Vừa nhậm chức, tân Thủ tướng Anh đã gặp khó
Đa phần cử tri muốn tổng tuyển cử trước thời hạn
Dù tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố ông đã được ủy quyền khi thành lập chính phủ mới vào ngày 25-5 và loại bỏ khả năng tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn, tuy nhiên tờ The Independent cho biết phần lớn cử tri Anh muốn tiến hành tổng tuyển cử ngay để đưa ra lựa chọn của mình.
Theo kết quả một cuộc thăm dò được thực hiện cho The Independent, 61% cử tri Anh được hỏi, trong đó 38% là những người ủng hộ đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2019, cho rằng Thủ tướng mới cần giành được quyền lực bằng cách yêu cầu một tổng tuyển cử ngay lập tức. Một cuộc thăm dò do công ty nghiên cứu thị trường Savanta thực hiện cũng cho thấy khoảng 52% người được hỏi cho biết không chấp nhận một thủ tướng được lựa chọn bởi các nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền như ông Sunak, hay bởi các đảng viên Bảo thủ, như trường hợp của cựu Thủ tướng Liz Truss. Chỉ 37% chấp nhận đây là cách để lựa chọn người đứng đầu chính phủ.
Tân Thủ tướng Sunak cũng đang phải đối mặt với sự bất bình từ các đảng viên Bảo thủ - những người bị từ chối cơ hội bỏ phiếu bầu lãnh đạo sau khi ông Sunak là ứng cử viên duy nhất trong cuộc tranh cử và trở thành lãnh đạo đảng sau khi giành đủ sự ủng hộ từ các nghị sĩ trong đảng theo quy định tranh cử. Chủ tịch tổ chức tư vấn Bow Group, Ben Harris-Quinney cho rằng hàng chục nghìn thành viên có thể sẽ rời đảng Bảo thủ cầm quyền sau chiến thắng của ông Sunak.
Trong khi đó, đã có hơn 430.000 người ký vào bản kiến nghị đề xuất một cuộc tổng tuyển cử sớm do The Independent khởi xướng. Việc tổ chức tổng tuyển cử vào thời điểm hiện tại không có lợi cho đảng Bảo thủ do uy tín đã bị ảnh hưởng khi chỉ trong vòng ba tháng đã có ba người thay nhau đảm nhiệm ghế thủ tướng. Với những hỗn loạn trên thị trường tài chính những tuần gần đây, Công đảng đối lập đang nhận được nhiều sự ủng hộ hơn trước.
Công đảng đối lập hiện nhận được 51% sự ủng hộ, tăng 8% so với cuộc thăm dò hồi tháng trước, trong khi tỷ lệ này đối với đảng Bảo thủ giảm 4% xuống còn 25%. Với những hỗn loạn trên thị trường tài chính những tuần gần đây, khoảng 58% người được hỏi cho rằng đảng Bảo thủ không có năng lực giải quyết khủng hoảng kinh tế, so với chỉ 31% đồng tình.
Hiện Công đảng cũng dẫn trước đảng Bảo thủ trên hầu hết mọi lĩnh vực, như năng lực lãnh đạo với 20 điểm cao hơn đảng Bảo thủ (48% so với 28%); quản lý kinh tế là 19 điểm (48%-29%); đảm bảo ổn định là 25 điểm (50%-25%); và tạo ra một môi trường kinh doanh tốt là 10 điểm (44%-34%). Đáng chú ý, đây đều là những lĩnh vực được coi là thế mạnh cốt lõi của đảng Bảo thủ trước đó.
Do đó, ông Sunak hiện có nhiệm vụ nặng nề là cần phải giành lại lòng tin của cử tri sau khi uy tín đảng Bảo thủ cầm quyền giảm mạnh dưới thời cựu thủ tướng Liz Truss và trước đó là ông Boris Johnson.
Kiện toàn nội các
Ngay sau khi nhậm chức ngày 25-10, tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tiến hành kiện toàn nội các sau khi nhiều bộ trưởng dưới thời cựu Thủ tướng Liz Truss từ chức hoặc bị sa thải.
Ông Jeremy Hunt sẽ vẫn đảm nhận vai trò Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mới. Ông Dominic Raab trở lại vị trí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp, vai trò ông đã đảm nhiệm dưới thời Thủ tướng Boris Johnson, trong khi Ngoại trưởng James Cleverly và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace vẫn tại vị. Ông Simon Hart giữ vị trí Trưởng ban kỷ luật đảng Bảo thủ.
Bà Suella Braverman được bổ nhiệm lại làm Bộ trưởng Nội vụ chỉ một tuần sau khi từ chức, và ông Grant Shapps thay thế ông Jacob Rees-Mogg làm Bộ trưởng Kinh doanh. Đối thủ cũ của ông Sunak trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng, bà Penny Mordaunt vẫn giữ vị trí lãnh đạo Hạ viện.
Ông Steve Barclay được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc Xã hội trong khi bà Therese Coffe, người đang giữ chức Phó Thủ tướng, giữ vị trí Bộ trưởng Môi trường, Lương thực và Nông thôn. Bà Gillian Keegan giữ chức Bộ trưởng Giáo dục, trở thành bộ trưởng giáo dục thứ 5 của Anh kể từ tháng 7, trong khi ông Mel Stride được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí. Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Kit Malthouse, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Chloe Smith, Bộ trưởng phụ trách xứ Wales Robert Buckland dưới thời bà Truss, và Chủ tịch đảng Bảo thủ Jake Berry đều rút lui, trở thành các nghị sĩ đảng ngồi hàng ghế sau, không tham gia chính phủ.
AN BÌNH