Vụ thảm sát kinh hoàng trên sông Mekong

Thứ sáu, 11/11/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 8-11, Trung Quốc tuyên bố sẽ vũ trang cho tàu tuần tra trên sông Mekong cùng với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á là Lào, Thái Lan, Myanmar để bảo vệ các tàu thuyền qua lại sau khi xảy ra vụ tấn công tại khu vực này làm 13 thuyền viên Trung Quốc thiệt mạng, hồi tháng 10.

Ác mộng “Tam giác vàng”

Đầu tháng 10, dư luận Trung Quốc và các nước quanh sông Mekong bàng hoàng trước vụ 13 thành viên thủy thủ đoàn người Trung Quốc bị tấn công trên sông Mekong gần vùng “Tam giác vàng” - khu vực được coi là một điểm nóng về buôn bán ma túy nằm giữa biên giới 3 nước Lào, Thái Lan và Myanmar.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong số người bị sát hại có cả hai phụ nữ làm nghề nấu bếp sau khi hai tàu Hua Ping 8 - vận chuyển nhiên liệu và Yu Xing 8 - vận chuyển hàng hóa là tỏi và táo đã bị cướp hôm 5-10. Trên boong tàu, người ta đã phát hiện thi thể của một người đàn ông bị bắn chết, bên cạnh là khẩu súng trường loại Kalashnikov. Sau này người ta xác định được ông ta chính là một thành viên trong nhóm buôn lậu. Trong những ngày tiếp theo, thi thể của 12 thành viên phi hành đoàn khác trôi nổi trên sông. Hầu hết các nạn nhân đều bị trói, bị nhét giẻ vào miệng, bịt mắt bằng băng dán và bị bắn chết. Cho đến ngày 10-10, nạn nhân cuối cùng được tìm thấy là thuyền trưởng Yang Deyi của tàu Yuxing 8.

 Vùng tam giác vàng trên sông Mekong. Ảnh: Allvoice 

Ngay sau vụ tấn công, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Chiang Mai lập tức điều tra vụ việc đồng thời đề nghị “các nước liên quan” áp dụng những biện pháp hữu hiệu để tăng cường bảo vệ tàu và thủy thủ trên sông Mekong. Cảnh sát Thái Lan sau đó đã thu giữ cả 2 chiếc tàu trên cùng với 920.000 viên ma túy methamphetamine trị giá 100 triệu baht (tương đương với 3,22 triệu USD) sau cuộc đấu súng kéo dài hơn 30 phút với băng nhóm tội phạm. Các nhà điều tra Thái Lan nghi ngờ rằng, một tổ chức buôn lậu ma túy dân tộc thiểu số Tai Yai do No Kham đứng đầu đứng sau vụ tấn công này.

Theo dữ kiện đã sắp xếp thì các thủy thủ trên hai tàu hàng Trung Quốc đã bị “kẻ buôn lậu ma túy” sát hại tại phía Bắc biên giới Thái Lan.  Sau đó, chúng cướp hai chiếc tàu buôn đó sử dụng chuyển lậu ma túy từ Myanmar tới Thái Lan. Vậy nên vào khoảng 13 giờ 30 ngày 5-10, cảnh sát Thái Lan phát hiện 2 tàu hàng nói trên đang đi trên sông Mekong, đoạn thuộc Chiang Saen. Do thấy dấu hiệu khả nghi, cảnh sát yêu cầu 2 tàu dừng lại để kiểm tra. Bất ngờ, những kẻ trên tàu xả đạn về phía cảnh sát buộc họ phải bắn trả. Sau gần 30 phút đấu súng, một người trên tàu bị bắn hạ trong khi khoảng 10 tên khác kịp nhảy xuống sông tẩu thoát.

