Vũ khí Mỹ và những bạn hàng "hái ra tiền"
(Cadn.com.vn) - Ắt hẳn hầu hết đều biết Mỹ hiện là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới khi chiếm 33% tổng số lượng vũ khí xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, ít ai biết được quốc gia nào mới là khách hàng lớn nhất của Mỹ.
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Saudi Arab là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất từ Mỹ trong giai đoạn 2011-2015, theo sau là các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Những quốc gia và vùng đất còn lại nằm trong top 10 bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Australia, đảo Đài Loan (thuộc Trung Quốc), Ấn Độ, Singapore, Iraq và Ai Cập.
Vũ khí xuất khẩu của Mỹ từ những loại súng nhỏ nhất cho đến các loại máy bay chiến đấu, xe tăng và hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot đều được các quốc gia này "chọn mặt gửi vàng".
Chiến đấu cơ F-16 là sản phẩm được các nước đặt hàng rất nhiều. |
Nhu cầu vũ khí tăng cao
Các chuyên gia cho rằng, các quốc gia Trung Đông sẽ vẫn duy trì vị trí đầu bảng trong số các nước nhập khẩu vũ khí của Mỹ trong một khoảng thời gian nữa, đặc biệt vào thời gian tổ chức khủng bố IS đang hoành hành. Hiện khu vực này chiếm 40% tổng sản lượng vũ khí xuất cảng của cường quốc hàng đầu thế giới này.
Ông Andrew Hunter thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho biết, các quốc gia Trung Đông ưu tiên chi tiêu cho quốc phòng hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. "Sự sụt giảm giá dầu đáng kể cùng tình hình bất ổn gia tăng tại khu vực Trung Đông khiến các quốc gia trong khu vực lo lắng về một tương lai bất định. Điều này dẫn đến việc trang bị vũ khí là khó tránh khỏi", ông nói thêm. Trong khi hầu hết các nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu đều sử dụng nguồn tiền riêng, thỉnh thoảng Mỹ cũng trợ cấp hoặc hỗ trợ các khoản vay cho một số nước để mua thiết bị quốc phòng từ các nhà sản xuất Mỹ như một phần của chương trình "Tài chính quân sự nước ngoài". Ngân sách năm 2017 của Bộ Ngoại giao Mỹ bao gồm khoảng 5,7 tỷ USD cho chương trình nói trên.
Trong khoản ngân sách đề nghị nói trên, 5 ứng viên hàng đầu trong chương trình tài trợ quân sự nước ngoài của Mỹ là Israel (3,1 tỷ USD), Ai Cập (1,3 tỷ USD), Jordan (350 triệu USD), Pakistan (265 triệu USD) và Iraq (150 triệu USD). Một số quốc gia Châu Á cũng có tên trong danh sách các nước mua nhiều vũ khí của Mỹ. Nguyên nhân chính là tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng liên tục thực hiện chương trình phóng tên lửa và hạt nhân đạn đạo, cùng với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động quân sự trên biển Đông.
Mặc dù các nước Trung Đông vẫn đứng đầu trong danh sách nhập khẩu vũ khí Mỹ, các nước Châu Phi cũng sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên gấp đôi trong năm 2017 do các hoạt động khủng bố gia tăng ở Mali, Somalia và Nigeria.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo ông Hunter, các Cty quốc phòng Mỹ muốn đẩy mạnh việc xuất cảng vũ khí trong bối cảnh ngân sách quốc phòng ở nước này mới bị cắt giảm trong thời gian gần đây.
Phát biểu tại một sự kiện truyền thông hồi tháng 3, bà Marillyn Hewson - Giám đốc điều hành (CEO) của Lockheed Martin, tập đoàn công nghệ quốc phòng nổi tiếng của Mỹ, cho hay, một trong những lĩnh vực mà Mỹ hy vọng sẽ đạt được sự tăng trưởng trong những năm tới là từ việc xuất khẩu vũ khí cho các khách hàng quốc tế của nước này. Tuy nhiên, sau Mỹ còn có một số nhà xuất khẩu vũ khí lớn khác trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức. Theo nhận định của giới chuyên gia, Moscow sẽ hướng đến thị trường xuất khẩu vũ khí rẻ hơn cho các nước từng thuộc Liên Xô cũ, còn Trung Quốc cũng đang ngày càng chủ động hơn trên thị trường xuất khẩu vũ khí quốc tế.
Nền kinh tế thứ 2 thế giới này đã tăng cổ phần xuất khẩu vũ khí lên hơn 60% so với giai đoạn năm 2006-2010. Loại vũ khí mà Trung Quốc đặc biệt chú trọng xuất khẩu là công nghệ máy bay không người lái và được bán sang Nigeria, Iraq và Pakistan.
Tuệ Khanh
(Theo CNN)