Vụ khủng bố ở Nairobi: Sau loạt đấu súng, những kẻ tấn công bị tiêu diệt
Trong vụ tấn công tổ hợp khách sạn sang trọng Dusit ở thủ đô Nairobi hôm 15-1, đã có hơn 700 thường dân được giải cứu khỏi tòa nhà, động thái thu hút sự tán dương của giới truyền thông địa phương về phản ứng nhanh chóng và hiệu quả của lực lượng an ninh.
Những người dân được giải cứu ra khỏi hiện trường vụ tấn công - khu tổ hợp khách sạn sang trọng Dusit ở thủ đô Nairobi, Kenya. Ảnh: AFP |
Ngày 16-1, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta tuyên bố, tất cả các phần tử Hồi giáo tham gia tấn công tổ hợp khách sạn sang trọng Dusit ở thủ đô Nairobi đã bị tiêu diệt sau gần 20 giờ bao vây. “Bây giờ tôi có thể khẳng định rằng... chiến dịch an ninh tại Dusit đã kết thúc và tất cả những tên khủng bố đã bị tiêu diệt”, Tổng thống Uhuru Kenyatta nhấn mạnh khi phát biểu với người dân qua truyền hình.
Vẫn là phiến quân Al-Shabaab
Vụ tấn công xảy ra vào chiều 15-1 (giờ địa phương) với hai vụ nổ liên tiếp làm rung chuyển khu tổ hợp khách sạn - văn phòng sang trọng Dusit ở khu vực lân cận nhiều cây cối của thủ đô Nairobi, Kenya.
Chính phủ Kenya từ chối tiết lộ chi tiết về vụ tấn công. Tuy nhiên, theo AFP, ít nhất một kẻ đánh bom tự sát đã tự nổ tung mình và những kẻ tấn công sau đó đã đấu súng với lực lượng an ninh tại khu tổ hợp trên, bao gồm một khách sạn 101 phòng, spa, nhà hàng và tòa nhà văn phòng. Đoạn phim CCTV được phát trên phương tiện truyền thông địa phương cho thấy, 4 người đàn ông mặc áo đen, được vũ trang bước vào khu tổ hợp. Phiến quân Hồi giáo Al-Shabaab ở Somalia ngay lập tức nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công này. “Chúng tôi đứng sau vụ tấn công tại Nairobi. Chiến dịch này đang diễn ra. Chúng tôi sẽ tiết lộ các chi tiết sau”, người phát ngôn của Al-Shabaab Abdiasis Abu Musab tuyên bố. Nhóm này có quan hệ chặt chẽ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, tổ chức cực đoan đã gây ra rất nhiều vụ tấn công khủng bố ở Châu Phi trong thập kỷ qua.
Cảnh tượng những người Hồi giáo có vũ trang và thường dân kinh hoàng chạy trốn đã nhắc nhở người Kenya về một cuộc tấn công của Al-Shabaab năm 2013, nhằm vào trung tâm thương mại Westgate. 67 người đã thiệt mạng trong một cuộc bao vây kéo dài hơn 4 ngày và dẫn đến làn sóng chỉ trích mạnh mẽ về phản ứng an ninh của nước này. Trong vụ tấn công lần này, 14 nạn nhân đã thiệt mạng, nhưng chưa rõ có bao nhiêu kẻ tấn công trong số này. Theo AFP, trong số này có một công dân Mỹ, một công dân Anh và 11 nạn nhân Kenya. Một nạn nhân không có giấy tờ nhân thân.
Trong khi đó, AFP dẫn lời một nhân viên nhà tang lễ Chiromo tại Kenya cho biết, nhà tang lễ này đã nhận được thi thể của 14 người thiệt mạng. Theo ông này, hầu hết những người thiệt mạng, trừ một người trong số đó được cho chính là kẻ tấn công liều chết, đều có thẻ căn cước.
Hơn 700 người được giải cứu
Một bài xã luận trên tờ Daily Nation cho biết, cuộc tấn công là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng những thách thức an ninh của Kenya vẫn còn lắm gian nan.
Vụ tấn công lớn cuối cùng xảy ra ở nước này vào năm 2015, khi Al-Shabaab giết chết 148 người tại trường đại học ở Garissa, miền đông Kenya. Kể từ đó, các cuộc tấn công lẻ tẻ đã nhắm vào các lực lượng an ninh chủ yếu ở các vùng đông bắc xa xôi của đất nước. “Đối với người Kenya, thực tế lạnh lùng là các cuộc tấn công không ngừng nghỉ”, bài xã luận nêu rõ. Trong tuyên bố mới nhất, Al-Shabaab cũng lưu ý cuộc tấn công xảy ra đúng 3 năm sau khi các phần tử của nhóm này tràn qua một căn cứ quân sự Kenya ở Somalia, giết chết khoảng 200 binh sĩ. Tuy nhiên, đã có hơn 700 thường dân được giải cứu khỏi tòa nhà, động thái thu hút sự tán dương của giới truyền thông địa phương về phản ứng nhanh chóng và hiệu quả của lực lượng an ninh.
Các tổ chức, các quốc gia cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gọi cuộc tấn công là “hành động khủng bố kinh tởm” và tuyên bố LHQ luôn sát cánh cùng người dân Kenya.
KHẢ ANH