WikiLeaks - lằn ranh giữa báo chí tự do và rò rỉ thông tin

Thứ bảy, 13/04/2019 12:09

Sử dụng mật mã và hộp ảo, WikiLeaks của ông Julian Assange đã tạo ra một mô hình mới mang tính cách mạng cho truyền thông: làm rò rỉ số lượng lớn dữ liệu nhằm phơi bày mọi thứ từ bí mật quân sự của Mỹ cho đến những người trốn thuế giàu có.

Vụ bắt giữ ông Assange đang làm bùng nổ nhiều tranh cãi.   Ảnh: AFP

Vụ bắt giữ ông Assange ở London hôm 11-4 theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ để đối mặt với cáo buộc rò rỉ tài liệu mật có thể đánh dấu sự kết thúc của một WikiLeaks 13 năm tuổi. Nhưng di sản mang tên Assange và WikiLeaks sẽ vẫn mãi tồn tại với truyền thông thế giới. Các hãng tin tức và nhà báo ở khắp mọi nơi giờ đây có thể bắt chước kiểu tấn công nguồn ứng dụng được mã hóa tiềm năng và hộp ảo an toàn để nhận các tài liệu mật. Các kỹ năng tấn công mạng để công bố tài liệu mật như thế này bùng nổ do việc mất lòng tin sâu sắc nhằm vào các tổ chức truyền thống.

Ông Assange sinh ra ở Australia và sáng lập WikiLeaks vào năm 2006 sau quãng thời gian học tập ở Đại học Melbourne. Ông đã gây chấn động thế giới khi WikiLeaks công bố 470.000 tài liệu mật của Mỹ năm 2010, chủ yếu về hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Trong tuyên bố gây đau đầu và khó chịu nhất, tài liệu công bố năm 2015 của WikiLeaks cho thấy, chính phủ Mỹ và Anh đã nghe trộm Thủ tướng Đức Angela Merkel và lãnh đạo các nước đồng minh khác trong các cuộc thảo luận của nước này về khủng hoảng tài chính Hy Lạp.

“Chúng tôi đã giải phóng mật mã”

Vụ rò rỉ mãi mãi trở thành tiền lệ quan trọng trong báo chí hiện đại. Nhưng trước đây chưa có ai tạo ra một hộp thư điện tử tiện lợi, tương đối dễ sử dụng với tính bảo mật tuyệt đối và ngay lập tức được công bố đến toàn thế giới hàng chục ngàn tài liệu như thế này. Và ông Assange đã làm điều đó vào thời điểm chín muồi, khi thế giới kết nối xuất hiện và truyền thông xã hội cất cánh. Đối với ông Assange, đó là sự dân chủ hóa các quyền lực mà trước đây chỉ thuộc về cá chính phủ phương Tây, nhất là Mỹ. “Mật mã học khi đó là tài sản độc quyền của các quốc gia”, ông viết vào năm 2013.

“Bằng cách viết phần mềm và phổ biến ra xa và rộng, chúng tôi đã giải phóng mật mã, dân chủ hóa nó và truyền bá nó qua biên giới của Internet mới”, tuyên bố của WikiLeaks nêu rõ. Bản công khai đầu tiên của WikiLeaks là vào tháng 12-2006, về một lệnh ám sát một thủ lĩnh phiến quân Somalia, có thể hoặc không thể được xác thực. Nhưng nó đã thu hút sự chú ý. Trong năm sau đó, WikiLeaks đã thu được các tài liệu về việc tham nhũng của lãnh đạo Kenya, các quy tắc hoạt động bí mật cho trại tù vịnh Guantanamo của Mỹ và hồ sơ trốn thuế của giới nhà giàu tại một ngân hàng Thụy Sĩ. WikiLeak bắt đầu thu hút các phương tiện truyền thông chính thống về các câu chuyện “chưa bao giờ được tiết lộ”, từ các cuộc thảo luận bí mật về biến đổi khí hậu cho đến các hoạt động hạt nhân của Iran và gian lận ngân hàng Iceland.

Các tập tin của binh nhì Manning

Năm 2010, binh sĩ tình báo quân đội Mỹ Bradley Manning, hiện chuyển giới và lấy tên là Chelsea, bắt đầu bí mật chuyển hàng trăm ngàn tập tin được phân loại cho WikiLeaks.

Vụ rò rỉ tài liệu mật gây chấn động thế giới và khiến chính quyền Mỹ xấu hổ. Trong đó, hầu hết các tài liệu này là những bức điện tín ngoại giao và báo cáo mật về tình hình chiến trường Iraq và Afghanistan. Trong các tài liệu được WikiLeaks công bố có cả đoạn băng chiếu cảnh trực thăng Apache của quân đội Mỹ bắn chết 18 người trên đường phố Baghdad vào năm 2007, bao gồm cả dân thường và 2 nhà báo của Reuters. Manning đã bị truy tố vào tháng 6-2010 và vào tháng 8-2013, bị kết án 35 năm tù vì chuyển thông tin cho WikiLeaks. Tổng thống Obama giảm án cho Manning vào cuối nhiệm kỳ thứ hai và cô được thả vào tháng 5-2017.

Vụ rò rỉ như thế này, tất nhiên không thể được thực hiện ở thời kỳ chỉ có máy fax và máy in. Và chính nó đã đưa WikiLeaks trở thành xu hướng chính. Ông Assange hợp tác với New York Times, Guardian, Der Spiegel và những người khác để giúp sắp xếp và hiểu ý nghĩa tài liệu mà Manning cung cấp. WikiLeaks đã giành giải thưởng và hình ảnh ông Assange được lên trang bìa của tạp chí danh tiếng Time. Micah Sifry, tác giả của một cuốn sách năm 2011 về WikiLeaks cho biết: “Những gì WikiLeaks thể hiện là tiềm năng cho một tổ chức minh bạch không quốc tịch có thể vượt qua sự đàn áp thông tin của các chính phủ quyền lực nhất trên thế giới”.

Nhưng gần như ngay khi anh chạm đỉnh cao đó, ngôi sao Assange bắt đầu mờ dần. Áp lực chính trị để chống lại WikiLeaks là rất lớn. Một nỗ lực của nhiều quốc gia đã khiến WikiLeaks dần điêu đứng. Nhưng từ năm 2012, nhiều người khác đã áp dụng mô hình của ông, để công bố những tài liệu mật khác. Các trang mạng theo kiểu bản sao của WikiLeaks được mở ở các quốc gia khác nhau. “Người thổi còi” Mỹ Edward Snowden cũng nổi lên như vậy khi đã chuyển hàng trăm ngàn tài liệu quân sự và tình báo tuyệt mật cho truyền thông vào năm 2013.

Nhưng rồi, cuối cùng, sau 7 năm tị nạn, ông vẫn bị bắt giữ theo cách được xem là “đáng xấu hổ của cảnh sát Anh”, và đang đối mặt với một tương lai vô định.

KHẢ ANH

Australia loại trừ hình thức “đối xử đặc biệt” dành cho nhà sáng lập WikiLeaks

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã loại trừ bất cứ hình thức “đối xử đặc biệt” nào dành cho người sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange, sau khi ông này bị bắt tại London, Anh.

Tòa án Magistrates Westminster ở thủ đô London đã kết tội ông Assanger vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012. Ông Assanger có thể sẽ đối mặt với án tù lên tới 12 tháng về tội danh này.  Hiện Mỹ cũng đang đề nghị dẫn độ ông Assanger, do nghi ngờ ông này câu kết với nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning âm mưu làm rò rỉ các dữ liệu mật.