"Vua" lừa trả giá
Để có tiền sử dụng cá nhân, Nguyễn Khắc Lương (1985, trú xã Trường Giang, H. Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) đã "múa mép" có khả năng xin việc, có chung cư, có đất dự án để bán... nhằm nhận tiền cọc sau đó bỏ túi. Với số tiền chiếm đoạt của 13 người gần 3 tỷ đồng, bộ mặt thật của "vua" lừa đảo đã bị lật tẩy và y đã phải trả giá.
Bị cáo Lương. |
Thực tế thì Lương không có nghề nghiệp ổn định, cũng không có đất tại các dự án bất động sản, không có nhà chung cư hay đất đai cũng như chức vụ, quyền hạn... để bán, xin việc cho người khác. Vậy nhưng, bằng khả năng "khua môi, múa mép" điêu luyện, y đã nhận được tiền đặt cọc mua bán chuyển nhượng đất tại Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, bán căn hộ chung cư tại Khu chung cư Phước Lý, chuyển nhượng đất ở và xin việc để nhận tiền "cự" rồi chiếm đoạt.
Hành vi phạm tội đã rõ ràng, tuy nhiên ngay sau khi Viện Kiểm sát (VKS) công bố cáo trạng, Lương không thừa nhận hành vi lừa đảo. Trong đó, đối với việc chiếm đoạt của bà Trần Thị Tuyết số tiền 175 triệu đồng, y một mực khẳng định đó không hề có hành vi lừa đảo. Theo Lương, đó chỉ là quan hệ dân sự vay mượn tiền, vì giữa bị cáo và bà Tuyết có ghi "giấy mượn tiền". Trước sự "giảo biện" này, bà Tuyết khẳng định, số tiền mà bà đưa cho Lương bao gồm tiền xin việc và tiền nhập hộ khẩu. Cụ thể, đầu tháng 6-2014, thông qua giới thiệu của Phạm Như Ngọc, bà gặp Lương và được Lương hứa hẹn là có thể xin được việc tại Bệnh viện C hoặc Trung tâm y tế H. Hòa Vang (Đà Nẵng) với chi phí là 150 triệu đồng. Ngoài ra, Lương hứa hẹn làm thủ tục nhập hộ khẩu cho Trần Thị Thơ vào Đà Nẵng với chi phí 25 triệu đồng. Lương yêu cầu bà Tuyết đặt cọc trước 70 triệu đồng và hẹn thời hạn xin việc và nhập hộ khẩu là 3 tháng kể từ ngày nhận tiền cọc. Theo yêu cầu của Lương, bà Tuyết liên tục đưa cho Lương 7 lần tiền với số tiền 175 triệu đồng. Nói về "giấy mượn tiền" mà Lương ghi cho mình, bà Tuyết cho hay bà đã có thắc mắc rõ ràng đó là tiền xin việc và nhập khẩu vì sao không ghi mà ghi giấy nhận tiền, Lương nói với bà "để sau này có gì dính đến pháp luật không phức tạp". Điều này cho thấy, bị cáo Lương đã có tính toán từ trước khi thực hiện hành vi phạm tội.
Không chỉ riêng bà Tuyết, những nhân chứng chứng kiến việc bà Tuyết đưa tiền cho Lương đều khẳng định đó là tiền Lương nhận để xin việc. Mặc dù Lương khai sau khi nhận hồ sơ và tiền có gặp và nhờ một số người khác để nói về việc tuyển dụng, tuy nhiên những người này đều không có chức năng, nhiệm vụ gì liên quan đến việc tuyển dụng biên chế vào làm việc tại Bệnh viện C hay Trung tâm y tế H. Hòa Vang và không nhận hồ sơ hay tiền từ Lương để xin việc. Số tiền nhận của bà Tuyết, Lương dùng tiêu xài và trả nợ.
Cũng với chiêu bài "chạy việc" và cũng viết giấy mượn tiền, Lương lừa đảo của bà Bùi Thị Miến 110 triệu đồng, lừa bà Phan Thị Thùy Uyên 190 triệu đồng để xin vào làm việc tại Bệnh viện Quân y 17- Bộ Quốc Phòng; chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Thủy 220 triệu đồng để xin "một chân" vào làm việc tại Học viện An ninh nhân dân; chiếm đoạt của ông Trần Công Lý 75 triệu đồng tiền cọc xin việc tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng; chiếm đoạt của bà Hà Thị Thơm 80 triệu đồng để xin đi dạy học tại trường trung học cơ sở ở Q. Liên Chiểu hoặc Q. Thanh Khê (Đà Nẵng).
Ngoài "chiêu" xin việc, Lương còn "lấn" sang lĩnh vực bất động sản, qua đó lừa bán một căn hộ chung cư và chiếm đoạt của bà Phạm Hồng Minh 150 triệu đồng, bà Hoàng Thị Thủy Ngân 200 triệu đồng; chiếm đoạt của vợ chồng ông Tôn Đức Mạnh bà Lương Thị Hằng 80 triệu đồng; lừa bán đất dự án chiếm đoạn của bà Nguyễn Thị Hải Vân 500 triệu đồng, ông Đặng Văn Nghiêm 300 triệu đồng, ông Nguyễn Hải Tuấn 400 triệu đồng và ông Nguyễn Như Thái Dũng 390 triệu đồng. Tổng cộng Lương thực hiện 13 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 13 người với tổng số tiền 2,870 tỷ đồng. Điều đáng nói, đứng trước tòa bị cáo quanh co, trả lời vòng vo, thái độ không thành khẩn. Tuy nhiên, trước những lời khai của bị hại, nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và trước những chứng cứ xác thực có trong hồ sơ vụ án, bị cáo không thể thoát tội. Để biện hộ cho hành vi phạm tội của mình, Lương cho rằng, do quá trình làm ăn kinh doanh thua lỗ cần huy động vốn nên lợi dụng để chiếm đoạt số tiền này.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây khi chính sách về mua nhà chung cư, đất dự án có thêm nhiều cơ chế "mở"... đã tạo điều kiện cho người dân nghèo có nhà ở ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cũng chính sự "thông thoáng" này đã tạo khe hở để những kẻ có dã tâm như Lương lợi dụng làm điều bất chính. Tại Đà Nẵng, nhiều "cò đất", "cò chung cư" vì lòng tham mà đã phải trả những cái giá đắt, ấy vậy nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong vụ án này, một phần đáng trách cũng xuất phát từ các bị hại, quá tin người, thậm chí còn tạo điều kiện để kẻ phạm tội có cơ hội thực hiện thuận lợi như dùng tiền xin việc, ham nhà, đất giá rẻ...
12 năm tù là mức án mà TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt Nguyễn Khắc Lương về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đây là cái kết đắng dành cho kẻ dùng mật ngọt để ru ngủ lòng tin của người khác.
TRANG TRẦN