Vùng rau an toàn đầu tiên Đà Nẵng bị nhiễm mặn
Nằm giữa một bãi bồi dưới chân cầu Cẩm Lệ, vùng rau La Hường, P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, có nhiều thuận lợi trong sản xuất và giao thương bởi nằm gần chợ Cẩm Lệ, siêu thị MM Mega Market Việt Nam, chợ Miếu Bông và Khu đô thị mới Hòa Xuân... Từ năm 2010, Hợp tác xã rau La Hường (HTX) được thành lập, đã thu hút hàng chục hộ dân địa phương tham gia, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Vùng rau được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến, canh tác nhiều loại rau đạt chất lượng cao, trở thành vùng rau đầu tiên của Đà Nẵng được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP vào năm 2012... Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng khô hạn kéo dài khiến vùng rau an toàn đầu tiên của Đà Nẵng gặp rất nhiều bất lợi...
Nhiều loại rau La Hường không phát triển nổi do khô hạn, nước nhiễm mặn bởi 90% nguồn nước tưới ở vùng rau La Hường bị nhiễm mặn. |
Dưới cái nắng đổ lửa, cặm cụi rẫy từng vạt cỏ trên ruộng, lão nông Lê Sĩ Ca, xã viên HTX rau La Hường phân trần: “Thời tiết năm nay khắc nghiệt quá, mấy tháng nay không trồng cấy được chi, nhưng vẫn phải làm đất, chuẩn bị cho vụ rau sắp tới...”. Ông Ca cho biết thời tiết năm nay khắc nghiệt, hiện phần lớn diện tích trồng rau đã bị bỏ hoang do nguồn nước bị nhiễm mặn, một số hộ nông dân vẫn cố gắng cầm cự, trồng các loại rau, quả có khả năng chịu hạn và nắng nóng nhưng hiệu quả và năng suất không cao. Cùng góp chuyện, ông Mai Văn Toàn, xã viên HTX rau cho biết, để có nguồn nước tưới tiêu cho các loại rau, quả, nhiều hộ dân đã đầu tư lắp đặt thêm các giếng khoan, nhưng do mực nước ngầm xuống quá thấp nên độ nhiễm mặn trong nguồn nước tăng lên, dù được tưới nước đầy đủ nhưng các loại rau, củ, quả vẫn không thể phát triển bình thường, nhiều loại bị nhiễm mặn cứ khô héo, chết dần... Cả vùng rau La Hường gần 10ha hiện nay có tới gần 90% diện tích nguồn nước tưới tiêu bị nhiễm mặn nặng. Ông Ca cho biết nếu thời tiết thuận lợi, mỗi tháng có thể thu về 5 triệu đồng từ mỗi sào rau các loại. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, nắng nóng kéo dài, nguồn nước bị nhiễm mặn cao, hầu hết diện tích đất phải bỏ hoang, không thể canh tác được.
Ông Trần Văn Hoàng-Chủ nhiệm HTX ra La Hường cho biết, vùng rau La Hường diện tích hơn 8ha, thường bị ngập trong mùa mưa lũ, do vậy, thời gian canh tác sản xuất của vùng rau chỉ được chừng 9 tháng mỗi năm. Vùng rau như một đảo nổi, xa khu dân cư và cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp, bệnh viện cũng như chất thải sinh hoạt, thuận lợi cho việc canh tác, sản xuất vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hơn 5 năm qua, vùng rau La Hường đã phát triển ổn định, đảm bảo việc làm cho gần 300 lao động với thu nhập bình quân từ 3 đến 4,5 triệu đồng một tháng. Thương hiệu rau La Hường với các sản phẩm rau không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm đã khẳng định được vị trí trên thị trường Đà Nẵng. Với sản lượng gần 600 tấn rau mỗi năm, người tiêu dùng đã tương đối quen với thương hiệu rau La Hường. Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, HTX đại diện trực tiếp đàm phán, ký hợp đồng với các đầu mối thu mua rau, tiêu thụ uy tín trên thị trường Đà Nẵng. Theo ông Hường, thời gian tới, HTX đã có đề án chuyển đổi mô hình kiểu mới, kiến nghị UBND quận Cẩm Lệ cho dồn điền đổi thửa, tận dụng hết quỹ đất còn bỏ hoang, nâng tổng diện tích vùng rau lên trên 10 ha để xây dựng cánh đồng rau lớn của Đà Nẵng, đến khi đó mới định danh bền vững thương hiệu rau La Hường trên thị trường.
Tuy nhiên năm nay thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường đang gây khó khăn rất lớn cho vùng rau La Hường. Ông Hường cho biết, năm 2018, tại một hội thảo do ngành Khoa học Công nghệ, Tài nguyên môi trường, nông nghiệp của thành phố tổ chức, HTX xã đã nêu ý tưởng về một mô hình kiểu mới, trồng rau sạch kết hợp du lịch sinh thái. Cụ thể, kiến nghị quận Cẩm Lệ, ngành chức năng xem xét, xây dựng bờ kè sông Cẩm Lệ bao quanh vùng rau La Hường để chống xói lở đất, điều tiết tình trạng ngập úng trong mùa mưa lũ. Làm bến neo đậu tàu thuyền để khách du lịch bằng đường sông có thể ghé thăm vùng rau đồng thời mở rộng đường giao thông nội đồng để các loại phương tiện có thể ra vào dễ dàng, chuyên chở trang thiết bị, vật tư, phân bón, và các sản phẩm rau quả. Trước tình trạng nhiều năm qua, sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn nặng, không chỉ ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của thành phố, mà vùng rau La Hường cũng bị ảnh hưởng, rõ nhất là trong năm 2019 này. Theo bà con trồng rau, chính quyền và ngành chức năng nên nghiên cứu cho vùng rau được kết nối với nhà máy nước Cầu Đỏ, lấy nước từ đập Ba Gia An Trạch, không cần qua xử lý để cung cấp cho vùng rau. Khi được cung cấp nước qua hệ thống hiện đại như vậy, bà con sẽ sử dụng tiết kiệm, lại vừa đảm bảo chất lượng nước tốt cho vùng rau an toàn, hiệu quả hơn. Đây mới chỉ là kiến nghị, mong chính quyền và ngành chức năng xem xét, xuất phát từ ý tưởng phát triển một vùng rau sạch, kết hợp với du lịch sinh thái. Như vậy sẽ hình thành một vùng tiềm năng phát triển kinh tế ở vùng Tây Cẩm Lệ, vừa tháo gỡ được những khó khăn do biến đổi về thời tiết với bà con trồng rau La Hường.
HỒNG THANH