Vụ phá rừng pơmu tại khu vực biên giới Cửa khẩu Nam Giang: Không loại trừ có sự liên kết tổ chức phá rừng

Thứ sáu, 22/07/2016 11:21

*  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ CA điều tra

(Cadn.com.vn) - Đến thời điểm này, qua những diễn biến đã xảy ra của vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực biên giới Cửa khẩu Nam Giang (CKNG), nhiều người cho rằng đây không đơn thuần là việc bảo kê phá rừng mà nghiêm trọng hơn, đó là việc các ngành chức năng tại đây liên kết đứng ra tổ chức phá rừng pơmu.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam vào kiểm tra rừng pơmu bị phá.

Chưa khi nào một vụ vi phạm tài nguyên lâm khoáng sản ở Quảng Nam lại được sự quan tâm của các ngành chức năng và cơ quan truyền thông báo chí như vụ này. Bởi thế, đoàn kiểm tra do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 20-7 có đông đảo các ngành chức năng và các đơn vị liên quan như Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, CA… Gần 20 cơ quan báo, đài có mặt tại hiện trường vụ phá rừng để ghi nhận thực tế. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để làm rõ vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này.

Nói đến rừng pơmu ở Quảng Nam, người ta nghĩ ngay đến H. Tây Giang, nơi có quần thể pơmu được xem quý hiếm nhất của cả nước. Nhưng tại khu vực rừng pơmu ở H. Nam Giang, một quần thể pơmu cũng không kém phần quý hiếm thế nhưng không nhiều người biết đến, kể cả lãnh đạo H. Nam Giang. Vì lâu nay, khu vực biên giới trên là “bất khả xâm phạm”. Và khi vụ phá rừng này bị phát hiện, mọi người mới biết sự tồn tại của một quần thể pơmu tại đây.

Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam không khỏi tự hào cho biết: Cả nước hiện chỉ còn lại 4 tỉnh có quần thể pơmu tồn tại, trong đó có Quảng Nam. Nhưng lâu nay nói đến pơmu, người ta chỉ nghĩ đến Tây Giang. “Người địa phương bao đời nay sống với rừng, gắn kết với rừng, rừng khu vực này giống như tài sản của cha ông để lại, nhưng gần đây khi họ đến khu vực biên phòng quản lý thì họ không được vào, phải xin phép. Từ đó người dân có sự so sánh, họ cho rằng sao thấy mấy ông lâm tặc vào được, còn mình là người dân địa phương nhưng cán bộ biên phòng lại không cho mình vào” - ông Đức nêu vấn đề trong buổi làm việc với các ngành chức năng chiều 20-7 tại khu vực CKNG.

Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Trung Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKNG cũng tái khẳng định ý kiến của mình việc lực lượng CA phát hiện gần 8,2m3 gỗ pơmu cất giấu trong khuôn viên Chi cục Hải quan CKNG. Ông Thịnh cho rằng Chi cục hiện nay đang đóng tạm trên đất của khu thương mại, chỉ có trụ sở, ngoài ra là bãi thuộc quản lý của khu kinh tế. Trụ sở rất tạm bợ, do vậy số gỗ do một số doanh nghiệp nhập khẩu và bạn Lào quan tâm hỗ trợ. Ông Thịnh cũng khẳng định gỗ đã phát hiện tại khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan không trùng khớp với nhóm gỗ đã khai thác trong vụ án.

Một người địa phương được thuê gùi gỗ pơmu ra khỏi rừng. Ảnh do người dân cung cấp.

Tuy nhiên, từ hình ảnh P.V Báo Công an TP Đà Nẵng thu thập được, đa phần số gỗ pơmu bị phát hiện trong nhà kho của Chi cục Hải quan CKNG giống với số gỗ đã khai thác trong vụ án, từ phách gỗ đến kích thước...

Nói về việc vận chuyển số gỗ pơmu ra khỏi rừng, một kiểm lâm địa bàn cho biết, 1m3 gỗ pơmu ở đây có giá khoảng 20 triệu đồng, nhưng với nguồn gốc gỗ pơmu trăm năm tuổi như ở khu rừng pơmu này nếu chuyển ra đến Hà Nội, TPHCM, nơi mà giới “đại gia” chuyên sưu tầm loại gỗ quý này trang trí nhà cửa thì giá cao gấp nhiều lần.

Qua kiểm tra cho thấy gỗ pơmu mà “lâm tặc” xẻ thành phách theo quy cách. Pơmu là loại gỗ có trọng lượng tương đối nhẹ hơn so với các loại gỗ khác, mỗi phách như trên nặng khoảng 60kg. 8 phách được một mét khối. “Để vận chuyển được 1 m3 gỗ pơmu ra điểm tập kết gần đường lớn cách khoảng 4km thì đối tượng cầm đầu bỏ ra 2,5 triệu đồng để thuê người gùi. Và hàng trăm phách gỗ pơmu như vậy đã được gùi ra khỏi rừng” - kiểm lâm địa bàn nói.

Qua quan sát tại hiện trường cho thấy, ngoài những cây bị đốn hạ, “lâm tặc” còn cưa ngang thân hàng chục cây pơmu khác để “thăm dò”. Cây nào có lỗ boọng ở giữa hoặc không đạt tiêu chuẩn thì chúng không lấy, nhưng cây vẫn còn đứng thẳng, chưa ngã đổ. Những cây pơmu bị cưa giữa chừng này không ngã xuống ngay nhưng sẽ chết. Khi ở trong hiện trường, thấy có quá nhiều cây bị tác động như trên, nhận định được sự nguy hiểm về tính mạng cho các thành viên đoàn công tác, Đại tá Nguyễn Viết Lợi - Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam đã đề nghị mọi người di chuyển ra khu vực an toàn để tránh những cây pơmu bị cưa ngang có thể đổ ngã bất cứ lúc nào...

Gỗ pơmu phát hiện tại khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan trùng khớp với nhóm gỗ
đã khai thác trong vụ án.

Theo tìm hiểu của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, người dân địa phương cho rằng có sự thông đồng giữa các ngành chức năng tại đây nên mới có đường dây phá rừng quy mô lớn như vậy. “Có khả năng gỗ sau khi tập kết ra khu vực bên kia biên giới sẽ được hải quan nước mình hợp thức giấy tờ, cho thông quan về Việt Nam. Có tổ chức và hệ thống như thế họ mới dám làm cả nhà kho để chứa gỗ và ngang nhiên khai thác một cách rầm rộ như vậy” - một người dân đặt nghi vấn. Và nghi vấn như trên chưa biết có chính xác hay không, nhưng đây cũng là một nguồn tin để CQĐT làm rõ.

Còn ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định vụ việc mang tính chất có tổ chức, vi phạm pháp luật một cách rõ ràng nên mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục theo dõi, đề cập những diễn biến của vụ việc, cùng các cơ quan có liên quan sớm đưa các đối tượng vi phạm ra trước ánh sáng pháp luật.

Về phía BCH BĐBP tỉnh Quảng Nam, Đại tá Nguyễn Đăng Chung - Chỉ huy phó BCH BĐBP tỉnh cho biết, liên quan đến vụ việc này, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triệu hồi Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng CKNG và Đồn trưởng ĐBP CKNG ra Hà Nội làm việc. “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm thiếu sót trong việc quản lý, để xảy ra vụ việc như vậy” - ông Chung nói.

Hiện vụ việc đang được CQĐT tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trần Tân