Vụ "Lình xình chuyện mua bò từ Chương trình hỗ trợ 755": Thành lập đoàn giám sát đột xuất
(Cadn.com.vn) - Liên quan vụ người dân tố cáo xã "ép" dân mua bò theo Chương trình hỗ trợ 755, HĐND H. Ea Súp đã thành lập đoàn giám sát đột xuất việc cấp bò theo Chương trình 135 và chương trình giảm nghèo Tây Nguyên năm 2016 tại các xã: Ea Rốk, xã Cư Kbang. Theo đó, ngày 19-12, HĐND H. Ea Súp đã ra Quyết định số 17/QĐ-HĐND thành lập đoàn giám sát đột xuất do ông Phạm Công, Phó Chủ tịch HĐND H. Ea Súp làm trưởng đoàn. Việc giám sát diễn ra trong hai ngày 20 và 21-12. Thông qua đợt giám sát, Thường trực HĐND huyện xác định hiệu quả cũng như những hạn chế, vướng mắc trong việc cấp bò. Để từ dó, tìm ra hướng khắc phục, giải pháp cơ bản trong thời gian tới. Theo báo cáo của UBND xã Cư Kbang về Chương trình 755 trong quá trình làm việc với đoàn giám sát cho biết, đến nay có 95 hộ của xã đã mua bò cái sinh sản, còn lại 5 hộ chưa mua. Trong đó, 1 hộ ở thôn 2 có tên trong danh sách nhưng còn nợ Ngân hàng chính sách 10 triệu đồng (lý do vợ đứng tên vay mà hiện tại vợ đã chết); 1 hộ ở thôn 3 không có nhu cầu mua bò; 1 hộ thôn 3 đang tìm bò cỏ theo ý muốn để mua; 2 hộ không có CMND ở Đắc Lắc. Sáng 26-12, P.V đã liên hệ với ông Phạm Công để nắm thông tin, kết quả đợt giám sát đột xuất nói trên. Tuy nhiên, ông Công cho biết hiện nay vẫn chưa có kết quả nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.
Quyết định thành lập đoàn giám sát khẩn cấp. |
Trao đổi về những phản ánh của P.V vào ngày 29-12, ông Cao Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kbang cho biết: "Ngay sau khi làm việc với báo, tôi đã đi kiểm tra bò tại một số hộ dân. Thực tế cho thấy, phản ánh của P.V và người dân là có cơ sở. Tại thôn 11 của xã có tất cả 16 hộ dân được hỗ trợ mua bò theo Chương trình 755. Thế nhưng, chỉ có hai hộ được chủ bò trả lại 3 triệu đồng/hộ, còn lại bò to, nhỏ đều cùng giá 20 triệu đồng. Riêng ở các thôn khác thì giá bò có sự khác nhau chứ không cùng một giá. Đáng nói, theo kết quả kiểm tra của tôi và trên cơ sở giá thị trường thì những con bò có giá 20 triệu đồng mà người dân thôn 11 mua của trang trại Hoàn Tâm chỉ có giá khoảng 15-17 triệu đồng/con. Như vậy, trang trại Hoàn Tâm đã bán bò cho những hộ dân thôn 11 với giá quá cao so với thực tế. Điều này, xã không hề biết cho đến khi người dân lên tiếng và báo phản ánh. Trước tình hình này, sáng 26-12, tôi đã gọi điện và yêu cầu ông Nguyễn Huy Hoàn (chủ trại bò Hoàn Tâm), một là phải đổi lại bò cho dân tương xứng với số tiền 20 triệu đồng hoặc thống nhất với dân để bớt giá tiền bò cho người dân. Ban đầu, ông Hoàn nói những con bò mà người dân thôn 11 mua là bò lai nên giá cao, 20 triệu đồng/con. Tuy nhiên, khi tôi đưa ra dẫn chứng cùng loại bò lai nhưng ông Hoàn bán cho các hộ dân ở thôn khác giá thấp hơn so với thôn 11 thì chủ trang trại này nói sẽ sang từng hộ ở thôn 11 để xem xét lại và thống nhất giá bò phù hợp với dân. Cho đến ngày 29-12, người dân tại thôn 11 và chủ trang trại Hoàn Tâm vẫn đang thống nhất để bớt giá tiền mua bò".
Những con bò được mua tại trang trại Hoàn Tâm. |
Liên quan đến việc hỗ trợ người dân mua bò cái sinh sản theo Chương trình 755 của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Văn Giang, Phó Trưởng phòng Dân tộc H. Ea Súp thông tin: "Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, UBND H. Ea Súp đã rà soát và phê duyệt cho 188 hộ dân của 3 xã: Cư Kbang, Ea Rốk, Ea Lê được mua bò hỗ trợ theo Chương trình 755 với tổng kinh phí 940 triệu đồng. Trong đó, xã Cư Kbang được 100 hộ, xã Ea Rốk 31 con và xã Ea Lê được 57 con. Sau khi phê duyệt danh sách, UBND huyện đã giao cho UBND các xã chủ trì họp thôn và quân dân chính đảng thống nhất phương án mua bò tập trung hay tự do ngoài thị trường. Cùng với UBND huyện, Phòng Dân tộc có trách nhiệm tham mưu, giao cho các xã thực hiện việc cấp bò, mua bò theo đúng quy định của Chương trình 755. Đồng thời, Phòng Dân tộc cũng đôn đốc các xã triển khai nhanh việc mua bò để giải ngân kịp thời đúng thời gian quy định. Sau khi nhận được hợp đồng, giấy tờ mua bò của người dân, Ngân hàng chính sách và UBND các xã sẽ xuống kiểm tra rồi mới giải ngân theo quy định. Tôi khẳng định, UBND huyện và Phòng Dân tộc không hề có bất cứ văn bản nào chỉ đạo người dân 3 xã phải mua bò tập trung mà giao cho các xã thực hiện theo ý kiến thống nhất của người dân. Trong quá trình mua bán, người dân tự thỏa thuận giá cả với chủ bò".
Dẫn đến những bức xúc, phản ánh của người dân xã Cư Kbang trong quá trình thực hiện Chương trình 755, ông Giang cho rằng có sự chênh lệch giữa giá cả và chất lượng bò.
Thơ Trịnh