Vụ đường dây lừa đảo công nghệ cao, chiếm đoạt trên trăm tỷ đồng: Hơn 500 trường hợp bị lừa đảo đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra

Thứ sáu, 26/06/2020 16:24

Ngày 25-6, Phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế cho biết, đến nay CQĐT đã tiếp nhận hơn 500 bị hại (chủ yếu là nhân viên bán hàng online) ở nhiều địa phương như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Nghệ An… có đơn gửi đến cơ quan CA tố cáo về hành vi lừa mua hàng qua mạng để chiếm đoạt tiền.

Cơ quan điều tra đọc lệnh khám xét nơi ở của Lê Anh Tuấn. 

Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, Phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế vừa phối hợp với Phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ CA triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet với số tiền gần 120 tỷ đồng. Đối tượng cầm đầu đường dây này là Lê Anh Tuấn (1989, trú tỉnh Quảng Trị), một cử nhân ngành công nghệ thông tin. Để thực hiện hành vi phạm tội, Tuấn câu kết với Nguyễn Tuấn Dũng (1994, trú H. Đức Thọ, Hà Tĩnh) và Nguyễn Ngọc Thành (1989, trú tỉnh Quảng Trị) thuê trọ tại nhà số 29/48- Ngự Bình (P. An Cựu, TP Huế) để hoạt động.

Theo cơ quan điều tra, Tuấn phân công nhiệm vụ cho Dũng, Thành chịu trách nhiệm lập nhiều Facebook ảo rồi tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm thông tin của những người bán hàng online, nhắn tin trò chuyện mua hàng và rút tiền. Riêng Lê Anh Tuấn, với trình độ công nghệ thông tin đã học, đối tượng trực tiếp thiết kế, tạo ra nhiều website giả mạo ngân hàng, website giả mạo dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam như http://www.westers-unions.com/un... Để vận hành đường dây này, sau khi tìm kiếm được “con mồi”, các đối tượng sẽ chủ động đề nghị thanh toán trước qua ngân hàng với lý do đang ở nước ngoài nên phải chuyển tiền qua các dịch vụ trung gian như: MoneyGram hay Western Union...

“Bộ ba” chiếm đoạt gần 120 tỷ đồng của hàng trăm bị hại trên toàn quốc.

Sau khi đọc báo thấy phương thức, thủ đoạn của băng nhóm lừa đảo công nghệ cao do Lê Anh Tuấn cầm đầu, chị T.T.T.N (22 tuổi, trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng)- nhân viên bán hàng nội thất cho biết, chị bị một đối tượng sử dụng tài khoản Facebook “lylyphuong” nói là Việt kiều đang ở nước ngoài, muốn mua hàng online là 26 ghế xoay văn phòng. Sau đó, đối tượng cung cấp địa chỉ giao hàng là 151/15- Tản Đà (Đà Nẵng) với số lượng hàng hóa có giá trị 15,6 triệu đồng. Đồng thời, đối tượng nói muốn chuyển tiền trước khi nhận hàng thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union. Tiếp đó, người mua hàng gửi đường link dịch vụ chuyển tiền quốc tế, yêu cầu chị N. nhập vào đường link, làm theo hướng dẫn để nhận tiền. Sau đó, có một tin nhắn gửi đến chị N. yêu cầu cung cấp mã OTP. Chị N. đã nhắn số tài khoản Vietcombak của mình (trong tài khoản chỉ có 3.024 VND) nên nói ngân hàng báo lỗi, không chuyển được. Lúc đó, chị N. xin số tài khoản của bạn mở tại Agribank và cung cấp cho người mua hàng. Một lúc sau, tài khoản của người bạn báo bị trừ hơn 27 triệu đồng.

Tương tự, anh Đ.D.C (trú H. Sơn Tịnh, Quảng Ngãi; nhân viên bán hàng online) đã gửi đơn trình báo đến CA bị các đối tượng lừa mua hàng, chiếm đoạt tiền. Theo tường trình của anh C., ngày 23-5-2020, có một tài khoản Zalo “Đường Bảo Linh” gửi tin nhắn cho anh muốn mua 1 bộ máy lạnh với giá 6 triệu đồng. Người này nói là Việt kiều Mỹ nên mua để tặng bạn gái và đồng thời cung cấp 1 địa chỉ để anh C. giao hàng. Sau đó, có một tin nhắn báo tài khoản anh C. được cộng thêm 6 triệu đồng nhưng yêu cầu anh C. điền các thông tin, cung cấp mã OTP. Khi anh C. làm theo các yêu cầu này thì tài khoản của anh báo về bị trừ 25 triệu đồng. Cũng với thủ đoạn tương tự, anh Đ.Đ.Th (trú TP Phan Thiết, Bình Thuận) cho biết, có một tài khoản Zalo “Đường Bảo Linh” nhắn cho anh muốn mua 1 tivi 43 inches màn hình phẳng để tặng cho bạn và tài khoản của anh Th. cũng đã “bốc hơi” hàng chục triệu đồng sau khi làm theo yêu cầu của các tin nhắn gửi về cho anh.

Hàng trăm đơn thư tố giác của những người bán hàng online gửi về cơ quan CA. 

Đại úy Lưu Thanh Tùng cho biết, để tránh sự phát hiện, theo dõi của lực lượng chức năng; thời gian gần đây, các đối tượng liên tục thay đổi địa điểm, chỗ ở: từ Huế vào Đà Nẵng, từ Đà Nẵng ra Quảng Trị, rồi di chuyển đến nhiều tỉnh, thành phố ở miền Trung. Theo thông tin mới nhất từ cơ quan CA, với thủ đoạn tương tự như trên, CA vừa đấu tranh làm rõ, có 1 bị hại (trú TP Hồ Chí Minh) đã bị nhóm đối tượng này chiếm đoạt số tiền lên đến 3 tỷ đồng.

Qua vụ án lừa đảo công nghệ cao quy mô lớn này, cơ quan CA khuyến cáo, người mua bán hàng online cần cẩn trọng hơn trong công việc. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP và đặc biệt không nhấp vào các đường link do người mua chuyển đến... Ngoài ra, có trường hợp, nhiều nạn nhân cảnh giác không điền thông tin cá nhân vào các biểu mẫu trên website mà chúng cung cấp thì chúng sẽ sử dụng các thiết bị chỉnh âm thanh để điều chỉnh giọng nói, giả danh nhân viên của dịch vụ chuyển tiền trung gian hoặc ngân hàng và gọi cho nạn nhân bằng sim rác thông báo đã nhận được một số tiền nhưng do lỗi kết nối nên yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin user, mật khẩu, mã OTP để xác nhận tiền. Vì vậy, người bán hàng cũng cần phải đề phòng với trường hợp này. Và, khi phát hiện, các thủ đoạn này thì cần báo với cơ quan CA nơi gần nhất để phối hợp điều tra, làm rõ.

HẢI LAN

>> Vụ phá đường dây lừa đảo quốc tế chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng: Hàng loạt nữ bị hại trình báo với cơ quan điều tra