Vụ phá rừng nghiêm trọng tại An Lão: Bỏ qua trách nhiệm cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm?

Thứ năm, 21/09/2017 19:00

Ngày 20-9, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. An Lão và kiểm lâm viên địa bàn phụ trách khu vực rừng xã An Hưng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão phải nhận trách nhiệm và hình thức xử lý nghiêm túc.

Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường vụ phá rừng An Lão.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh: Trước mắt, tập trung xử lý nghiêm cán bộ liên quan ở H. An Lão và huyện lân cận Hoài Nhơn, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chi cục Kiểm lâm Bình Định. Đồng thời, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với Trạm Kiểm lâm Hoài Sơn (Trạm này được thành lập theo Dự án Jica 2); Chủ tịch UBND H. An Lão, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh.

Hạt Kiểm lâm H. An Lão hiện có 2 Phó Hạt trưởng và hai nhân viên kiểm lâm phụ trách địa bàn có khu vực rừng bị phá.

Như Báo Công an TP Đà Nẵng phản ánh, vụ phá rừng quy mô lớn lên tới 60,9ha vừa xảy ra tại khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1, thuộc xã An Hưng, huyện miền núi An Lão (Bình Định). Ban đầu, các cơ quan chức năng đã “giấu” thông tin này với lý do “để mật phục chờ đối tượng lên trồng rừng sẽ bắt”.

Theo TTXVN, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết: “Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. An Lão Đoàn Văn Tá đi học lớp kiểm lâm viên chính tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 7 đến 17-8. Mặc dù có thông tin từ Hạt Kiểm lâm H. Hoài Nhơn báo lên nhưng lại nghe không rõ, từ địa bàn này nghe thành địa bàn kia nên Phó Hạt trưởng đã xử lý thông tin không đúng. Ngay sau buổi kiểm tra hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã yêu cầu cách chức ngay Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. An Lão nhưng sau khi họp bàn và nêu rõ trách nhiệm, chúng tôi thấy việc này chưa phù hợp”.

Về thông tin ban đầu, diện tích rừng bị phá các cơ quan nói chính xác đến con số lẻ là 43,7ha, ông Phan Trọng Hổ cho rằng: “Ban đầu bằng mắt thường nên anh em xác định con số như vậy. Sau khi đo đạc chính thức, con số chính xác là 60,9ha”.

Chủ tịch UBND H. An Lão Phạm Văn Nam cho rằng: UBND huyện đã ban hành và thực hiện kế hoạch truy quét đối tượng phá rừng ở vùng giáp ranh, trong đó có lực lượng Kiểm lâm tham gia. Khu vực truy quét là tiểu khu 1, 5, 16, giáp ranh với các huyện Hoài Nhơn (Bình Định) và Ba Tơ (Quảng Ngãi). Thời gian truy quét từ ngày 23-6 đến 23-7 nhưng lực lượng Kiểm lâm thực hiện kế hoạch này không nghiêm túc, chỉ truy quét tiểu khu 5, 16, không truy quét tiểu khu 1. “Nếu lực lượng Kiểm lâm thực hiện đúng kế hoạch truy quét, chắc chắn sẽ không có vụ phá rừng nghiêm trọng như vậy”, ông Nam khẳng định.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. An Lão Đoàn Văn Tá cho biết: Lực lượng Kiểm lâm có truy quét tiểu khu 1 nhưng chỉ truy quét ở các khoảnh khác, không truy quét khoảnh 7, khoảnh 8. Trong khi đó, hai khoảnh rừng này nằm dưới thung lũng nên khó quan sát.

Trên thực tế, vùng rừng bị tàn phá trải dài trên cả 3 quả đồi chứ không chỉ những vùng thấp, đứng bên đồi này có thể nhìn thấy vùng đồi bị phá rừng. Nếu chỉ tính khoảng thời gian phá rừng theo ngành Kiểm lâm Bình Định báo cáo từ ngày 4 đến 31-8, trong khi ông Hạt trưởng Kiểm lâm đi học từ ngày 7 đến 17-8, tức sau nửa tháng khi ông Hạt trưởng Hạt kiểm lâm hoàn thành khóa học, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra. Thế nhưng Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định vẫn “bỏ qua” trách nhiệm cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. An Lão, bỏ qua chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy.

Việc thực hiện kế hoạch truy quét và tuần rừng của lực lượng Kiểm lâm An Lão cũng có vấn đề không nhất quán trong báo cáo và thực tế. Ông Tá khẳng định: Anh em có truy quét tiểu khu 1 nhưng ở các khoảnh khác, bỏ qua khoảnh 7 và 8, trong khi tiểu khu 1 có 9 khoảnh. Như vậy, tại sao lực lượng kiểm lâm lại “bỏ qua” địa điểm đúng nơi rừng bị tàn phá suốt một thời gian rất dài?

Theo ông Phan Trọng Hổ, gần đây có một người chăn trâu đến gặp tổ công tác và tự nhận mình là người phá rừng. Người này làm thuê và trước đây cũng là lái xe cho ông Lê Văn Thiệt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Cty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo (doanh nghiệp bị tình nghi phá rừng). Điều kỳ lạ hơn, rất nhiều người tự nhận mình là người phá rừng. Theo nhận định ban đầu, các đối tượng này được chủ mưu phá rừng thuê để nhận trách nhiệm chia nhỏ phần rừng bị phá hòng chạy tội.

Qua các bước điều tra, xác minh, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 27m3 gỗ và 28 ster củi trong nhà máy chế biến dăm gỗ tại thôn Tường Sơn, xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn). Về việc này, ông Phan Trọng Hổ nói: Qua khảo sát bằng mắt thường nhận biết số gỗ này có nguồn gốc từ vùng rừng bị phá. Nhà máy chế biến dăm gỗ này thuộc Cty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo.

Đáng chú ý, trong các báo cáo, làm việc gần đây của Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm Bình Định luôn “bỏ qua” chi tiết có đến 30ha rừng gần khu vực rừng vừa bị tàn phá đã được Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo trồng keo lai từ 2 - 3 năm qua.

B.T – TTXVN