Vun đắp truyền thống hiếu học

Thứ năm, 05/10/2017 12:30

Dù ở bất kỳ thời điểm nào, dẫu cuộc sống có khó khăn đến bao nhiêu, nhưng tinh thần, truyền thống hiếu học của người dân Việt Nam cứ cuộn chảy truyền từ đời này qua đời khác. Ở dải đất miền Trung khô cằn, nắng gió, tinh thần, truyền thống ấy như càng được tô thắm hơn.

Phát huy truyền thống hiếu học trong từng gia đình, từng dòng họ
trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam.

Truyền thống, nền tảng của mỗi gia đình, dòng họ

Làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, TX Điện Bàn, Quảng Nam nổi tiếng không chỉ vì đang sở hữu 5 di tích văn hóa lịch sử mà còn được mệnh danh là làng khuyến học. Theo ông Lê Tự Hưng – Chủ tịch Hội khuyến học xã Điện Thắng Trung, hiện nay, làng Thanh Quýt có 8 tộc họ luôn chăm lo đến công tác khuyến học, tiêu biểu là 3 tộc Trương Công, Nguyễn Hữu, Lê Tự. Trong những năm gần đây, công tác khuyến học ngày càng được chú trọng với sự chung tay, góp sức của các thế hệ trong dòng họ. Không chỉ có người đỗ đạt, thành công trong làm ăn ở khắp mọi miền đất nước hay ở nước ngoài mà ngay cả những cá nhân, gia đình sinh sống ở địa phương cũng hết sức chăm lo, quan tâm đến sự học của con em dòng họ mình.

Ông Lê Tự Hưng cho hay: “Hội khuyến học của làng Thanh Quýt được thành lập và đi vào hoạt động gần 25 năm, với các hoạt động mang ý nghĩa hết sức thiết thực gắn với phong trào khuyến học, khuyến tài. Mỗi năm, quỹ khuyến học của các dòng họ trích hàng trăm triệu đồng để trao tặng các suất học bổng, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích học tập tốt và những con em đỗ đạt cao. Những hoạt động khuyến học, khuyến tài của các dòng họ không chỉ có ý nghĩa thiết thực, đóng góp lớn công tác xây dựng hội khuyến học, mà còn tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tinh thần hiếu học trong cộng đồng, xã hội”.

Ở làng Thanh Quýt, các dòng họ lấy đình làng Thanh Quýt, nhà thờ tộc làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, khuyến học. Từ năm 2007 đến nay, sau khi đình làng được phục dựng khang trang, đều đặn vào mồng 4 Tết Nguyên đán, tại đình làng đều tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho những học sinh, tân sinh viên xuất sắc đỗ vào các trường đại học. Sự quan tâm chăm lo cho thế hệ trẻ không chỉ là truyền thống tốt đẹp của mỗi dòng họ, mà còn tạo sự lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.

Chăm lo, phát triển sự học cho thế hệ tương lai.

Gìn giữ, phát huy tinh thần hiếu học

Dẫu đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng dòng họ Nguyễn Hữu (P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ) luôn đi đầu thành phố Đà Nẵng trong công tác chăm lo phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài. Với nhiều hoạt động hay, có ý nghĩa trong khuyến học, khuyến tài, phát huy truyền thống hiếu học, dòng họ Nguyễn Hữu trở thành một mô hình điểm xây dựng dòng họ học tập, gia đình học tập của địa phương.

Ông Nguyễn Minh Anh Tuấn - Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học dòng họ Nguyễn Hữu cho biết: “Ý tưởng thành lập Chi hội khuyến học dòng họ Nguyễn Hữu nhằm động viên con cháu trong dòng họ không những nỗ lực vươn lên học tập, giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ từ lúc sơ khai. Với mục đích đó, từ khi thành lập đến nay, Chi hội khuyến học không ngừng gây dựng quỹ khuyến học để thực hiện giúp đỡ về vật chất, trao thưởng, tuyên dương, động viên con em trong dòng họ có thành tích học tập tốt, cũng như con em có hoàn cảnh khó khăn. Chính sự quan tâm, hỗ trợ, động viên kịp thời đó mà tinh thần, ý chí vươn lên học tập của con em ngày một cao. Mỗi năm, con cháu Nguyễn Hữu đỗ đại học, thành công đỗ đạt ngày càng nhiều. Cùng với việc khen thưởng các học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong việc học và giúp đỡ các em sinh viên nghèo vượt khó, cộng đồng khuyến học Nguyễn Hữu còn chú trọng đến công tác xây dựng dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học. Hằng năm, chi hội bình chọn các gia đình hiếu học, chi phái hiếu học gắn với bình xét gia đình văn hóa đề nghị biểu dương khen thưởng. Nhờ đó, phong trào khuyến học trong dòng họ đã đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư của địa phương.

Nói về tinh thần, ý chí vượt khó vươn lên của dòng họ mình, ông Nguyễn Hữu Minh Tuấn chia sẻ: “Dẫu cuộc sống lam lũ, vất vả nhưng gia đình nào cũng tạo điều kiện tốt nhất cho con cháu đến trường. Chính sự hy sinh, nỗ lực của gia đình, dòng họ đã tạo nên động lực, niềm tin cho thế hệ con cháu phấn đấu, thi đua học tập. Chúng tôi thường nói với các con cháu rằng, sự cố gắng học tập của các con cháu là phần thưởng, niềm hạnh phúc lớn nhất dành tặng cho cha mẹ, gia đình, dòng họ. Bởi vậy, đời này nối tiếp đời kia, con cháu trong dòng họ không ngừng nỗ lực học chữ, rèn luyện thành tài để trở thành cán bộ, trở thành người tốt trong xã hội”.

Tinh thần chăm lo sự học của mỗi gia đình, tộc họ không chỉ thắp sáng thêm ngọn lửa hiếu học, tô thêm nét đẹp riêng của mỗi dòng họ, mà còn góp phần khơi dậy, gìn giữ, phát huy tinh thần hiếu học trong cộng đồng xã hội. Bởi nói như lời tâm sự của thầy giáo Trương Công Nên – Phó Chủ tịch Hội khuyến học  TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, những năm gần đây, phong trào xây dựng các dòng họ hiếu học trong khắp cả nước ngày càng phát triển. Các dòng họ hiếu học đều khẳng định vai trò là chỗ dựa, nguồn động viên, tiếp sức cho từng gia đình, từng con em học sinh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp chăm lo phát triển giáo dục. Mỗi dòng họ hiếu học với truyền thống, thế mạnh riêng đã có cách làm thiết thực, hiệu quả, tạo nên sự phong phú của phong trào, đóng góp tích cực xây dựng phong trào khuyến học - khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.

KHẢI MINH