Vùng Tây Bắc Hòa Vang "khát" nước sạch
Những ngày cuối tháng 5-2019, nắng nóng như đổ lửa này, vùng Tây Bắc Hòa Vang (TP Đà Nẵng) ngổn ngang các dự án, công trình như càng nóng hơn. Ông Trương Tấn Mạnh- Chủ tịch UBND xã Hòa Liên lo lắng, xã có 13 thôn, 5 khu tái định cư, tất cả đang rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng...
Ông Trần Nhàn hứng từ sáng đến trưa mới được một lu nước. |
Tại thôn Hưởng Phước, ông Trần Nhàn- Trưởng thôn dẫn chúng tôi ra vòi nước máy ngay trước sân nhà vặn romine, chỉ một dòng nước nhỏ như đầu chiếc đũa, tong tong chảy xuống chiếc lu chứa được khoảng 30 lít nước. Ông Nhàn phân trần, phải hứng từ giờ tới trưa mới đủ nước để nấu nướng, ăn uống cho cả gia đình... Cả thôn có 460 hộ dân, nhưng tất cả đều rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng như thế. Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt của thôn đã được xây dựng từ năm 2010, nhưng lúc nào cũng trong tình trạng thiếu và yếu nước. Bà con phải đóng thêm giếng và sử dụng các giếng đào đã có từ thời xa xưa, nhưng bây giờ dân cư đông đúc, đất đai bị thu hẹp do các dự án, công trình, lại thêm tình trạng ô nhiễm do lượng rác thải từ các khu dân cư mật độ quá lớn, nên các giếng đóng, giếng đào đa phần đều nhiễm phèn, hoặc có mùi hôi không thể sử dụng sinh hoạt, ăn uống được.
Cũng tình trạng như thôn Hưởng Phước, ông Dương Xí- Trưởng thôn Tân Ninh cho biết, thôn có 250 hộ dân, lại nằm trên khu vực vị trí cao, nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt còn nguy cấp hơn. Nước máy sinh hoạt thiếu và yếu, nhiều hộ dân không thể đóng giếng, không có giếng đào phải đi gánh, chuyên chở nước từ rất xa về nhà dự trữ. Ông Trần Nhàn và ông Dương Xí đều cho biết, người dân đã kiến nghị tới đơn vị cung cấp nước nhiều lần rồi, nhưng tình trạng vẫn không cải thiện, đơn vị cấp nước chỉ trả lời chung chung: "Do hệ thống đường ống chưa khớp nối... hoặc đang nâng cấp, sửa chữa...". Không biết việc nâng cấp sửa chữa thế nào, mà gần 10 năm qua vẫn chưa "khớp nối" xong...?!
Nếu các khu vực dân cư không bị giải tỏa, mà tình trạng nước sinh hoạt thiếu đã khổ sở như vậy, thì các khu tái định cư sau giải tỏa lại càng khổ sở hơn, vì tất cả chỉ trông chờ vào nguồn nước máy, chứ không thể đóng giếng, đào giếng vào chỗ nào được. Ông Lê Mã Lương, nhà tại khu tái cư định Hòa Liên 2 cho biết, nước sinh hoạt gì mà cứ phập phà phập phù lúc có lúc không. Có hôm cả ngày cúp nước, tới nửa đêm mới có nước, mà lúc ấy thì ai dùng làm gì, vậy mà mọi người cũng phải bật dậy, tìm xô chậu hứng nước dự trữ, phòng ngày hôm sau lại cúp nước. Bà Nguyễn Thị Thái ở khu tái định cư Quan Nam 3 thắc mắc: "Trước đây chưa giải tỏa, còn ở xóm cũ làm gì có chuyện thiếu nước sinh hoạt, bây giờ về khu tái định cư mới, tình trạng nước sinh hoạt thiếu triền miên thế này, chúng tôi không biết phải làm thế nào để khắc phục, chúng tôi đề nghị, kiến nghị nhiều lần rồi, nhưng đâu vẫn vào đấy...". Bà Thái cho biết, hệ thống nước máy yếu, vòi nước nhà nào cũng chỉ chảy ri rỉ, vào khu tái định cư, nhà nào phải xây nhà 2-3 tầng, mà nước không thể bơm lên tầng 2.
Ông Trương Tấn Mạnh cho biết, thời gian qua, toàn xã 13 thôn, 5 khu tái định cư, lúc nào cũng rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ông Mạnh cũng lý giải một cách khách quan, có thể trên địa bàn hiện nay, nhiều dự án còn đang dang dở, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nên hệ thống cấp nước cũng chưa hoàn chỉnh. Hoặc do lượng nước cung cấp cho toàn thành phố đang rơi vào tình trạng thiếu, cần phải khẩn trương xây dựng thêm nhà máy mới và nâng cấp các nhà máy cũ. Nhưng dù sao cũng phải khẩn trương xem xét, cải tạo, xây dựng hệ thống cấp nước cho người dân cho hoàn chỉnh, chứ không thể để xảy ra tình trạng nước sinh hoạt lúc có lúc không, yếu ớt, nhỏ giọt như thế được. Tình trạng này đã kéo dài gần 10 năm tại nhiều khu dân cư.
Chúng tôi cũng đã liên hệ với các cán bộ tại các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, ở các địa phương này, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng rơi vào tình trạng tương tự như ở Hòa Liên.
Hồng Thanh