Vụ ngư dân không chịu nhận tàu: Chưa tìm được tiếng nói chung

Thứ sáu, 06/04/2018 11:00

3 năm qua, ngư dân Trần Văn Liên, trú Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng tàu theo NĐ 67 đã “lao đao” theo con tàu vì công ty đóng tàu vi phạm hợp đồng, không đảm bảo về kỹ thuật, bàn giao không đúng tiến độ. Nay, tàu đóng đã xong lại gặp phải khó khăn khác, vì công ty đóng tàu khiếu kiện...

Ngư dân Trần Văn Liên

Công ty đóng tàu: Vô lý!

Đơn kêu cứu ngày 30-3-2018 của Công ty Cổ phần Bảo Duy (CTBD), có nội dung: Ngày 18-9-2015, CTBD và ông Trần Văn Liên ký hợp đồng đóng tàu số 01. Theo hợp đồng, CTBD không cung cấp hệ thống máy chính, hạng mục  này do ông Liên tự mua của Công ty DV-KT Liên Á (CTLA). Sau khi lắp đặt, tiến hành chạy thử vào ngày 30-3-2016, máy chính phát sinh sự cố. Trong khi chờ các bên liên quan giải quyết, dù không liên quan, không có lỗi trong sự cố trên nhưng trên tinh thần hỗ trợ cho ngư dân, các thành viên HĐQT CTBD đã quyên góp, hỗ trợ ông Liên 600 triệu đồng. Tuy nhiên, phương án sửa chữa bị  thất bại vì CTLA  giám định không chính xác hiện trường tai nạn.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67 tỉnh Quảng Nam triệu tập các bên liên quan, gồm: ông Liên, CTLA, CTBD họp 2 lần  vào ngày 5-8-2017 và ngày 27-10-2017 với nội dung hỗ trợ cho ngư dân thay máy chính mới. Sau 2 cuộc họp, CTBD đồng ý ứng trước 100% chi phí thay máy mới, sửa chữa và hoàn thiện tàu đủ điều kiện hoạt động khai thác. Cụ thể, CTBD mua  mới máy chính giá hơn 2 tỷ đồng/ máy, sửa chữa ca-bin buồng lái, hầm máy, chỉnh sửa các thiết bị van ống, điện, hệ lái... với tổng chi phí gần 600 triệu đồng. Như vậy, kinh phí CTBD tự ứng mua máy thủy, sửa chữa hoàn thiện tàu hơn 2,6 tỷ đồng.

Ngày 19-12-2017, CTBD tổ chức cho tàu chạy thử  đã được ông Liên và các cơ quan chức năng nghiệm thu. Ngày 25-12-2017, Trung tâm Đăng kiểm Tàu cá Bộ NN&PTNT  cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Căn cứ vào biên bản nghiệm thu và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, ngày 29-12-2017 CTBD tổ chức bàn giao song ông Trần Văn Liên không chịu nhận tàu và đưa ra những đòi hỏi hết sức vô lý, như: Buộc CTBD phải hỗ trợ gần 600 triệu đồng và kinh phí thay thế một số trang thiết bị. Ngoài ra, ông Liên còn nợ hơn10 tỷ đồng đã làm CTBD lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế... Vì, theo Bản án phúc thẩm số 12, ngày 30-1-2018 của TAND Quảng Nam: CTBD không liên quan đến sự cố hư hỏng máy chính và lỗi hoàn toàn thuộc về CTLA.

  Đơn kêu cứu của Công ty CP Bảo Duy.

Ngư dân: Thiệt hại còn nhiều hơn thế!

Ngày 4-4, làm việc cùng P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ngư dân Trần Văn Liên, cho biết: Có nhiều lý do dẫn đến việc ông chưa nhận chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu QNa-94679 TS được CTBD đóng với kinh phí 16 tỷ đồng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/CP.  Trước hết là CTBD chưa hoàn thiện tàu như hợp đồng ký kết. Cụ thể,  CTBD lắp đặt 3 tời lưới với số tiền 540 triệu đồng nhưng số tời này không phù hợp với điều kiện đánh bắt nên phải thay đổi. Ông Liên chủ động đặt làm 2 tời lưới với số tiền 170 triệu đồng song phía CTBD mới thanh toán được 120 triệu đồng  nên hiện tại vẫn chưa được lắp đặt. Ngoài ra, hệ thống bóng đèn trên tàu với kinh phí lắp đặt khoảng 42 triệu đồng nhưng doanh nghiệp chưa đáp ứng.

Bên cạnh đó, chi phí phát sinh do chậm bàn giao tàu ai sẽ là người chịu trách nhiệm thanh toán. Vì theo hợp đồng được ký kết với ngân hàng: Điều kiện được vay vốn là trong vòng 6 tháng ngư dân sẽ nhận tàu nhưng đến nay đã 3 năm vẫn chưa có tàu. Vì  trễ hạn bàn giao, vừa qua ngân hàng gửi thông báo phạt quá hạn số tiền 193 triệu đồng. Vậy ai chịu trách nhiệm chi trả khi lỗi không phải do ngư dân gây ra? Cũng theo ông Liên, nếu tàu được bàn giao đúng hạn, tiền bảo hiểm thân tàu sẽ được Nhà nước chi trả. Tuy nhiên, do trễ hạn nên chính sách ưu đãi này không còn. Hiện tại, ngân hàng yêu cầu nộp 160 triệu đồng tiền bảo hiểm thân tàu mới chuyển đủ khoản 7,5 tỷ đồng còn lại (số tiền này nằm trong khoản 10 tỷ đồng ông Liên đang nợ CTBD – N.V) trong tổng số 16 tỷ đồng được vay đóng tàu. Bên cạnh đó là chi phí phát sinh tiền thuê bạn tàu. Cho rằng tàu sẽ được bàn giao đúng thời hạn, năm 2016, ông Liên ký hợp đồng với 10 lao động trong 3 tháng và giao đủ số tiền 180 triệu đồng (6 triệu đồng/người/ tháng). Do tàu chưa có, số tiền này ông Liên phải mất trắng. 3 năm qua, chạy theo con tàu vỏ thép này, kinh tế gia đình bị kiệt quệ, chúng tôi rất muốn sớm có tàu để vươn khơi bám biển song những vướng mắc chưa được giải quyết nên sao dám nhận tàu" - ông Liên chia sẻ.

Như vậy, CTBD cho rằng chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu QNa-94679 TS đã hoàn thành, đủ điều kiện vươn khơi, đánh bắt hải sản. Về phía ngư dân Trần Văn Liên bảo còn nhiều hạng mục chưa đảm bảo kỹ thuật... Theo chúng tôi, để tạo ra “tiếng nói chung”, các cơ quan chức năng tại Quảng Nam cần sớm vào cuộc, tìm ra phương án giải quyết tối ưu nhất để tránh gây thiệt hại về kinh tế cho CTBD và gia đình ngư dân Trần Văn Liên.

M.T