Vượt sóng lớn, cứu 2 ngư dân ở vùng biển Hoàng Sa

Thứ tư, 22/03/2017 11:31

(Cadn.com.vn) - Được tin tàu cứu nạn SAR 412 của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 tại Đà Nẵng (Trung tâm 2) đang trên đường đưa 2 thuyền viên tàu cá bị đau đột xuất trên biển sắp về đến Đà Nẵng, ngay từ đầu giờ chiều ngày 21-3, trên cầu cảng của Trung tâm 2 đã đông kín người chờ đón tàu về. Ngoài lực lượng của Trung tâm 2 còn có 2 xe cứu thương của Trung tâm cấp cứu Y tế 115 Đà Nẵng cùng các y, bác sĩ và nhiều phóng viên báo chí.

Tàu cứu nạn SAR 412 đang chuẩn bị cập bờ. 

Đứng lẫn trong dòng người đông đúc, chị Đặng Thị Mỹ Lệ (trú xã Tam Giang, H. Núi Thành, Quảng Nam), là vợ của thuyền viên Huỳnh Văn Ánh (1978, một trong 2 ngư dân bị đau được đưa về trong chuyến này) không ngừng dõi ánh mắt ra phía biển xa chờ đợi. Chị cho biết, từ chiều 20-3, được chủ tàu báo tin là chồng chị bị đau đột xuất trong lúc đang khai thác hải sản trên biển, không biết tiến triển bệnh tình ra sao, chị Lệ lòng như có lửa đốt, vội gửi 2 đứa con cho nội ngoại rồi cùng một người cháu tức tốc bắt xe ra Đà Nẵng để chờ tin chồng. Khoảng 14 giờ 20 cùng ngày, khi con tàu  cứu nạn SAR 412 xuất hiện, mang theo 2 bệnh nhân tiến vào gần bờ, chị Lệ vội kéo tay người cháu ra tận cầu tàu để tận mắt xem tình trạng sức khỏe của chồng và sau khi người chồng được đưa lên xe cấp cứu để chuyển đến bệnh viện, chị cũng hối hả lên theo để tiện chăm sóc.

Theo thông tin từ Trung tâm 2, hồi 8 giờ 56 ngày 20-3, nhận được thông tin: Tàu cá số hiệu QNa 91800 TS do ông Huỳnh Tấn Dũng (trú xã Tam Quang, H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, trên tàu có thuyền viên tên Lê Thanh Chín (50 tuổi) bị đau dữ dội vùng hố chậu phải, sốt cao, không ăn uống, không đi vệ sinh được. Vị trí của tàu lúc này đang ở phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 310 hải lý. Cùng lúc đó, một thông tin khác về thuyền viên tàu cá bị đau trên biển cũng được chuyển về Trung tâm 2, đó là tàu cá số hiệu  QNa 90839 TS do ông Nguyễn Văn Bé (trú xã Tam Giang, H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, trên tàu có thuyền viên Huỳnh Văn Ánh (1978, trú xã Tam Giang) bị đau bụng dữ dội và sốt cao, đi tiểu ra máu. Lúc này, vị trí tàu cá QNa 90839 TS đang ở gần đảo Bom Bay (quần đảo Hoàng Sa) cách Đà Nẵng trên 300 hải lý. Thuyền trưởng của 2 tàu yêu cầu cứu nạn khẩn cấp.

Xe của Trung tâm cấp cứu đậu sẵn trên cầu cảng để chuyển bệnh nhân. 

Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm 2 lập tức điện báo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (VietNam MRCC)  xin lệnh đi cứu nạn, đồng thời phối hợp với  Trung tâm cấp cứu y tế 115 - Đà Nẵng để tư vấn y tế cho các bệnh nhân. Theo chẩn đoán của bác sĩ thì  bệnh nhân Lê Thanh Chín có khả năng bị viêm phúc mạc do viêm ruột thừa hoặc thủng dạ dày. Bệnh nhân Huỳnh Văn Ánh bị sỏi tiết niệu, nhiễm trùng đường tiết niệu. Trước tình huống nguy hiểm đến tính mạng của ngư dân, với phương châm tính mạng con người là trên hết, Tổng giám đốc VietNam MRCC Nguyễn Anh Vũ ngay lập tức điều động tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn SAR 412 tại Đà Nẵng và 1 kíp bác sỹ cùng trang thiết bị y tế, thuốc men lên đường đi cứu nạn.

