Vụ mua bán tiền ảo bitcoin tại Khánh Hòa: Không có yếu tố cấu thành tội phạm

Thứ hai, 20/10/2014 11:18

(Cadn.com.vn) - VKSND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT CA tỉnh Khánh Hòa đối với các ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Duy Trinh (cùng trú TP Nha Trang) về hành vi kinh doanh trái phép. Viện yêu cầu Cơ quan CSĐT CA tỉnh đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án. Các ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Duy Trinh liên hệ với Cơ quan CSĐT để nhận lại tài sản, máy móc, thiết bị đã bị thu giữ trước đó. Theo thông tin mới nhất, chiều 14-10, ông Nguyễn Văn Minh cho biết đã nhận lại một số máy móc thiết bị cùng khoản tiền mà cơ quan CSĐT thu giữ trước đó.

Diễn biến vụ việc

Theo hồ sơ, sau một thời gian điều tra, CQĐT CA tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện Chi nhánh Cty TNHH Tư vấn xây dựng V.M do ông Nguyễn Văn Minh làm giám đốc và Cty TNHH Thương mại dịch vụ 289 do ông Nguyễn Văn Thông làm giám đốc đã lắp đặt, vận hành nhiều máy móc, thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) với quy mô lớn, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo đó, ngày 15-3-2014, CQĐT tiến hành khám xét khẩn cấp tại 2 Cty trên và tạm giữ khoảng 500 triệu đồng, hàng trăm thẻ ngân hàng các loại, 48 máy vi tính được lắp đặt, sử dụng nhằm khai thác đồng tiền ảo bitcoin, cùng các thiết bị, giấy tờ liên quan. Quá trình điều tra, CQĐT xác định các ông Minh, Thông, Trinh đã có hành vi sử dụng các thiết bị về CNTT để khai thác, mua bán tiền ảo bitcoin và các loại tiền ảo khác trên Internet.

Liên quan đến việc mua bán các loại tiền ảo, ông Thông đã nhận hàng chục nghìn USD qua dịch vụ chuyển tiền của ngân hàng. Các ông Minh, Trinh cũng có các giao dịch qua tài khoản các ngân hàng với số tiền hàng tỷ đồng. Nội dung giao dịch đều thể hiện việc mua bán tiền ảo LR (Liberty Reserve), PM (Perfect Money).

Trên cơ sở đó, ngày 4-6, CQĐT CA tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các ông Minh, Thông, Trinh về hành vi “Kinh doanh trái phép” theo khoản 2 Điều 159 BLHS. Tuy nhiên, ngày 13-6, VKSND tỉnh Khánh Hòa có công văn đề nghị CQĐT CA tỉnh hủy bỏ các quyết định tố tụng nêu trên. Sau đó, CQĐT CA tỉnh nhiều lần đề nghị VKSND tỉnh phê chuẩn các quyết định khởi tố trên. Đến ngày 30-6, CQĐT CA tỉnh nhận được hồ sơ và yêu cầu điều tra của VKSND tỉnh đề nghị làm rõ một số vấn đề để VKSND tỉnh có căn cứ phê chuẩn.

Trên tinh thần đó, ngày 3-7, CQĐT CA tỉnh Khánh Hòa có công văn và hồ sơ đề nghị VKSND tỉnh phê chuẩn các quyết định khởi tố trên. Theo quan điểm của CQĐT, hành vi kinh doanh tiền điện tử bitcoin và các loại tiền ảo tương tự của 3 người trên thực chất là kinh doanh tiền tệ, không làm thủ tục khai báo, không đăng ký kinh doanh và không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, do đó đã xâm phạm trật tự quản lý kinh doanh tiền tệ của Nhà nước. Thực tế, trên toàn quốc đã có 2 vụ án được xét xử với tội danh Kinh doanh trái phép về hành vi mua bán tiền ảo LR, PM (bản án đối với Vũ Văn Lăng ở Hải Phòng và Lương Tất Việt, Nguyễn Thị Thu Thảo ở Thái Nguyên).

Ảnh minh họa.

Không cấu thành tội phạm

Theo thông tin từ VKSND tỉnh Khánh Hòa, quyết định hủy quyết định khởi tố đối với vụ án trên là do hành vi không cấu thành tội phạm. Trước đó, do nhận thấy đây là vụ việc mới, chưa có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh nên VKSND tỉnh đã thỉnh thị VKSND Tối cao. Cơ quan này đã có văn bản trao đổi ý kiến với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), Bộ Công Thương, Bộ CA.

Văn bản ngày 12-8 của Bộ Công Thương thể hiện, bitcoin không phải là hàng hóa, dịch vụ. Còn văn bản ngày 5-9 của NHNNVN cho thấy, bitcoin và các loại tiền ảo không phải tiền tệ và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Trước đó, NHNNVN cũng khuyến cáo không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

Quan điểm của VKSND Tối cao tại văn bản ngày 15-9-2014 nêu rõ: Kinh doanh tiền ảo tương tự và bitcoin không phải kinh doanh tiền tệ. Do đó, hành vi khai thác, kinh doanh bitcoin và các loại tiền ảo khác của 3 người nêu trên là không thỏa mãn các dấu hiệu của tội Kinh doanh trái phép. VKSND Tối cao cũng viện dẫn Hiến pháp cho thấy mọi người được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Ngoài ra, việc thực hiện giao dịch mua bán, trao đổi bitcoin chỉ là thỏa thuận trong nhóm cộng đồng người sử dụng tiền ảo. Hoạt động khai thác bitcoin không phải hoạt động kinh doanh thương mại.

Trong văn bản ngày 26-8, Bộ CA cũng khẳng định, bitcoin và một số loại tiền ảo khác chưa được coi là hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, vì vậy chưa thể xác định hàng phạm pháp và giá trị hàng phạm pháp. Do đó, không đủ cơ sở xác định yếu tố cấu thành tội kinh doanh trái phép. Trong quá trình điều tra một số chuyên án, vụ án có liên quan đến tội phạm công nghệ cao, cơ quan CSĐT Bộ CA đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ CA để điều tra một số đối tượng hoạt động mua đổi tiền ảo LR (một trong các loại tiền ảo) nhưng do vướng mắc về việc xác định dấu hiệu của tội phạm như trên nên không xử lý hình sự được đối với các đối tượng.

Dựa trên các dẫn liệu đó, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã không phê chuẩn và có quyết định hủy các quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can của CQĐT CA tỉnh.

K.H