Vu Gia, Thu Bồn chưa thôi sạt lở (Kỳ 1: Hiến đất, hiến nhà cho… “hà bá”)

Thứ ba, 29/10/2019 14:38

Nhiều năm qua, tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Vu Gia, Thu Bồn vẫn luôn là câu chuyện thời sự nóng bỏng tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn quá trình xâm lấn tự nhiên, song trên thực tế, tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, ngày càng trầm trọng hơn, đe đọa đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Một điểm sạt lở ăn sâu vào bờ hơn 10 mét tại thôn Ấp Bắc, xã Đại Minh (H. Đại Lộc).

Vì sạt lở, nhiều làng mạc cùng tài sản của người dân đã bị “xóa sổ”, như: làng Giảng Hòa (xã Đại Thắng), làng Phương Trung (xã Đại Quang, H. Đại Lộc). Mỗi năm, cứ đến tháng 10, khi mưa đến, lũ về người dân sinh sống dọc tuyến sông Vu Gia, Thu Bồn tại các địa phương Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn... lại nơm nớp với nỗi lo đất đai, nhà cửa của mình bị “hà bá” nuốt chửng. Và, mỗi năm, nỗi lo ấy càng lớn hơn, vì ngoài những diễn biến cực đoan của thời tiết còn có sự can thiệp thô bạo của con người, làm cho lũ lụt ngày càng phức tạp, khó lường.

Giữa tháng 10-2019, chúng tôi có chuyến đi thực tế cùng ông Lê Khắc Bảy - Chuyên viên Phòng Nông nghiệp H. Đại Lộc để tận mắt chứng kiến hiện trạng sạt lở ở hai bờ của dòng sông Vu Gia, Thu Bồn. Tại đoạn sông Vu Gia chảy qua thôn Ấp Bắc (xã Đại Minh), một bên bờ bị sạt lở, khoét sâu vào bờ hơn 10 mét, giống như con trăn lớn đang há mồm chờ đớp mồi. Theo ông Bảy, cơn lũ lớn năm 2016 đã gây sạt lở, nhấn chìm hơn 5 ha đất cùng hoa màu, cây cối của người dân xuống dưới sông. Cứ thế, mỗi mùa lũ đi qua đã ngoạm dần vào bờ từ 4  đến 5 mét. Đặc biệt, tại thôn Ấp Bắc trước đây có 35 hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông, do hiện trạng sạt lở ngày càng trầm trọng nên chính quyền địa phương đã di dời 35 hộ trên đến khu vực an toàn.

Tiếp tục có mặt tại một tuyến sông Vu Gia đoạn chảy qua xã Đại Phong với một đoạn bờ dài hàng trăm mét bị lồi lõm do dấu vết của nạn sạt lở để lại, ông Bảy cho biết, trung bình mỗi năm lũ lụt lấn dần vào bờ hơn 3 mét... Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp H. Đại Lộc, địa phương có tổng cộng 21 điểm sạt lở nằm trong khu vực 11 xã với tổng chiều dài 15 km. Trong đó, 2 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng nằm ở thôn Giao Thủy, xã Đại Hòa và thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong. Ngoài ra, còn có 12 điểm sạt lở nguy hiểm, 7 điểm sạt lở ở mức bình thường. Các điểm sạt lở trên đe dọa cuộc sống của gần 400 hộ dân và 230 ha đất màu. Để ngăn chặn tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng, H. Đại Lộc đã xây dựng 13 công trình kè, với tổng chiều dài hơn 13 km tại 6 địa phương, gồm: xã Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại An, Đại Cường, Đại Phong và TT Ái Nghĩa. Đồng thời, các cơ quan chức năng tiếp tục lập hồ sơ những điểm có nguy cơ sạt lở cao để có phương án phòng chống. Tương tự, dòng sông Thu Bồn chảy qua các xã vùng B Đại Lộc và khu Tây Duy Xuyên cũng gây sạt lở tại nhiều địa phương, như: Đại Thắng, Đại Cường (H. Đại Lộc) và các xã Duy Hòa, Duy Châu (H. Duy Xuyên).

Hiện trạng sạt lở thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Điện Phong và Điện Trung (TX Điện Bàn).

Xuôi theo dòng Thu Bồn, chúng tôi đến TX Điện Bàn. Từ địa bàn xã Điện Hồng về Điện Phong dài hơn 10km. Dọc hai bờ, đâu đâu chúng tôi cũng chứng kiến cảnh những bãi bồi ven sông bị nham nhở vì sạt lở. Bãi bồi ven sông thuộc thôn Trường Giang, Điện Trung ngày nào trù phú, xanh mướt màu của nương bắp, biền dâu thì giờ đây xác xơ màu của cỏ úa và cát sỏi. Những rặng tre dọc hai bờ đưa những bộ rễ chỏng chơ trên mặt nước cùng những thân tre đang quằn quại dưới cơn gió chiều, chờ ngã. Một gò đất cao, dài hàng trăm mét nằm ở địa bàn giáp ranh giữa xã Điện Thọ bị sạt lở nặng, sâu vào bờ hơn 3 mét. Để chứng minh cho độ tàn phá của “thủy thần”, ông Tam – “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ của chúng tôi lấy cây sào chống ghe dài gần 5 mét thọc xuống nước nhưng chẳng thấy đáy sông ở đâu. Theo ông Tam, do dòng chảy thay đổi nên mùa lũ năm 2018 đã khoét sâu vào bờ, gây ra hố sâu và năm 2019 chỉ cần một trận lũ nhỏ cũng có thể nhấn chìm toàn bộ bờ đất này xuống lòng sông và quá trình sạt lở như vậy tiếp tục diễn ra, chẳng mấy chốc người dân sẽ hết đất sản xuất, mất cả nhà...

Tiếp tục có mặt tại khu vực hạ lưu sông Thu Bồn đoạn chảy qua xã Điện Phong mới thấy hết độ nguy hiểm của lũ dữ. Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn thông tin: hiện nay, tình hình sạt lở ở hạ lưu sông Thu Bồn hết sức nghiêm trọng. Tổng chiều dài sạt lở bờ sông khoảng 10,07 km. Đặc biệt, trên địa bàn thị xã Điện Bàn có tổng số 21 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, vùng thiên tai uy hiếp ở thôn Hà An, xã Điện Phong, P. Vĩnh Điện và P. Điện Ngọc. Hằng năm, UBND thị xã luôn tổ chức rà soát các hộ dân nằm trong vùng thiên tai uy hiếp để thực hiện Chương trình di dời dân theo Quyết định số 1776 ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mỗi hộ dân di dời ra khỏi vùng thiên tai được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng, được miễn giảm tiền sử dụng đất nơi ở mới...

Với những gì đã chứng kiến, có thể  thấy tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc sông Vu Gia, Thu Bồn đang diễn ra khá phức tạp, khó lường và vô cùng đau lòng...

(còn nữa)

MT – NQ