Vụ dưa hấu… đắng!

Thứ sáu, 04/08/2017 11:38

Với nông dân “ốc đảo” Trường Định (xã Hòa Liên, H. Hòa Vang, Đà Nẵng), vụ dưa hấu Hè-Thu năm nay thật... đắng! Bà Nguyễn Thị Thục nói như khóc: “Chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch đợt 1, nhưng hết ảnh hưởng bão số 2 lại đến áp thấp ở biển Đông nên mưa kéo dài, tất cả các ruộng dưa trong thôn đều bị sũng nước. Bà con đổ xô ra đồng ứng cứu. Người be bờ tát nước, người đặt máy bơm cả ngày cả đêm mà vẫn không sao cứu được. Nhìn các quả dưa căng tròn chưa đến ngày thu hoạch nổi lềnh bềnh trong nước, người nào người nấy nẫu cả ruột gan”. Anh Mai Phước Thành, chủ ruộng dưa kề bên than thở: “Cả nhà tôi từ hôm qua đến giờ vật lộn với bùn đất xem còn nhặt được quả nào hay quả nấy. Mưa lớn quá nên dưa thối hết, giờ nhặt về cũng chỉ cho lợn gà ăn chứ không bán được nữa. Gần 10 triệu đồng vốn liếng dồn hết vào 5 sào dưa, giờ không biết phải xoay xở như thế nào để đầu tư sản xuất vụ sau”. Quệt vội lớp mồ hôi trên trán, anh Thành cho biết thêm, những người đang canh tác trên ruộng dưa đều là những người có thâm niên trong nghề, nhưng do nhiều năm trước giá dưa bấp bênh cộng thêm khí hậu thất thường, nên có người bỏ nghề đi làm việc khác, nay mới quay trở lại... “Trồng dưa hấu là vất vả nhất trong nghề trồng các loại cây rau màu, ăn quả. Trồng dưa hấu đòi hỏi cao về điều kiện đất, khí hậu, kỹ thuật. Ông bà ta thường nói “trời nắng tốt dưa”, mỗi năm một vụ và chỉ trồng vào mùa khô, nếu chẳng may vừa xuống giống mà gặp phải trời mưa là coi như bỏ vụ, bởi mưa trong giai đoạn này sẽ làm cây bị thối rễ không sinh trưởng được; còn nếu mưa vào giai đoạn quả phát triển gặp mưa dầm, nước đọng thì chỉ cần một đêm là dưa “nổ” trắng ruộng, bao nhiêu công sức bỏ ra trở thành công cốc”, bà Thục đúc kết.

 Dưa bị thối rữa nên các chòi “tạm” bảo quản dưa cũng vắng bóng người. 

Hơn 1 tháng nay kể từ ngày xuống giống, hầu như đàn ông trong làng chỉ quanh quẩn ngoài ruộng dưa, còn các việc đồng áng khác giao cho vợ con. Gần 10 năm theo nghề, ông Lê Tấn Thanh đã thành thạo các kỹ thuật chăm sóc dưa. Công đoạn nào, ông cũng nhẹ nhàng, cẩn thận chăm chút dưa như chăm sóc con mọn. Đặc biệt là công đoạn sau chọn trái, sâu rầy rất nhiều, lơ là một tí là hỏng liền, trái nào bị sâu tạo vết coi như bỏ. Cho nên trời nắng mấy cũng phải ra đồng. Một buổi không tưới nước, ruộng dưa sẽ ủ rũ ngay. Trồng dưa phải túc trực ròng rã chờ đến ngày thu hoạch. Rồi phải dựng chòi “tạm” bảo quản ruộng dưa, đề phòng trẻ con nghịch phá. Vì vậy, nhà nào có nhiều lao động mới dám canh tác dưa. “Mấy ngày nay cả nhà tôi ai cũng buồn rũ rượi, chỉ biết im lặng nhìn nhau”, ông Thanh thẫn thờ nói.

Còn nhớ đầu tháng 8-2016, khi được trưởng thôn Trường Định Võ Văn Thành đưa đi tham quan các ruộng dưa, chúng tôi đã phấn khích nhìn các ruộng dưa đầy ắp người đang hối hả thu hoạch quả, nhọc nhằn chuyển từng gánh dưa lên đường để thương lái từ các nơi kịp đến thu mua. Lúc đó, dưa “được mùa, được giá” nên nhiều người hớn hở khoe, ở Trường Định hiện nay không chỉ có mỗi mô hình kinh tế nuôi tôm nước lợ, mà những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng của thôn cũng khá mạnh. Đặc biệt là cây dưa hấu được người dân nơi đây lựa chọn và trồng khá nhiều, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi so với cây lúa thì trồng dưa bà con có thể tận dụng được diện tích đất không chủ động được nguồn nước, đất bãi và thời gian từ khi trồng đến thu hoạch chỉ khoảng 50 ngày. Bên cạnh đó, các ban ngành liên quan còn đầu tư nguồn điện, kéo ra tận bãi nên người trồng dưa phấn khởi lắm. Cho nên, phần lớn đất ruộng sản xuất lúa vụ Đông-Xuân ở 2 cánh đồng Phường, Cạn đến vụ Hè-Thu được chuyển sang trồng dưa. So với trồng lúa thì trồng dưa tăng thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng/sào.

Nông dân thôn Trường Định thẫn thờ nhặt từng quả dưa về làm thức ăn cho lợn gà.

Có mặt ở thôn Trường Định vào sáng 1-8, chúng tôi ghi nhận, toàn bộ 24ha canh tác dưa hấu Hắc mỹ nhân theo tiêu chuẩn VietGAP của 97 hộ dân nơi đây hầu hết đều bị hư hại, lá rũ xuống bê bết bùn đất. Hàng ngàn quả dưa chưa đến ngày thu hoạch nằm trơ trọi trên nền đất mốc trắng theo từng ngày, nhiều quả non bị thối rữa chuyển sang màu vàng úa... Với thực trạng này, chắc chắn người dân không thể khôi phục lại được các ruộng dưa.

VY HẬU