Vừa hoàn thành chuyến hành trình cứu nạn trở về, thuyền trưởng tàu SAR 412 Trần Quang Thanh với làn da sạm nắng và đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, cho biết: Vượt qua quãng đường hơn 300 hải lý trên biển, trong điều kiện đêm tối, sóng to, gió lớn đến  0 giờ ngày 21-3,  lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải tàu SAR 412 đã tiếp cận được với tàu cá QNa 90118 TS và tàu cá QNa 90839 TS ở khu vực gần đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa). Dưới ánh đèn pha của tàu, các nhân viên cứu nạn và nhân viên y tế thực hiện cấp cứu bệnh nhân ngay trên biển, sau đó khẩn trương đưa 2 bệnh nhân lên tàu cứu nạn để về đất liền chữa trị. Tất cả chỉ mất khoảng 25 phút, mặc dù 2 tàu lúc này ở cách nhau khoảng 4 hải lý.

Thuyền trưởng Trần Quang Thanh chia sẻ: "Tôi cũng đã tham gia nhiều chuyến cứu nạn ngư dân bị bệnh, bị tai nạn trên biển nhưng đây là lần đầu tiên có 2 trường hợp cùng yêu cầu cứu nạn một lúc, mà hai tàu cá lại đang ở cách nhau khoảng 60 hải lý. Trên đường đi, anh em cứu nạn cũng rất căng thẳng, phải tính toán làm sao để đến được với các bệnh nhân một cách nhanh nhất, sớm chừng nào tốt chừng ấy vì bệnh tật làm sao mà đoán trước được. Thế là, bằng phương án vừa đi, vừa hướng dẫn hai tàu cá chạy về cùng một điểm để tàu  SAR 412 có thể tiếp cận nhanh nhất và kết quả đã diễn ra đúng như tính toán". Chuyến cứu nạn này để lại trong thuyền trưởng Trần Quang Thanh nhiều kỷ niệm sâu sắc.

 Chị Đặng Thị Mỹ Lệ ngóng ra biển chờ tàu cứu nạn đưa chồng vào bờ. 

Vào Đà Nẵng công tác đúng  dịp tàu cứu nạn SAR 412 đưa 2 bệnh nhân về đến đất liền, Tổng Giám đốc VietNam MRCC Nguyễn Anh Vũ đã đến động viên, chia vui cùng các cán bộ, thuyền viên tàu SAR 412. Ông Nguyễn Anh Vũ rất hài lòng và cảm kích về sự dũng cảm, trách nhiệm, tinh thần vượt qua khó khăn, thử thách của các cán bộ, thuyền viên ở Trung tâm 2. Ông Vũ cho biết, hiện Việt Nam có  4 Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải đặt tại 4 địa phương là: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó Đà Nẵng là khu vực trọng yếu ở miền Trung, địa bàn xảy ra nhiều vụ tàu cá, thuyền viên gặp nạn, bệnh tật trên biển cần cứu nạn, cứu hộ khẩn cấp. Đây cũng là địa bàn được đánh giá là khó khăn, nguy hiểm và phức tạp,  nhất là khi các tàu xảy ra sự cố ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thì những người đi cứu nạn không chỉ phải đối mặt với sóng to, gió lớn, mưa bão, đêm tối và các nguy hiểm rình rập mà còn phải khôn khéo, bản lĩnh xử lý khi gặp phải sự ngăn cản, quấy nhiễu của các tàu Trung Quốc.

Tổng Giám đốc VietNam MRCC Nguyễn Anh Vũ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm, mưu trí, bản lĩnh và kinh nghiệm trong công tác cứu hộ cứu nạn cũng như xử lý các tình huống nhạy cảm trên biển, vừa đảm bảo cứu nạn, vừa tránh xảy ra xung đột, nhất là ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Trong đó những cái tên được ông nhắc đến một cách đầy tự hào là thuyền trưởng Phan Xuân Sơn, thuyền trưởng Trần Quang Thanh và nhiều thuyền viên quả cảm khác. Ông cho rằng: Cứu chữa cho những người bị nạn trên biển không chỉ đảm bảo an toàn về mạng sống của con người mà sự xuất hiện của các tàu cứu hộ, cứu nạn hàng hải Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa cũng mang sứ mệnh là khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở biển Đông, vì thế khi các Trung tâm 2 và các Trung tâm cứu nạn khác có đề nghị điều động tàu đi cứu nạn, VietNam MRCC đều ưu tiên đáp ứng ngay. Nói về vụ cứu nạn hy hữu này, ông Nguyễn Anh Vũ cho biết sẽ có khen thưởng xứng đáng cho thuyền trưởng và các thuyền viên trong ê-kíp đi cứu nạn.

Chuyển bệnh nhân lên bờ.

Tổng giám đốc VietNam MRCC Nguyễn Anh Vũ cho biết: Hiện nay, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, tàu cứu nạn của VietNam MRCC đang tích cực tìm kiếm 3 ngư dân còn mất tích trong vụ chìm tàu HP 90258. Như vậy, từ đầu năm 2017 đến nay, VietNam MRCC đã cứu, hỗ trợ 193 người gặp nạn trên biển góp phần quan trọng giữ gìn sự bình yên của biển cả, sát cánh cùng ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.

K.Thanh