Vùng đông thị xã Điện Bàn (Quảng Nam): Trường quá tải, phòng học xuống cấp

Thứ ba, 26/04/2016 08:01

(Cadn.com.vn) - Thiếu phòng học, các trường trên địa bàn vùng đông TX Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) buộc phải lấy các phòng chức năng, hội đồng, hành chính để làm lớp học. Thực trạng này kéo dài trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy học, tổ chức quản lý của các đơn vị trường học.

Thực trạng trường học quá tải ở bậc THCS tại vùng đông TX Điện Bàn có thể thấy rõ nhất đang diễn ra ở Trường THCS Võ Như Hưng (P. Điện Nam Trung). Theo thầy Phạm Khắc Hùng - Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù đóng chân trên địa bàn Điện Nam Trung nhưng trường phục vụ con em 3 phường: Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông và Điện Nam Trung. Việc thiếu phòng học khiến trường không tổ chức được công tác bồi dưỡng học sinh giỏi hay dạy thí nghiệm, thực hành. Thầy Hùng cho biết: "Nhằm đảm bảo công tác dạy học theo chương trình quy định, nhà trường phải linh hoạt bố trí, sử dụng các phòng học, hệ thống phòng chức năng, hành chính. Ví dụ, một phòng phải bố trí làm nhiều chức năng khác nhau, những lúc bức bí thì sử dụng phòng hành chính để triển khai hoạt động giáo dục".

Trong khi đó, Trường TH Lê Hồng Phong (P. Điện Ngọc) liên tục tăng thêm 2 lớp học với bình quân tăng 70 học sinh trong 2 năm qua. Để tạo điều kiện học tập cho tất cả các con em, nhà trường buộc phải sử dụng các phòng chức năng, phòng đội, phòng truyền thống, hội trường, phòng hội đồng, phòng giáo viên để làm phòng học cho học sinh. Vấn đề đầu tư xây dựng thêm phòng học cho nhà trường là điều hết sức bức thiết.

Thiếu phòng học, học sinh phải chen chúc, chật vật học tập tại phòng hành chính, hội đồng.

Còn Trường TH Nguyễn Phan Vinh (P. Điện Nam Trung) cũng đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn vì thiếu phòng học. Theo cô Võ Thị Hồng - Hiệu trưởng nhà trường, trong khi hệ thống cơ sở vật chất trường lớp tại cơ sở chính và 2 cơ sở phụ xuống cấp nghiêm trọng chưa có được tu bổ, sửa chữa thì sức ép tăng số lượng học sinh đẩy các hoạt động dạy học của nhà trường vào tình cảnh hết sức khó khăn. Cô Hồng cho biết: Từ nguồn vốn tài trợ của ngân hàng, nhà trường mới được đầu tư xây dựng thêm 8 phòng học tại cơ sở chính, song vẫn chưa có đủ bàn ghế, thiết bị phục vụ dạy học. Nhiều phòng học xuống cấp trầm trọng cũng đang chờ UBND TX Điện Bàn đầu tư sửa chữa kịp thời. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày và năng khiếu cho học sinh.  

Vùng đông TX Điện Bàn gồm các phường: Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Dương và là nơi đóng chân các nhà máy, xí nghiệp thuộc khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Với số lượng trẻ, học sinh tăng nhanh nên trong những năm học gần đây các trường học trên địa bàn đang chịu sức ép quá tải ngày càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu học tập cho con em địa phương, các trường học liên tục phải sử dụng các phòng chức năng, phòng hội đồng để làm phòng học.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT TX Điện Bàn cho hay, hiện UBND thị xã đã xây dựng đề án phát triển mạng lưới trường lớp gắn liền với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đối với các trường học tại những phường thuộc khu công nghiệp tập trung ở phía đông. Trong đó, ưu tiên vốn để đầu tư xây dựng bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất cho những trường học còn thiếu nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về dạy học. Việc chia tách Trường THCS Võ Như Hưng để hình thành thêm 2 trường THCS nhằm đảm bảo mỗi phường có một trường cũng đã nằm trong kế hoạch triển khai nếu như địa phương huy động được nguồn vốn.  Đây được xem là giải pháp căn cơ nhằm giải quyết căn bản vấn đề gia tăng số lượng học sinh do di dân cơ học đến khu vực này. 

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn, vấn đề khó khăn cơ bản nhất khi triển khai đề án là thiếu nguồn vốn thực hiện. Để gỡ "nút thắt" của vấn đề thiếu cơ sở vật chất, trường lớp quá tải ở khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thì một mình nội lực của TX Điện Bàn sẽ không giải quyết được, mà cần sự đầu tư từ chính quyền UBND tỉnh Quảng Nam. Chính vì vậy, UBND TX Điện Bàn đã có kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam sớm có kế hoạch điều chỉnh tăng thêm biên chế đối với sự nghiệp giáo dục của Điện Bàn. Đồng thời, đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất đối với các trường đóng trên địa bàn khu công nghiệp nhằm giúp địa phương có điều kiện giải quyết nhu cầu học tập  cho con em sinh sống trên địa bàn.

 Khải Minh