LẬT LẠI HỒ SƠ:

Vụ mua bán, tàng trữ 94 tấn cyanua ở Quảng Nam

Thứ năm, 06/08/2015 10:57

* Kỳ 1:  Đường dây cyanua lộ diện vì… tôm cá chết

(Cadn.com.vn) - Nhận thấy cung cấp cyanua cho các đối tượng khai thác vàng trái phép đem lại lợi nhuận khổng lồ, Trần Thị Thùy Trang (1954, trú thôn Diêm Phổ 2, xã Tam Anh, nay thuộc xã Tam Anh Nam, H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) và đồng bọn đã thiết lập đường dây buôn bán cyanua lớn nhất miền Trung. Khi biết lực lượng CA đang điều tra, chúng đã vứt gần nửa tấn cyanua xuống dòng Trường Giang để phi tang vật chứng, khiến hàng trăm hộ ngư dân trắng tay vì tôm cá chết hàng loạt.

“Dòng sông chết”

Liên tiếp trong nhiều ngày giữa tháng 3-2002, người dân sống dọc sông Trường Giang, đoạn chảy qua khu vực các xã Tam Anh, Tam Hiệp, Tam Hòa (H. Núi Thành) hoang mang vì hiện tượng tôm cá chết hàng loạt. Trên một đoạn sông dài hơn 2km, từ cá lớn đến cá bé chết nổi trắng mặt sông không rõ nguyên nhân. Trong các hồ nuôi tôm dọc bờ sông, tôm cũng chết hàng loạt, nổi đỏ cả hồ. Vào thời gian này, do tôm được giá nên rất nhiều người dân đầu tư nuôi tôm nên hiện tượng tôm chết hàng loạt đã gây tổn thất nặng nề. Hầu hết các hộ dân sống ven khúc sông này đều mưu sinh nhờ nghề nuôi tôm, đánh bắt cá mà không có nghề nào khác. Tôm cá chết, nợ ngân hàng không trả được, coi như đường mưu sinh của họ bị cắt đứt. Vì thế, sự việc bất thường này mau chóng được phản ánh lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Cá chết hàng loạt vì cyanua (hình minh họa).

Sau nhiều ngày điều tra, khảo sát một khu vực rộng lớn quanh đoạn sông nói trên, cơ quan chức năng H. Núi Thành phát hiện có 4 bao tải nằm dưới đáy sông có nhiều khả nghi. Ngày 12-3-2002, CAH Núi Thành phối hợp với CAX Tam Anh tổ chức trục vớt 4 bao tải nói trên. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng xác định chất chứa trong 4 bao tải này là cyanua, đang trong quá trình tan rã. Xét nghiệm mẫu nước ở gần nơi phát hiện 4 bao tải cho thấy có sự hiện diện của chất độc cyanua với hàm lượng rất cao. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, CAH Núi Thành đã lập tức báo cáo lên cấp trên và CA tỉnh Quảng Nam nhanh chóng vào cuộc điều tra. Xác định khả năng các đối tượng đã vứt các bao hóa chất độc hại này xuống sông để phi tang, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, cơ quan CA đã tiến hành rà soát tất cả các đối tượng khả nghi.

Đường dây cyanua “khủng” lộ diện

Vì 4 bao cyanua được phát hiện dưới lòng sông nên việc xác định chủ nhân hầu như không có manh mối. Tiến hành điều tra, rà soát, CQĐT thấy nổi lên đối tượng khả nghi Trần Thị Thùy Trang, nhà ở gần khu vực phát hiện 4 bao tải và có xe khách chạy đường dài. Tìm hiểu về các mối quan hệ của Trang, cơ quan chức năng lần ra đối tượng Nguyễn Thị Thu Hiền (1957, trú tổ 27, P. An Mỹ, Tam Kỳ, Quảng Nam). Hiền và Trang làm nghề buôn bán và thường có các chuyến giao hàng lên tận các huyện miền núi có bãi khai thác vàng trái phép của tỉnh Quảng Nam.

Một góc dòng Trường Giang bây giờ. Ảnh: Phương Nam

Sau nhiều ngày vừa thu thập chứng cứ kết hợp đấu tranh trực diện, cơ quan CA đã buộc các đối tượng phải khai nhận hành vi mua bán và dìm cyanua xuống lòng sông Trường Giang. Theo lời khai của Trang, từ năm 1992 đến 1995, do gia đình có xe khách chạy tuyến Đà Nẵng - Hà Nội nên Trang biết Cty TNHH Hóa học ứng dụng (HHƯD) có trụ sở trên đường Lê Thánh Tông, TP Hà Nội có bán cyanua. Đầu năm 2000, Trang trực tiếp đến gặp ông Ngô Xuân Trường - Phó Giám đốc Cty TNHH HHƯD để đặt vấn đề mua cyanua về bán lại cho các chủ hầm khai thác vàng ở khu vực Phước Sơn, Bắc Trà My (Quảng Nam). Trong quá trình mua bán cyanua lên các bãi vàng, Trang quen biết với Hiền, một người cũng hành nghề buôn bán cyanua lên các bãi vàng ở H. Bắc Trà My. Ban đầu, Hiền mua cyanua của Trang nhưng về sau Hiền nhờ Trang giới thiệu với Cty TNHH HHƯD để mua hàng trực tiếp.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Trang, Hiền không chuyển tiền trực tiếp cho Cty TNHH HHƯD mà chuyển qua ngân hàng hoặc bưu điện cho các cá nhân của Cty là Mai Thị Lan Hương (kế toán) và Nguyễn Thị Lan (thủ quỹ). Rất ít khi Trang, Hiền cử người trực tiếp đi nhận hàng mà chủ yếu gửi hàng vào Quảng Nam trên các chuyến xe khách do Trang sắp đặt sẵn. Khi nhận chở hàng, lái, phụ xe chỉ được thông báo đó là “hoạt chất khử hồ nuôi tôm” và được cung cấp số điện thoại của người nhận mà không hay biết mình chở hàng thuộc danh mục cấm. Tuy là hóa chất độc hại nhưng không được đóng trong thùng chuyên dụng mà đựng trong các bao tải thông thường và để ngay trên sàn xe khách. Cty TNHH HHƯD cũng gửi kèm hóa đơn hàng hóa hẳn hoi nhưng tên và địa chỉ người mua hàng đều rất sơ sài như Mỹ Huyền (Quảng Nam), Hiền Trang (TPHCM) hay Trang (cơ sở mạ Đà Nẵng)...

Phương Nam
(còn nữa)