Vượt qua lầm lỗi, làm lại cuộc đời

Thứ năm, 31/08/2017 09:00

Đứng giữa vùng đất đồi Cẩm Lạc (H. Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) với bạt ngàn keo, tràm, cây ăn quả xanh tốt, anh Võ Văn Thắng (1960) chia sẻ về quãng đời thăng trầm của mình. Sinh ra tại vùng bán sơn địa huyện Cẩm Xuyên, anh đã sớm xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, được người dân trong vùng đến học hỏi. Chỉ vì một phút nóng nảy sau những xích mích trên bàn nhậu vào tháng 9-2005, anh  đã gây nên cái chết cho một người bạn thân, bị kết án 10 năm tù. Nhờ nỗ lực cải tạo tốt, anh được đặc xá ra tù trước thời hạn. Năm 2009, trở về địa phương với hai bàn tay trắng, Thắng trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình. Được chính quyền, CAH, gia đình, bạn bè động viên và tạo điều kiện, anh cùng vợ con lên vùng đồi núi Cẩm Lạc khai hoang, lập nghiệp. Sau 8 năm, đến nay, gia đình anh đã có 4 ha đất trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả các loại, chăn nuôi gia súc, gia cầm với 20 con bò giống, 300 con gà, ngan, vịt... Mỗi năm, gia đình anh thu nhập 700 - 800 triệu đồng. Anh Thắng đã được bầu chọn là hội viên tiêu biểu của Hội Nông dân xã Cẩm Lạc. Anh Thắng xúc động nói: “Tôi muốn nhắn nhủ đến những người vì những lý do nào đó mà phạm sai lầm hay vấp ngã, đừng bao giờ buông xuôi mà hãy sống thật vững vàng, biết hối lỗi và tin vào những gì tốt đẹp phía trước”.

Trường hợp của anh Phạm Văn Cường (1984) ở xã Cẩm Trung, H. Cẩm Xuyên lại là câu chuyện của một người trẻ biết vươn lên sau những nông nổi, sai lầm. Bị bạn bè xấu rủ rê, Cường từng sa chân vào đường dây cướp giật trên địa bàn, rồi bị bắt và lĩnh án 2 năm tù giam. Trở về địa phương sau khi chấp hành án phạt tù, được sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền và CAH Cẩm Xuyên, anh đã làm lại cuộc đời. Anh Cường chia sẻ: “Lúc mới ra tù, tôi mặc cảm và tự ti, không muốn tiếp xúc với ai. Thời gian đó, ngoài gia đình, người thân động viên, các cán bộ trong Đội Cảnh sát Thi hành án dân sự và hỗ trợ tư pháp, CAH  Cẩm Xuyên thường xuyên quan tâm, giúp đỡ tôi tìm việc làm và hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh”. Có nghề sửa chữa ô-tô học được trong trại giam, được Công an huyện Cẩm Xuyên bảo lãnh, anh Cường đã vay 200 triệu đồng của Quỹ Tín dụng nhân dân Cẩm Trung (nay là Quỹ Tín dụng nhân dân Lạc Trung) để mở xưởng sửa chữa ô-tô. Hiện tại, xưởng đã phát triển lớn mạnh, tạo việc làm cho 3 lao động với thu nhập hơn 5,5 triệu đồng/người/ tháng. Ngoài xưởng sửa chữa ô tô, anh Cường còn góp vốn với người thân mở cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng.

HOÀNG NGÀ