Võ Mạnh Hùng (45 tuổi) làm chủ.

Lực lượng CSMT bắt quả tang hành vi bơm tạp chất vào tôm sú.

Ngay sau khi các cơ quan báo chí thông tin, sáng 27-7, có mặt tại một số chợ lớn như: Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu, chợ Cống… (TP Huế), nhiều chị em nội trợ đến chợ đều bàn tán chuyện tôm sú bị bơm tạp chất lạ. Một số người tỏ ra hoang mang và không biết nguồn tôm đó chỉ chuyên được cung cấp cho các tiệc cưới ở những nhà hàng hay vẫn bày bán tràn lan trên thị trường. Nhiều tiểu thương bán mặt hàng tôm sạch thấp thỏm vì sợ khách hàng nghi ngờ, rồi "quay lưng". Bà Nguyễn Thị H. (58 tuổi, trú TP Huế) giọng lo lắng: "Bố tôi là người có bệnh nên ngày nào trong bữa ăn cũng phải có món tôm, nhưng sáng sớm nay nghe người cháu gọi điện đến nói bữa nay dì mua tôm phải chọn lựa cẩn thận, coi chừng tôm bơm tạp chất đó... Chúng tôi rất mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ tạp chất lạ trong tôm là gì. Và, đề nghị cơ quan chức năng xử lý mạnh tay đối với những người làm ăn gian dối".

Trước việc dư luận quan tâm đến tôm sú được bơm tạp chất lạ lần đầu tiên được phát hiện ở địa bàn TT-Huế, sáng 27-7, trao đổi với P.V, Đại tá Nguyễn Thành Luân- Trưởng Phòng CSĐTTPVMT CA tỉnh TT-Huế cho biết, qua đấu tranh khai thác, bước đầu 2 chủ sở KDTS thừa nhận, có bơm bột Arga thạch rau câu hòa với nước vào tôm. Với lời khai này và qua khám nghiệm hiện trường cùng những tang vật thu được tại 2 cơ sở nói trên có sự trùng khớp nên bước đầu cơ quan CA xác định tạp chất được bơm vào tôm sú là chính là bột Agar thạch rau câu và nước sạch. Tuy vậy, lực lượng CSPCTPVMT CA TT-Huế đã niêm phong toàn bộ tang vật và gửi mẫu phân tích kiểm nghiệm thực phẩm để tiếp tục điều tra, xử lý.

Nói về động cơ các đối tượng bơm bột Agar vào tôm sú, một cán bộ Phòng CSĐTTPVMT CA TT-Huế khẳng định, việc dùng kim tiêm bơm bột Agar vào từng con tôm nhằm tăng trọng lượng. Từng con tôm sau khi được bơm bột thân sẽ to ra, 1 kg tôm sau khi bơm bột vào sẽ thành 1,2 - 1,3kg. Ngoài ra, cỡ tôm sẽ được nâng lên, ví dụ từ loại 40 con/kg, sau khi bơm sẽ chỉ còn 30-32 con/kg hay loại 30 con/kg khi được bơm bột vào chỉ còn từ 21- 23 con/kg. Với 1 kg tôm mà có số lượng con ít thì giá sẽ cao hơn 1 kg tôm có số lượng con nhiều hơn. Theo tính toán ban đầu, với phương thức bơm bột Agar vào tôm sú, các chủ cơ sở thu lợi bất chính từ 70-90 ngàn đồng/kg.

Các xô bột Agar hòa vào nước được sử dụng để bơm vào tôm sú được cơ quan CA thu giữ.

Nhận diện tôm sú bơm tạp chất

Theo kết quả điều tra ban đầu, 2 cơ sở kinh doanh này hoạt động từ năm 2012 đến nay, thường xuyên nhập khẩu tôm sú chết, rồi bơm bột Agar vào tôm nhằm mục đích tăng trọng để bán cho các nhà hàng chuyên tổ chức tiệc cưới trên địa bàn tỉnh TT-Huế nhằm thu lợi bất chính. Ngoài ra, 2 cơ sở trên còn cung cấp một lượng tôm cho chợ Đầu Mối (Huế) và xuất ra thị trường Nghệ An, Thanh Hóa. Theo cơ quan điều tra, bước đầu, các chủ cơ sở nói trên khai nhận, trung bình mỗi ngày, họ bơm bột Agar vào khoảng 50-100 kg tôm và cũng tùy thuộc vào từng ngày do lượng đặt hàng. Điều đáng nói, tại thời điểm kiểm tra, cả cơ sở KDTS Thân Huệ và Hồng Dung đều không có giấy chứng nhận đăng ký ATVSTP.

Một nhân viên nấu ăn ở một nhà hàng tiệc cưới chuyên lấy tôm ở cơ sở KDTS Hồng Dung khi nghe tin tôm sú được bơm bột Agar vào để tăng trọng lượng rất bức xúc, nói: "Dù đã theo nghề nấu ăn gần chục năm nay nhưng tôi vẫn không tin được một chủ cơ sở làm ăn lớn như thế lại đi bơm bột vào tôm sú".  Theo tìm hiểu, khá nhiều nhà hàng, trong đó có cả những nhà hàng chuyên tổ chức tiệc cưới có thương hiệu trên địa bàn TT-Huế đã thường xuyên lấy tôm ở cơ sở KDTS Thân Huệ và Hồng Dung, vì họ cho rằng đó là vùng tập trung vựa tôm nên cứ chủ quan tôm lúc nào cũng tươi. "Mình phục vụ đám cưới cả đời, chứ có phải làm ăn một lần là chấm dứt mô. Vì rứa, ai cũng muốn mua con tôm ngon để dọn cho khách. Khách ăn ngon mới kể từ người này qua người khác. Ai ngờ, các cơ sở KDTS lại làm ăn kiểu gian dối rứa…", nhân viên này chia sẻ.

Một giảng viên ở Trường ĐH Nông Lâm Huế cho biết, bột Agar còn được gọi là bột thạch rau câu (loại bột dùng để làm thạch rau câu). Nếu bơm bột thì chỉ có loại tôm sú mới bơm được. Nếu pha loại bột này vào nước, sau đó tiêm vào tôm sẽ làm cho tôm tăng thêm trọng lượng, trung bình mỗi ki-lô-gam tôm sẽ tăng lên được từ 2 - 3 lạng. Tùy vào các tạp chất có trong nước và bột Agar mà gây nên các bệnh truyền nhiễm khác nhau. Riêng bột Agar không gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng mà chỉ làm tăng trọng lượng tôm.

Cũng theo giảng viên này, nếu chưa bị tiêm bột Agar, con tôm sẽ rất mềm, thân hình cong tự nhiên. Đối với loại tôm đã tiêm tạp chất, thân tôm căng phồng, mọng nước, mang rất cứng, các đốt trên thân tôm bị giãn ra. Bên cạnh đó, đối với loại tôm đã bị tiêm tạp chất, khi nấu lên thường chảy ra nhiều nước, thịt tôm bị teo lại, ăn có cảm giác bị nhạt, thịt bở hơn tôm bình thường. Nếu là tôm bơm thạch rau câu khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra thường phát hiện có lớp rau câu bám vào. Về màu sắc, gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch. Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi, đầu và thân nhanh chóng rời nhau…

Hải Lan