Vụ vỡ đập ở Lào và “sức ép” trên sông Mekong

Thứ bảy, 28/07/2018 11:29

Vụ vỡ đập Setien Senamnoi đã đặt ra câu hỏi về tiêu chuẩn xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong, trong chiến lược trở thành “Ắc quy của Đông Nam Á” của Lào.

Người dân ở tỉnh Attapeu, Lào bắt đầu trở về nhà dọn dẹp bùn sau lũ.  Ảnh: AP

Cho đến nay, vụ vỡ đập ở Lào đã khiến ít nhất 27 người thiệt mạng trong khi 131 người vẫn mất tích. Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực ngày đêm tìm những người mất tích và cung cấp thực phẩm cứu trợ cho hơn 6.000 người phải di tản.

Giới chức Lào đã vào cuộc điều tra vụ việc này, vốn được cho là rất có thể là do mưa lớn hoặc kỹ thuật xây dựng yếu kém. Trong đó, theo các nguồn tin, các giới chức đang nghiêng về khả năng xảy ra sai sót trong quá trình xây dựng đập  bởi vì mực nước dâng cao do mưa lớn không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến vụ vỡ đập vốn đã được hoàn thành 90%.

Lào và chiến lược trở thành “Ắc quy của Đông Nam Á”

Giới phân tích cho rằng, vụ vỡ đập Setien Senamnoi đã đặt ra câu hỏi về tiêu chuẩn xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong, trong chiến lược trở thành “Ắc quy của Đông Nam Á” của Lào.

Ngoài mối lo ngại về tổn thất con người sau vụ vỡ đập Setien Senamnoi, thảm họa này một lần nữa tập trung sự chú ý vào tác động lâu dài của việc mở rộng các đập thủy điện khổng lồ trên lưu vực sông Mekong. Sự chú ý của cộng đồng quốc tế có xu hướng hướng đến các đập thủy điện đang hoạt động và dự kiến sẽ sớm đưa vào hoạt động trên dòng chính của sông Mekong ở Lào. Nhưng thực tế, Lào hiện có kế hoạch xây dựng lên đến 120 đập trên các nhánh của sông Mekong, và đập thủy điện Setien Sennamnoi ở tỉnh Attapeu ở phía nam Lào là một ví dụ cụ thể.

Với Lào, việc mở rộng các đập nhánh lớn nhất được lên kế hoạch như là một phần trong quyết tâm của quốc gia này trở thành “Ắc quy của Đông Nam Á”. Vientiane đang nỗ lực hoàn thành các đập khổng lồ Xayaburi và Don Sahong, và không có ý định ngừng xây dựng trên các nhánh của sông Mekong. Lào dựa vào chiến lược xây dựng hàng loạt đập thủy điện để đem về nguồn thu khổng lồ. Nhưng trên thực tế, nguồn tiền thu về không hoàn toàn chảy vào ngân sách quốc gia cho đến 20-30 năm sau. Vì Lào chủ trương xây thủy điện theo hình thức BOT. Tức là, các Cty nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc chi tiền để xây đập thủy điện và chỉ bàn giao lại cho chính phủ theo hợp đồng đã ký, thường là sau 20-30 năm. Mặc dù Trung Quốc thường chiếm trọn các dự án xây đập thủy điện ở Lào, trong trường hợp đập Setien Senamnoi, các Cty tham gia xây dựng đến từ Hàn Quốc và Thái Lan, với nguồn điện được tạo ra để bán cho Thái Lan.

Và chiến lược của Lào tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về môi trường, đời sống của người dân tại các khu vực xung quanh dự án thủy điện. Đã có những cảnh báo sẽ có những tác động chính trong tương lai đối với nguồn cá, sẽ ảnh hưởng đến mưu sinh của hàng triệu người dựa vào sông Mekong để sinh tồn. Thảm họa vỡ đập Setien Senamnoi cũng cho thấy nhiều lỗ hổng trong việc xây dựng các con đập. và nếu xảy ra vụ việc tương tự, Lào sẽ tốn rất nhiều tiền của để khắc phục sự cố, bồi thường cho người dân.

Giải pháp nào?

Vụ vỡ đập Setien Senamnoi làm bùng nổ những tranh cãi gay gắt quanh chiến lược trở thành “Ắc quy của Đông Nam Á” của Lào, quốc gia hiện có hàng chục dự án thủy điện khác đang được xây dựng với mục tiêu chủ yếu là xuất khẩu điện sang các nước khác. Các nhà chức trách Lào hiện đã ra lệnh giám sát chặt chẽ hơn các công trình thủy điện trong khi mở cuộc điều tra lý do tại sao đập Setien Senamnoi bị vỡ  khi chuẩn bị hoàn thành để đưa vào hoạt động.

Trong thông tin mới nhất, tờ Vientiane Times cho biết, Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào đã ra lệnh giám sát chặt chẽ hơn mực nước trong các hồ chứa và các điều kiện tại các khu vực đập thủy điện. Tuy nhiên, mối lo vẫn còn đó. Trong ngày 27-7, nước lũ từ từ rút trong khi người dân bắt đầu trở về nhà để dọn dẹp bùn đất. Nông dân Kongvilay và vợ Thongla Inthavong trở về sau khi trải qua 2 đêm tại nơi trú tạm để dọn dẹp ngôi nhà gỗ ngập trong bùn của mình. Gia đình ông rời khỏi nhà trong một cuộc chạy đua khi mực nước tăng lên đến 2m chỉ 1 giờ sau khi đập bị vỡ vào tối 23-7. “Tôi lo lắng, thảm họa tương tự có thể xảy ra một lần nữa”, ông Thongla nói với phóng viên của hãng tin AP. “Nhưng chúng tôi không thể sống ở bất cứ nơi nào khác. Chúng tôi đã ở đây suốt nhiều thế hệ”, ông nói thêm.

International Rivers, một nhóm phi chính phủ, cho biết, thảm họa lần này cho thấy cần phải cải thiện các hệ thống cảnh báo. “Với hơn 70 dự án thủy điện hiện đang được xây dựng và đang được lên kế hoạch trên khắp nước Lào - hầu hết đều do các Cty tư nhân sở hữu và điều hành, cần phải xem xét ngay lập tức các đập đang được lên kế hoạch, thiết kế và quản lý như thế nào”, nhóm này cho biết.

Setien Senamnoi là đập thủy điện đầu tiên ở Lào do một Cty Hàn Quốc xây dựng. Đó là Cty Xây dựng và Kỹ thuật SK. Trong ngày 27-7, Hàn Quốc quyết định phái một đội cứu trợ thảm họa đến Lào vào cuối tuần này và cung cấp 1 triệu USD viện trợ khẩn cấp cho quốc gia Đông Nam Á này. Đội cứu trợ thảm họa của Hàn Quốc gồm 15 bác sĩ và 5 nhân viên hỗ trợ sẽ tới Lào vào ngày 29-7 tới. Các mặt hàng viện trợ gồm chăn, đồ dùng vệ sinh và một số nhu yếu phẩm khác sẽ được máy bay vận tải quân sự của Hàn Quốc chuyển tới Lào.

KHẢ ANH