Vườn thuốc chữa bệnh của bà Lan

Thứ ba, 29/12/2015 10:04

(Cadn.com.vn) - “30 năm rồi từ cái ngày tui bị liệt giường, chân tay cứ cứng đơ đơ, đi lại, cử động rất khó khăn. Thương may ông trời cho tui cơ hội sống nhờ cây cỏ hoang từ núi rừng. Không biết là cơ duyên hay số phận đã đưa tui đến với nghề mưu sinh bằng dược liệu rừng”-bà Thái Thị Lan (62 tuổi), thôn Vĩnh An, xã An Chính, H.  Cam Lộ ( Quảng Trị), mở đầu câu chuyện.

Kể từ lúc lành bệnh đến giờ, cuộc đời bà gắn liền với những chuyến đi vào rừng tìm lá cây thuốc. Tiếp chuyện chúng tôi, bà trải lòng về cuộc đời mình: “Lúc trước cuộc sống trăm bề khó khăn làm mấy cũng chẳng đủ ăn, tui thì bị khớp toàn thân, chồng thì bị tật ở tay không thể làm việc quá sức, lại phải nuôi 4 đứa con ăn học, gánh nặng trên đôi vai làm tui nhiều đêm băn khoăn, suy nghĩ. Khoảng năm 1990 trong một chuyến đi chợ phiên ở thị trấn Cam Lộ, được một người quảng cáo cây dược liệu trị bệnh khớp, tui mua một ít cây thuốc nhân trần về uống. Sau nhiều lần sắc pha uống tui cảm thấy mình khỏe hơn nhiều”. Sống gần núi rừng, một hôm vào rừng đốn củi, lúc đang nghỉ chân ở khe núi, bà Lan thấy lá cây nhân trần bị nước cuốn trôi dạt vào vách đá. Lần theo dòng suối đi lên thượng nguồn, băng qua nhiều con suối hơn 2 tiếng đồng hồ, bà Lan phát hiện nhiều cây nhân trần mọc dưới tán lá vách đá. Bà vội hái một ít lá rừng về so sánh kiểm tra xem đó có phải cây nhân trần cứu chữa bệnh khớp không. Bà vui mừng khi nhận ra đó chính là cây nhân trần.

Bà Lan chế biến các loại cây thuốc hái từ rừng sâu.

 Mặc dầu khi mua  cây nhân trần về uống với giá 200.000 đồng/1kg, nhưng khi đến gian hàng thuốc Bắc ở chợ để hỏi giá bán, chủ hàng nói chỉ mua với giá 25 ngàn đồng 1kg. “Lúc đó họ chèn ép giá quá nhưng nghĩ lại hoàn cảnh gia đình khó khăn, túng thiếu, tui cũng đành chấp nhận”-bà Lan kể. Thế là từ đó, hằng ngày bà lội bộ hơn 10km vào rừng hái cây thuốc nhân trần. Nhiều lần vào sâu trong rừng quên mất đường về, nhưng may là từ nhỏ sống ở núi rừng nên cuối cùng cũng về nhà được. Ông Hoàng Ngọc Thịnh chen vào: “Nhiều lần vì mải mê kiếm cho đủ số lượng dược liệu mà vợ tui quên mất thời gian, ngủ lại trong rừng mấy lần làm cho cha con tui mấy phen đứng ngồi không yên”. Bà nhớ lại, những ngày đầu chưa quen địa hình và đường đi xa hiểm trở, phải đi qua nhiều con dốc, băng qua nhiều lùm cây gai giăng chằng chịt mới đến được nơi có lá thuốc để hái. Lắm lúc không cẩn thận trượt ngã sưng cả chân, gai nhọn đâm trầy xước, chảy máu hết mình mẩy. Đôi lần đang hái lá thuốc thì bị rắn độc cắn, may nhờ bà biết được lá chữa nọc độc rắn cắn nên bao lần thoát khỏi cơn nguy khốn giữa chốn rừng thiêng nước độc… Biết mình hạn chế kiến thức về đông y, bà Lan đã đi đến các hiệu thuốc dược liệu quanh vùng học hỏi cách nhận biết lá thuốc, rồi tự mày mò, tìm hiểu qua sách “Đặc điểm nhận biết 1.000 cây thuốc quý” để đúc rút kinh nghiệm. Dần dần bà nắm vững, thông thạo nhiều loại cây thuốc, mỗi chuyến đi hái hàng chục loại lá thuốc khác nhau đem về xắt nhỏ, phơi khô...

Và ba năm sau, thấy nhu cầu thị trường về cây dược liệu ngày càng lớn, chủ yếu được nhập từ miền Nam với giá đắt đỏ trong khi nguồn nguyên liệu ở địa phương rất đa dạng, bà Lan quyết định lập một gian hàng ở chợ để kinh doanh và phân phối dược liệu. Hiện nay bà đã có thể cung cấp thuốc ở cả thị trường miền Trung. Bà Lan đưa chúng tôi ra thăm “tài sản lớn nhất” của đời mình là khu vườn rộng chừng khoảng 150m2 với hàng nghìn cây dược liệu hái từ rừng sâu như rầm ri, nhân trần, chặc chìu, bướm bạc, cà gai leo, mắm nêm, ích mẫu…

Mấy năm gần đây, thấy người dân ở làng và vùng lân cận mắc nhiều bệnh liên quan xương khớp, tim mạch, sỏi thận… tìm đến mua thuốc Nam chữa bệnh. Vườn cây thuốc của bà Lan đã giúp nhiều người khỏi bệnh. Chị Lê Thị Hường ở thôn Vĩnh An, mắc bệnh đau xương khớp được bà Lan chữa khỏi, cho biết: “Cách đây hơn 10 năm tui mắc bệnh viêm khớp cấp tính, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa đông. Dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Bà Lan biết chuyện đã tự mình dùng lá cây chặc chìu, rau xương, cỏ xước, voi voi, cỏ ngủ, dâu tằm, ích mẫu làm thành bài thuốc chữa đau khớp, mỗi ngày sắc thành nước đem đến tận nhà cho tui uống, thời gian sau tui đã đỡ bệnh, có thể đi lại bình thường”. Bà Lan còn tận tình giúp đỡ rất nhiều người trong làng, nhất là những người nghèo khó. Bà tâm sự: “Làm được cái chi giúp người khác là tui cảm thấy hạnh phúc rồi chứ tiền bạc đâu có đáng”. Ở tuổi ngoài sáu mươi nhưng bà Lan vẫn âm thầm đem hết tâm sức, hiểu biết về cây thuốc giúp nhiều người chữa bệnh.

Khánh Lực