Vụ phá rừng "vô tiền khoáng hậu" tại Quảng Trị: Dựa bão phá rừng

Thứ năm, 20/03/2014 11:14

(Cadn.com.vn) - Chỉ trong một thời gian ngắn, gần như toàn bộ hơn 100 ha diện tích rừng trên cát được trồng theo dự án 661 hơn 10 năm trước tại thôn 1 và thôn 2 xã Hải Thiện (H. Hải Lăng, Quảng Trị) đã trống trơn. Phóng tầm mắt ra xa có thể bao quát cả rú chỉ còn mênh mông là cát. Những gì sót lại của rừng tràm đen hiện chỉ là vô vàn gốc cây. Nhìn kỹ có thể phát hiện ra trong số đó có một phần cây gãy, nghiêng ngả do bão, gốc đã bật hoặc xiêu đổ. Nhưng đó chỉ là con số ít. Phần lớn rừng bị tàn phá là do bàn tay con người.

Tại sao một dự án lớn lại có số phận bi đát đến như vậy?

Được biết, tình trạng tàn phá rừng manh nha sau cơn bão 11, 12 năm 2013. Lúc đó, có một bộ phận cây gãy đổ, một số người dân thôn 1 và thôn 2 vào thu gom về làm chất đốt. Sau đó thì thừa cơ hội "tận thu" cây ngã đổ do bão, hàng trăm người ồ ạt "tấn công" chặt phá rừng phòng hộ, có lúc "hiện trường" đông như hội. Phát hiện CA, dân quân, kiểm lâm, đoàn người tháo chạy. Nhưng rồi họ lén lút trở lại khi vắng bóng lực lượng chức năng. Mặt khác, tuy gọi là rừng dự án nhưng đang...vô chủ nên tình trạng chặt phá diễn ra ồ ạt.

Gốc cây xiêu vẹo do bão tại dự án rừng trên cát.

Tại sao lại có chuyện khó hiểu như vậy?

Ông Phan Kế Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Hải Thiện cho biết, thực hiện hợp đồng dự án trồng rừng 661 phòng hộ trên cát (trên địa bàn thôn 1 và 2), từ năm 2001 đến 2003 đã có 5 hộ gia đình được giao trồng rừng tổng cộng hơn 100 ha. Các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ đúng chế độ. Năm 2007, sau khi rà soát, diện tích rừng phòng hộ trên được chuyển thành rừng sản xuất theo quy định Nhà nước.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 147, trong đó có chế độ cho người trồng rừng dự án 661 được chuyển thành chủ rừng để quản lý. Mấy năm qua, H. Hải Lăng cũng đã tập trung thực hiện thủ tục bàn giao nhiều diện tích rừng sản xuất vùng gò đồi, đã xác lập chủ rừng, tuy nhiên, đối với diện tích rừng phòng hộ trên cát, mà cụ thể tại xã Hải Thiện, huyện lại chậm thực hiện bàn giao dự án về cho xã. Vì vậy, xã chưa có hướng giải quyết tiếp theo, hoặc là chuyển giao cho hộ gia đình khai thác, quản lý hoặc trực tiếp làm chủ rừng.

Ngày 18-3- 2014, ông Dương Viết Hải, Trưởng Phòng NN và PTNT H. Hải Lăng xác nhận chưa bàn giao dự án rừng trên cát về cho xã Hải Thiện, chưa xác định được chủ rừng của hơn 100 ha trên. Thiếu vắng chủ rừng dẫn đến công tác bảo vệ, quản lý rừng tất lỏng lẻo, sơ hở. Và việc tàn phá rừng này trở thành chuyện hy hữu chưa từng có. Bao nhiêu đầu tư của Nhà nước trong quá trình thực hiện dự án đã "tiêu" sạch.



Dự án hơn 100 ha rừng trên cát đã biến mất.

 Trưởng CAX Hải Thiện Lê Ngọc Trình cho biết, quá trình truy quét, ngăn chặn người dân thôn 1, thôn 2 và xã lân cận vào chặt phá đã thu gom số cây khoảng 30 khối và đã thanh lý được hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, đa số là cây nhỏ, kém phát triển người dân lấy về làm chất đốt. Tổng cộng có 3 đợt truy quét với nhiều lực lượng tham gia, trong đó có lực lượng CAH, Kiểm lâm, tuy nhiên, sau khi rút đi, người dân lại ào ra chặt trộm, lợi dụng đêm tối hoặc các ngày thứ bảy, chủ nhật nên không thể ngăn chặn triệt để.

Một cán bộ xã cũng chia sẻ đã tổ chức họp dân, vận động nhưng không có kết quả, thậm chí người dân chặt xong còn mang cây con ra trồng mới. Qua tìm hiểu, được biết người dân thôn 1 và thôn 2 không đồng tình giao đất, xác lập chủ rừng cho các hộ trồng rừng trên vì theo họ việc người trồng rừng đã được hưởng lợi từ dự án là quá rõ và quá đủ. Còn đất là của tập thể, của chung, không thể giao cho riêng 5 hộ hưởng lợi thành chủ rừng.

Ông Phan Kế Quỳnh cho biết thêm CAH đang điều tra làm rõ vụ phá rừng này. Cũng đã tiến hành gọi hỏi nhiều người dân. Nhưng dù kết quả thế nào thì việc biến mất một cách oan uổng của rừng dự án là dấu hỏi lớn về trách nhiệm đối với cơ quan chức năng tại H. Hải Lăng.

Bảo Hà