Vụ "Đánh chết khách vì chê nước mía đắt": Hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu
(Cadn.com.vn) - Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, đầu tháng 8-2015, TAND Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) đã xét xử vụ án "Cố ý gây thương tích" và tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Thành Trường (1983, trú K552/2 Điện Biên Phủ, Đà Nẵng) 11 năm tù, Ngô Hà Công Lý (1993) 11 năm tù và Phan Minh Tuấn (1990, cùng trú P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê) 10 năm tù. Sau khi án được tuyên, gia đình bị hại có đơn kháng cáo, không thống nhất với tội danh "Cố ý gây thương tích" mà tòa cấp sơ thẩm truy tố, xét xử đối với các bị cáo...
Vụ án được TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử, tại tòa mặc dù các bị cáo Trường, Lý, Tuấn đều cho rằng chỉ đánh dằn mặt chứ không mong muốn làm cho người bị hại tử vong nhưng qua lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, lời khai của người làm chứng cùng với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án lại thể hiện điều ngược lại. Theo đó, tối 17-8-2014, mặc dù có nói qua nói lại về giá cả nước mía nhưng nhóm của anh Phan Thành Luân vẫn trả đủ tiền nước mía cho vợ chồng Trường rồi đi về. Tuy nhiên, Trường, Tuấn và Lý đã đuổi theo đánh anh Luân chết tại hiện trường.
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, hành vi trên của các bị cáo là hết sức nguy hiểm, việc các bị cáo liên tiếp sử dụng mũ bảo hiểm đánh nhiều cái vào đầu là vùng xung yếu của cơ thể người bị hại rồi dùng xe máy tông vào người bị hại làm người bị hại ngã xuống đường, sau đó tiếp tục đá vào mặt, đạp vào đầu người bị hại làm người bị hại chết tại chỗ là có dấu hiệu phạm tội "Giết người". Cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo Trường, Tuấn và Lý về tội "Cố ý gây thương tích" là không chính xác, không đúng với tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo. Việc đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo cho rằng hành vi của các bị cáo phạm tội "Giết người" là có cơ sở. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của đại diện VKSND tại phiên tòa.
Cấp phúc thẩm nhận định hành vi của các bị cáo có dấu hiệu phạm tội "Giết người". |
Mặt khác, trong quá trình giám định tử thi người bị hại, cơ quan giám định pháp y đã tiến hành mở hộp sọ để giám định nhưng lại không có bản ảnh trong hồ sơ vụ án; trong quá trình xảy ra vụ án có người làm chứng, lời khai của họ là hết sức quan trọng nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại không đưa và không triệu tập người làm chứng vào tham gia tố tụng tại phiên tòa... Một trong những vấn đề HĐXX cấp phúc thẩm đề nghị cần làm rõ ở đây đó là phần dân sự, đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu bồi thường tổng cộng 147 triệu đồng và các bị cáo đều thống nhất mức yêu cầu bồi thường này nhưng án sơ thẩm lại chỉ chấp nhận khoản tiền tổn thất về tinh thần 46 triệu đồng (tương đương 40 tháng lương tối thiểu). Về vấn đề này, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng không đúng vì nó trái với thỏa thuận của các bên.
Do quá trình điều tra, truy tố, xét xử có những sai sót nghiêm trọng nói trên, HĐXX cấp phúc thẩm không thể bổ sung tại phiên tòa nên HĐXX chấp nhận đề nghị của đại diện VKSND, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giao hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử lại theo trình tự thủ tục chung.
Trang Trần