Vụ hãm hiếp chấn động Ấn Độ

Thứ hai, 23/04/2018 13:43

Vụ hãm hiếp và giết hại một bé gái 8 tuổi đã dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối trên khắp đất nước Ấn Độ, bắt đầu từ bang Jammu&Kashmir.

Sinh viên tấn công xe cảnh sát, phản đối vụ hãm hiếp, giết người ở Kathua.   Ảnh: Diplomat

Sau vụ hãm hiếp chấn động ở New Delhi năm 2012, người dân Ấn Độ lại một lần nữa đứng lên chống lại tội phạm tình dục. Mọi người muốn đòi công lý trong vụ một bé gái 8 tuổi ở Bakarwals, một cộng đồng du mục của bang Jammu&Kashmir, bị hãm hiếp tàn bạo và sau đó bị sát hại ở làng Rasana của huyện Kathua thuộc vùng Jammu, hồi tháng 1 vừa qua.

Vụ việc không nhận được nhiều sự quan tâm cho đến tuần trước, khi các tổ chức truyền thông báo cáo những chi tiết tàn bạo về vụ hãm hiếp và giết người sau khi cơ quan điều tra địa phương công bố kết quả. Cáo trạng đề cập đến các chi tiết của việc lập kế hoạch và thực hiện tội ác.

Nạn nhân là bé gái 8 tuổi

Bé gái bị bắt cóc vào ngày 10-1. Theo báo cáo của cảnh sát, cô bé bị nhốt tại một ngôi đền Hindu ở làng Rasana, bị tiêm thuốc an thần và hãm hiếp nhiều lần trong 4 ngày, trước khi bị giết chết. Cáo trạng được trình lên tòa án cáo buộc Sanji Ram là thủ phạm chính trong vụ việc. Cảnh sát địa phương bị buộc tội phá hủy bằng chứng quan trọng. Hai quan chức bị buộc tội đã rửa sạch quần áo dính máu trước khi gửi chúng đến một phòng thí nghiệm pháp y để điều tra.

Cuộc điều tra cho thấy, tội ác đã được lên kế hoạch với mục đích khiến những người Bakarwals lo sợ và rời bỏ ngôi làng, vì họ đã bắt đầu tập trung đến đây trong vài năm qua. Bakarwals, một cộng đồng Hồi giáo du mục, di cư đến những vùng đồng cỏ đồi núi ở Kashmir cùng với gia súc để chăn thả chúng suốt mùa hè và định cư tại vùng đồng bằng Jammu vào mùa đông. Bản cáo trạng và thông tin của giới truyền thông cho thấy, đây không phải là một tội ác đơn lẻ mà là một phần của âm mưu chống lại cộng đồng người du mục.

Tội ác xảy ra trong bối cảnh các tội ác chống lại người thiểu số trên khắp Ấn Độ gia tăng kể từ khi đảng Bharatiya Janata (BJP) lên nắm quyền vào năm 2014. Vào tháng 4-2017, một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew đã xếp hạng Ấn Độ ở vị trí thứ 4 đối với việc không khoan dung tôn giáo trong số 198 quốc gia.

Áp lực nhằm vào Thủ tướng Modi

Kể từ khi vụ hãm hiếp và giết người ở Kathua được công bố trên khắp các phương tiện truyền thông Ấn Độ và quốc tế, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp bang Jammu&Kashmir cũng như cả nước để yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc thủ phạm và mang lại công lý cho cô bé vô tội. Sinh viên trên khắp Kashmir đã tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa, tuy nhiên ở một số nơi ở Nam Kashmir, sinh viên đã ném đá vào lực lượng an ninh. Lực lượng an ninh đáp trả bằng hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán đám đông. Nhiều người bị thương trong các cuộc biểu tình này. "Chúng tôi đã biểu tình ngay từ ngày đầu tiên, vì chúng tôi tìm thấy xác chết của cô bé trong khu rừng gần làng. Chúng tôi cũng chặn đường cao tốc Kathua để yêu cầu công lý cho cô bé", Shahrukh Choudry, một thành viên cộng đồng du mục, cho biết.

Trong khi nhiều cuộc biểu tình đòi công lý cho nạn nhân trẻ tuổi đang diễn ra, các nhà lãnh đạo BJP lại tìm cách bảo vệ nghi phạm. Họ tuần hành trên các đường phố Jammu yêu cầu Cục điều tra Trung ương (CBI), cơ quan điều tra hàng đầu của Ấn Độ, điều tra vụ án. Trong số các nhà lãnh đạo chính trị này có hai gương mặt nổi bật của của bang Jammu&Kashmir, Lal Singh và Chandar Prakash Ganga. Chính phủ cầm quyền phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề từ các đảng đối lập và người dân Kashmir sau khi các lãnh đạo tham gia biểu tình ủng hộ nghi phạm. Áp lực buộc hai quan chức Lal Singh và Chandar Prakash Ganga phải từ chức hôm 12-4.

Đối mặt làn sóng phẫn nộ như thế này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi buộc phải lên tiếng trấn an dư luận. "Tôi muốn đảm bảo rằng không có thủ phạm nào được tha, công lý sẽ được thực hiện. Cô bé của chúng ta chắc chắn sẽ nhận được công lý". Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi không nên "chính trị hóa" vấn đề này.

AN BÌNH