Gia đình của 13 thủy thủ Trung Quốc đến tỉnh Chiang Rai của Thái Lan. Ảnh: Chinadaily

Những kẻ giết người là binh sĩ Thái Lan - thật và giả

Trước áp lực và sự hợp tác từ phía Trung Quốc, Thái Lan đã bắt giữ được những sát thủ máu lạnh. Điều bất ngờ, đó chính là những binh sĩ thuộc quân đội Thái Lan đang làm nhiệm vụ cho một đội phòng chống ma túy. 9 binh sĩ này đã ra tự thú ở tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thái Lan hôm 28-10 sau khi cảnh sát phát lệnh bắt giữ.

Tư lệnh Cảnh sát Thái Lan, tướng Priewpan Damapong khẳng định: “Hành động của họ là không thể chấp nhận được, song không liên quan gì đến quân đội Thái Lan”. Theo ông Damapong, trùm buôn lậu ma túy No Kham có thể đứng đằng sau vụ tấn công trên. Tên cướp 51 tuổi này cùng băng nhóm của y khoảng từ 30 đến 50 tay súng thiện xạ đã hoạt động từ rất lâu giữa khu vực “Tam giác vàng” và phía bắc làng Xiang Kok. Với cách thức hoạt động thông minh và nhiều hiểu biết, băng nhóm tội phạm này hiếm khi bị  quan chức an ninh địa phương “quấy rầy”.

Tuy nhiên, giả thuyết vừa đưa ra này có hai lỗ hổng lớn. Đầu tiên, có lẽ không ai có thể giải thích được lý do tại sao những tên cướp có thể nhảy xuống biển trốn thoát cùng với vũ khí của mình trong khi lực lượng Thái Lan được trang bị ít nhất là một tàu cao tốc. Lý do thứ hai, cơ bản hơn đó là chưa rõ lý do tại sao những kẻ buôn lậu ma túy – vốn có những tàu cao tốc chuyên dụng lại cướp những con tàu to, chậm và dễ thấy như tàu hàng Trung Quốc để vận chuyển ma túy?

Bên cạnh đó, mục đích tấn công của các tên cướp trên có liên quan đến ma túy cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề. Ít nhất, không ai có thể giải thích lý do tại sao những tên cướp đã để lại lô hàng có giá trị lên đến hàng triệu USD ở trên tàu. Hơn nữa, việc giết chết toàn bộ thủy thủ đoàn, bao gồm cả phụ nữ, vừa không cần thiết vừa không phải là tính cách của trùm ma túy No Kham. Bởi No Kham là ông trùm từ lâu chỉ cướp tàu và bắt giữ người để đòi tiền chuộc chứ chưa có tiền lệ giết người như thế. 

Như vậy, theo các chuyên gia, chỉ còn tồn đọng hai vấn đề lớn. Đầu tiên, đơn vị cảnh sát Thái Lan đang hoạt động bí mật hoặc bán bí mật ngoài biên giới Thái Lan. Lực lượng đặc biệt Thái Lan đã thu thập thông tin tình báo và tiến hành cuộc chiến chống ma túy tại khu vực người Shan chưa có luật pháp - nơi quân đội Myanmar không thể hoặc chưa kiểm soát được. Và một điều chắc chắn rằng, các đơn vị trên đã ngẫu nhiên bắt giữ hai tàu Trung Quốc vô tội, vận chuyển ma túy trên hai con tàu này, sát hại phi hành đoàn và sau đó đã dựng nên cái chết “buôn lậu” hoàn chỉnh.

Lời kết

Với tính chất phức tạp và tàn bạo của vụ việc, Chiang Mai, nhà phân tích hoạt động buôn bán ma túy cho rằng, số lượng ma túy trong vụ này thực sự lớn hơn nhiều so với 920.000 viên ma túy được thu giữ trên tàu. Và phần lớn số lượng còn lại có khả năng đã vào đến  biên giới Lào hoặc Myanmar tại phía bắc của khu vực “Tam giác vàng”. Cũng theo ông này, việc các binh sĩ Thái Lan thực hiện vụ tàn sát này chỉ là một cái cớ che giấu hoạt động ngầm của cảnh sát Thái Lan?

Thanh Văn
(Theo Asia Times)