Vụ tham ô tài sản ở Cty TNHH MTV Bình Dương: Trả hồ sơ điều tra bổ sung vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Ngày 14-5, Tòa án Quân sự Quân khu 5 mở phiên tòa xét xử Dương Công Tư (1979, trú Tổ 4, P. Thắng Lợi, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, nguyên là Thượng úy quân đội, trợ lý Phòng kế hoạch- Kinh doanh, Cty TNHH MTV Bình Dương, Binh đoàn 15) về tội "Tham ô tài sản".
Bị cáo Dương Công Tư |
Theo cáo trạng, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su, trong các năm từ năm 2010 đến 2012, Cty TNHH MTV Bình Dương (gọi tắt là Cty Bình Dương) được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư phát triển cao su trên địa bàn các xã Ia Me và Ia Púch, H. Chư Prông, Gia Lai. Quá trình thực hiện dự án, Trần Văn Khanh (nguyên Đại tá- Giám đốc Cty Bình Dương) đã triển khai lập ban chỉ đạo đền bù nương rẫy và phối hợp với UBND các xã Ia Me và Ia Púch thỏa thuận, thống nhất mức giá hỗ trợ, đền bù nương rẫy, cây hoa màu cho các hộ dân trong khu vực có quy hoạch. Khanh giao cho Dương Công Tư trực tiếp thực hiện tất cả các công việc liên quan đến đền bù như lập danh sách hộ dân, số liệu diện tích nương rẫy, hoa màu..., trực tiếp tạm ứng tiền chi trả cho dân và hoàn tất hồ sơ thủ tục, chứng từ thanh toán.
Hằng năm, sau khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh Gia Lai, Tư trực tiếp đến những nơi có diện tích đất nương rẫy của dân (chủ yếu là người đồng bào dân tộc Gia Rai) để xác định diện tích đất rẫy tự khai hoang, các loại cây trồng và số lượng chòi trên rẫy; hoặc phối hợp với các đội trưởng đội sản xuất cao su Hoàng Thanh Hải, Ngô Minh Quang nắm và cung cấp số liệu về danh sách hộ dân, diện tích nương rẫy để Tư áp theo đơn giá đền bù, lập biên bản phân loại nương rẫy và thống nhất thỏa thuận tiền đền bù... Quá trình thực hiện nhiệm vụ, để chiếm đoạt tiền của Nhà nước, ngoài những hộ dân có tên theo danh sách đã được xác định thực tế, Tư còn tự ý lập khống danh sách nhiều hộ dân (bằng thủ đoạn gian dối như lấy họ tên, địa chỉ trong danh sách người dân được đền bù từ những năm 2006, 2007 và những người do Tư tự đặt tên, địa chỉ mà không có lưu trú, tạm trú, thường trú trên địa bàn); lập khống diện tích đất tự khai hoang; lập khống số tiền chi trả... làm cơ sở tạm ứng tiền ở Cty Bình Dương sau đó trả cho dân phần thực tế, phần lập khống Tư chiếm đoạt.
Để hồ sơ thanh toán được hợp thức thủ tục, chứng từ bằng số tiền tạm ứng, Tư đã nhờ các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số biết chữ ký vào những chứng từ lập khống ở mục đại diện hộ gia đình, Tư ký vào mục tổ công tác đền bù, trình Kế toán trưởng qua các năm là Nguyễn Duy Hòa và Bùi Đức Toản ký ở mục Phòng Tài chính kế toán, trình Trần Văn Khanh ký ở vị trí Giám đốc, sau đó nhờ chủ tịch ở các xã Ia Me và Ia Púch ký xác nhận ở mục đại diện xã, để hoàn tất thủ tục hồ sơ, chứng từ đề nghị thanh toán và tất cả đều được duyệt thanh toán qua từng năm 2010, 2011 và 2012. Qua quá trình điều tra còn xác định có 6 trường hợp được Dương Công Tư đền bù thực tế, nhưng không đưa vào hồ sơ thanh quyết toán với số tiền hơn 18 triệu đồng và 2 trường hợp do Hoàng Thanh Hải cung cấp không đúng sự thật làm Tư tin tưởng chi trả. Theo đó, Dương Công Tư đã lập hồ sơ, chứng từ đền bù nương rẫy, được duyệt thanh toán với tổng số tiền là 2,015 tỷ đồng, trong đó, Tư đã chi trả đền bù thực tế số tiền 541,911 triệu đồng, phần quyết toán khống đã chiếm đoạt là 1,473 tỷ đồng.
Tại phiên xét xử, Dương Công Tư thừa nhận các hành vi sai phạm của mình, bị cáo lập các hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng, mình thực hiện các hồ sơ khống đều là do sự chỉ đạo của Giám đốc Trần Văn Khanh. Bị cáo Tư còn khai và cung cấp chứng cứ liên quan đến việc bị cáo được Giám đốc Khanh chỉ đạo chuyển các khoản tiền khai khống hồ sơ có được đó vào tài khoản của con gái ông Khanh và nhiều lần chuyển tiền cho chủ thầu thi công công trình nhà ở của ông Khanh...
Đối chất tại phiên tòa, Trần Văn Khanh khẳng định mình không hề chỉ đạo cho Dương Công Tư lập các hồ sơ khống, chỉ vì quá tin tưởng Tư nên ông mới ký các hồ sơ. Khi được hội đồng xét xử hỏi về số tiền mà bị cáo Tư cho rằng ông Khanh chỉ đạo bị cáo chuyển cho con gái và đơn vị thi công nhà mình, ông Khanh khai, chưa bao giờ ông chỉ đạo Tư chuyển tiền cho ai, cũng như ông Khanh không lấy trực tiếp một xu nào; còn đối với những bằng chứng bị cáo Tư đưa ra thì ông đề nghị cơ quan chức năng làm rõ từ đâu mà có, vì vợ con ông không hề nhận số tiền nào từ Tư(?).
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, cũng như sau một ngày xét hỏi, thẩm tra, tranh tụng tại phiên tòa, hội đồng xét xử Tòa án Quân sự Quân khu 5 đã quyết định tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung các vấn đề sau đây: tại phiên tòa, Dương Công Tư cung cấp các tài liệu và cho rằng Trần Công Khanh yêu cầu bị cáo chuyển số tiền có được do làm khống cho con gái Khanh và nhiều lần chuyển tiền cho các đội thi công xây dựng nhà của Khanh với tổng số tiền là 538 triệu đồng; đề nghị điều tra làm rõ số tiền này có phải là số tiền Tư chiếm đoạt của Cty Bình Dương trong vụ án; điều tra làm rõ, xử lý theo pháp luật đối với hành vi của Trần Văn Khanh, Nguyễn Duy Hòa, Bùi Đức Toản và Hoàng Thanh Hải trong vụ án.
T.H